Vì xung đột Nga-Ukraine, Anh tính vượt mức chi tiêu quốc phòng, Đức thành 'đại gia châu Âu' chống lưng NATO?
Đối ngoại - Ngày đăng : 12:53, 29/06/2022
NATO ước tính Anh sẽ chi 2,12% GDP trong năm 2022, cao hơn so với mức 2% mà liên minh đề ra cho các thành viên. (Nguồn: NATO) |
Ngày 28/6, chính phủ Anh cho hay, chi tiêu quốc phòng của nước này sẽ ở mức 2,3% GDP trong năm 2022, do việc hỗ trợ quân sự dành cho Ukraine.
Trong khi đó, NATO ước tính Anh sẽ chi 2,12% GDP trong năm 2022, cao hơn so với mức 2% mà liên minh đề ra cho các thành viên.
Cùng ngày, theo Văn phòng Thủ tướng Anh, Thủ tướng Boris Johnson sẽ thúc giục các đồng minh NATO tăng cường chi tiêu quốc phòng tại Hội nghị thượng đỉnh của liên minh ở Madrid, nhằm đối phó với việc Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm vào Ukraine.
Ông Johnson cho rằng, NATO cần phải thích ứng với các mối đe dọa mới và ngày càng tăng, cũng như tăng chi tiêu quốc phòng để sẵn sàng đối phó với các cuộc khủng hoảng và nhu cầu cấp thiết.
Ngoài ra, nhà lãnh đạo cũng sẽ tuyên bố tại Hội nghị của NATO về việc Anh tăng cường hiện diện quân sự tại Estonia, quốc gia có chung biên giới với Nga.
Trước đó, theo báo chí Anh, Bộ trưởng Quốc phòng Ben Wallace đã đề xuất kế hoạch nâng mức chi tiêu quốc phòng lên 2,5% GDP vào năm 2028.
Cùng ngày, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết, đầu tư của nước này cho quốc phòng do cuộc xung đột Nga-Ukraine sẽ đưa Berlin trở thành quốc gia đóng góp lớn nhất ở châu Âu cho NATO, cùng với Mỹ ở bên kia bờ Đại Tây Dương.
Nền kinh tế lớn nhất châu Âu hiện đang trong quá trình tạo ra một quân đội thông thường lớn nhất trong khuôn khổ NATO ở châu lục này.
Theo Thủ tướng Scholz, Berlin sẽ chi trung bình hằng năm từ 70-80 tỷ Euro cho quốc phòng trong vài năm tới, đồng nghĩa với việc Đức là quốc gia đầu tư nhiều nhất cho quốc phòng.
Chỉ vài ngày sau khi xảy ra xung đột ở Ukraine, ông Scholz đã tuyên bố thành lập một quỹ đặc biệt cho quân đội trị giá 100 tỷ Euro (105 tỷ USD) nhằm tăng cường khả năng phòng thủ của quân đội Đức, bù đắp tình trạng thiếu hụt kinh phí kéo dài hàng thập niên qua.
Cam kết của Thủ tướng Scholz đáp ứng mục tiêu chi 2% cho quốc phòng của NATO được xem là sự thay đổi chính sách lớn từ cách tiếp cận quốc phòng thận trọng truyền thống mà Berlin từng đi theo.
Đức đã giảm dần quy mô quân đội kể từ khi Chiến tranh lạnh kết thúc, từ mức khoảng 500.000 quân vào thời điểm thống nhất nước Đức năm 1990 xuống chỉ còn 200.000 quân.