Cụm từ "Trung Quốc" được nhắc tới 14 lần trong tuyên bố chung của G7

Đối ngoại - Ngày đăng : 09:04, 29/06/2022

Lãnh đạo các nền dân chủ giàu có nhất thế giới đã chỉ trích Trung Quốc trong một tuyên bố chung, được đưa ra sau hội nghị thượng đỉnh G7.

Lãnh đạo các nước G7 tham gia hội nghị thượng đỉnh ở Đức (Ảnh: AP)

Lãnh đạo các nước G7 tham gia hội nghị thượng đỉnh ở Đức (Ảnh: AP)

Đề cập tới môi trường địa chính trị phức tạp kể từ hội nghị thượng đỉnh G7 lần gần đây nhất, tuyên bố chung của G7 chỉ trích Trung Quốc vì mối quan hệ của họ với Nga, các cáo buộc nhân quyền và các vấn đề về kinh tế. Mỹ từ lâu đã không thể thuyết phục các nước đưa ra luận điểm chỉ trích đối với Trung Quốc như vậy, nhưng giờ ngày càng có thêm một số nước mới tham gia.

Một điều đáng chú ý nữa là cái tên Trung Quốc được nhắc tới 14 lần trong tuyên bố chung được đưa ra sau hội nghị thượng đỉnh được tổ chức tại Krun, Đức. Năm ngoái, Trung Quốc chỉ được nhắc tới có 4 lần trong tuyên bố của G7.

Nhóm G7 bao gồm Anh, Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), tất cả đều áp lệnh trừng phạt khắc nghiệt chưa từng có đối với Nga, do vấn đề Ukraine.

Cuộc chiến mà Nga phát động ở Ukraine đã phủ bóng mờ các vấn đề về chính sách đối ngoại tại hội nghị năm nay – các nhà lãnh đạo G7 nói rằng họ sẽ tìm ra thêm biện pháp để kìm hãm nguồn thu từ dầu mỏ của Nga và tiếp tục ủng hộ Ukraine “lâu nhất có thể”.

Việc Bắc Kinh từ chối lên án hành động của Moscow – và ủng hộ một số mục tiêu mà Nga tuyên bố - đã gây tổn hại tới mối quan hệ giữa nước này với các nước thành viên G7, và gây sự chú ý đặc biệt.

Các nhà lãnh đạo G7 kêu gọi Trung Quốc “hối thúc Nga ngay lập tức tuân theo chỉ thị mang tính ràng buộc về pháp lý của Tòa Công lý quốc tế ngày 16/3/2022 và tuân thủ các nghị quyết liên quan của Đại hội đồng LHQ.”

Tuyên bố chung của G7 nhấn mạnh về “tầm quan trọng của hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan,” ngay giữa lúc có nhiều quan ngại ở phương Tây rằng Trung Quốc đã sẵn sàng cho việc dùng vũ lực để tái thống nhất với hòn đảo này. Bắc Kinh coi Đài Loan là một tỉnh không thể tách rời, và cần phải tái thống nhất bằng mọi giá.

“Chúng tôi vẫn hết sức quan ngại về tình hình ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Chúng tôi cực lực phản đối bất kỳ nỗ lực đơn phương nào nhằm làm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực hay đe dọa, dẫn đến căng thẳng leo thang,” tuyên bố nói, thêm rằng “không có cơ sở pháp lý đối với các tuyên bố chủ quyền hàng hải rộng khắp của Trung Quốc trên Biển Đông.”

Tuyên bố này cũng kêu gọi Trung Quốc “tôn trọng quyền của con người và sự tự do cơ bản”, nhắc tới một số cáo buộc của phương Tây đối với vấn đề Tây Tạng và Tân Cương.

Tuyên bố cũng hối thúc Trung Quốc “đóng góp có tính xây dựng” đối với các sáng kiến giảm nợ cho các nước đang phát triển.

Tuy nhiên, phần dài nhất trong tuyên bố chung của G7 có nội dung về “vai trò của Trung Quốc đối với nền kinh tế toàn cầu,” trong bối cảnh G7 đang cố gắng tái tổ chức các chuỗi cung ứng toàn cầu.

“Chúng tôi sẽ đưa ra một cách hiểu chung về những sự can thiệp không minh bạch và bóp méo thị trường của Trung Quốc, và việc nước này định hướng nền kinh tế, công nghiệp,” tuyên bố nói, thêm rằng nhóm này sẽ cùng nhau làm việc để “tăng cường sự đa dạng, chống lại hành động đe dọa kinh tế, và giảm sự phụ thuộc chiến lược.”

Trước khi hội nghị diễn ra, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tuyên bố kế hoạch rót 600 tỉ USD cho chương trình phát triển cơ sở hạ tầng toàn cầu của G7, để đối trọng với Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc.

Chương trình này vấp phải sự phản đối kịch liệt từ Bắc Kinh. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Triệu Lập Kiên nói rằng, mặc dù Trung Quốc “hoan nghênh mọi sáng kiến thúc đẩy cơ sở hạ tầng toàn cầu,” nhưng họ phản đối “những lời nói và hành động cố tình bôi nhọ Sáng kiến Vành đai và Con đường.”

Nhắc lại luận điệu của G7, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng nhấn mạnh về đoàn kết của các nước thành viên G7 trong việc đối phó với các hoạt động kinh tế mà họ cho là không công bằng của Trung Quốc. Trước đây, các nước G7 riêng lẻ thường hiếm khi đưa ra lời chỉ trích mạnh mẽ nhằm vào các hoạt động kiểm soát thị trường và trợ cấp của Trung Quốc, thay vào đó để cho Mỹ đưa ra phản ứng cứng rắn.

Nhưng hiện tại, sự hợp tác của các nước G7 đã được tăng cường đáng kể do áp lệnh trừng phạt Nga – cùng với bằng chứng cho thấy Trung Quốc đang gây ảnh hưởng tới các lệnh trừng phạt bằng cách mua dầu của Nga – nên tuyên bố chung của nhóm này cho thấy rõ sự phản đối mạnh mẽ trước việc mà họ cho là nỗ lực của Bắc Kinh trong việc vẽ lại bức tranh kinh tế toàn cầu theo hướng có lợi cho nước này.

Theo SCMP

Huyền Chi