Được đóng 1 lần cho bảo hiểm xã hội còn thiếu để hưởng lương hưu sớm?

Pháp luật - Ngày đăng : 09:00, 29/06/2022

Bà Lê Quỳnh Chi hỏi: Tôi có 20 năm đóng bảo hiểm xã hội, trong đó có 15 năm độc hại thì sẽ được lãnh lương hưu sớm 5 năm. Nhưng tôi đóng 19 năm 1 tháng bảo hiểm bắt buộc (trong đó có 15 năm độc hại). Vậy tôi sẽ đóng thêm 11 tháng bảo hiểm tự nguyện nữa thì tôi có được lãnh lương hưu sớm 5 năm không?

Về vấn đề này, Công ty Luật TNHH YouMe trả lời - Khoản 1, 2, 3 Điều 169 Bộ luật Lao động 2019 quy định về tuổi nghỉ hưu như sau:

1. Người lao động bảo đảm điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội được hưởng lương hưu khi đủ tuổi nghỉ hưu.

2. Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.

Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và 4 tháng đối với lao động nữ.

3. Người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 5 tuổi so với quy định tại Khoản 2 Điều này tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Điểm a Khoản 1 Điều 5 Nghị định 135/2020/NĐ-CP ngày 18/11/2020 quy định về tuổi nghỉ hưu quy định về nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường như sau:

1. Người lao động thuộc các trường hợp dưới đây có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 5 tuổi so với tuổi nghỉ hưu quy định tại Điều 4 của Nghị định này tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác:

a) Người lao động có từ đủ 15 năm trở lên làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành.

Điều 5 Nghị định số 134/2015/NĐ-CP ngày 29/12/2015 quy định chi tiết một số điều của luật bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội tự nguyện quy định như sau:

1. Thời gian tính hưởng chế độ hưu trí là tổng thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện, không bao gồm thời gian đã tính hưởng bảo hiểm xã hội một lần.

Điểm e Khoản 1 Điều 9 Nghị định số 134/2015/NĐ-CP ngày 29/12/2015 quy định chi tiết một số điều của luật bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội tự nguyện quy định về phương thức đóng như sau:

Phương thức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện theo Khoản 2 Điều 87 của Luật Bảo hiểm xã hội được quy định như sau:

1. Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được chọn một trong các phương thức đóng sau đây để đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất:

e) Đóng một lần cho những năm còn thiếu đối với người tham gia bảo hiểm xã hội đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu theo quy định nhưng thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng) thì được đóng cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu.

Như vậy, nếu bà đóng một lần cho 11 tháng bảo hiểm xã hội tự nguyện thì bạn vẫn có thể được hưởng lương hưu sớm 5 năm.

Minh Hương