Bí ẩn ngôi mộ đá trong hậu cung đền thờ vị tướng đánh cướp biển Xã hội - Ngày đăng : 07:15, 29/06/2022
Một ngôi mộ có cắm cọc gỗ lim, sau này được ốp đá sạch sẽ, nằm trong hậu cung đền Gắm (xã Toàn Thắng, huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng) gắn với cuộc đời của vị tướng tài ba Ngô Lý Tín dưới triều Lý.
Đền Gắm ở thôn Cẩm Khê, xã Toàn Thắng là nơi thờ Thượng tướng quân Ngô Lý Tín (1126 - 1190), vị tướng tài ba dưới thời nhà Lý. Ông quê ở huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, là con ông Ngô Huy Hiếu và bà Đào Thị Phúc. Năm ông 18 tuổi, cha mẹ lần lượt qua đời, Ngô Lý Tín rời quê hương tìm đến đất Cẩm Khê bên bờ sông Văn Úc mở trường dạy học, luyện tập võ nghệ. Sau một thời gian, danh tiếng của ông đã nổi tiếng khắp vùng.
Năm 1175, khi vua Lý Cao Tông mới 2 tuổi, nạn trộm cắp hoành hành, giặc ngoại bang âm mưu xâm lấn biên cương, đất nước lâm nguy. Triều đình xuống chiếu cầu người hiền tài giúp nước. Ngô Lý Tín chiêu mộ 30 tuấn kiệt của làng Cẩm Khê ngày đêm luyện võ, rồi lên kinh đô ứng dự và được chiêu mộ. Quân của ông đánh đâu thắng đó. Ông được vua phong làm Thượng tướng quân. Năm 1182, vị tướng tài ba này đem quân thủy bộ đi dẹp phiến loạn và đánh cướp biển. Năm 1183, ông được nhà vua giao cho làm Đốc tướng đi đánh giặc Ai Lao xâm phạm biên cương. Đắc thắng trở về, ông được thăng làm Thái phó, một trong 3 hàng tam công, trụ cột triều Lý gồm: Thái sư, Thái phó, Thái bảo. Nhân dân thường gọi ông là Tín Công. Tới năm 1188, Thái sư Đỗ Thuận An mất, Thái phó Ngô Lý Tín được cử làm Phụ chính để giúp vua thi hành chính sách cai quản đất nước.
Năm 1190, ông đi thuyền trở lại thăm Cẩm Khê nhưng không may thuyền gặp cơn bão, sóng to gió lớn trên khúc sông Quán Trang thuộc sông Văn Úc. Đoàn thuyền lính bị nhấn chìm, trôi dạt về bến Gắm. Người dân thương tiếc đã chôn cất ông tại ngay trên mảnh đất mà ông từng dạy học ở ven sông Văn Úc. Đền Gắm được xây dựng năm đó và ngôi mộ của ông nằm trong hậu cung đền.
Ông Đặng Anh Tuyết, Trưởng ban quản lý di tích đền Gắm cho biết, ngày xưa ngôi mộ chỉ là một nấm đất với một cọc gỗ lim cắm xuống, sau này được ốp đá sạch sẽ. Hiện mọi người có thể vào hậu cung chiêm bái. Theo sử sách ghi chép lại, thương tiếc vị tướng công thần trung nghĩa, vua Lý Cao Tông truyền lệnh xuất 300 quan tiền để dựng miếu thờ, miễn sưu thuế 3 năm cho dân làng Cẩm Khê, đồng thời viết sắc phong ông là "Thượng Đẳng Phúc Thần". Hiện sắc phong này vẫn còn lưu giữ trong ống đồng ở hậu cung.
Mô hình thuyền chở Thượng tướng quân Ngô Lý Tín và binh lính trong đền Gắm.
4 viên gạch hình rồng thời Mạc là những cổ vật được tìm thấy trong đền Gắm. Gạch hình vuông, trang trí nổi hình rồng, hai viên ghép lại thành một con rồng hoàn chỉnh. Hiện nay, 2 viên gạch được đưa về trưng bày ở bảo tàng huyện Tiên Lãng.
Đền Gắm là một trong bốn linh từ của huyện Tiên Lãng, được nhân dân địa phương truyền tụng về sự linh thiêng: "Thứ nhất đền Bì (xã Đoàn Lập, Tiên Lãng), thứ nhì đền Gắm". Đền Gắm tọa lạc tại vùng đất ven sông Văn Úc. Đền có hướng Đông Bắc, nhìn ra sông Văn Úc nước đổ từ thượng lưu ra biển Đông, xa xa phía sau có dãy núi Voi, núi Vọ làm hậu chẩm, các cụ cho rằng đó là thế "rồng cuộn, hổ ngồi". Năm 1992, đền được công nhận là di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia.
Đền Gắm nằm bên ngoài đê sông Văn Úc, cách xa khu dân cư, bao bọc là những tán cây xanh tươi mát. Từ trên đê xuống, mọi người đi theo con đường lát gạch, 2 bên xây tường hoa uốn lượn dưới tán cây tạo nên một không gian thanh bình, mang nét đặc trưng của đền chùa vùng Bắc bộ.
Trước đền là hồ bán nguyệt có rất nhiều cá, rùa. Phía bên ngoài là cánh rừng ngập mặn ven sông Văn Úc. Đền nằm giữa rừng cây xanh, có bầu không khí trong lành, yên tĩnh. Sau đền có cây nhãn hơn 600 năm tuổi, được công nhận là Cây Di sản Việt Nam.
Đền Gắm là niềm tự hào của người dân địa phương. Các thế hệ nối tiếp bảo vệ di tích, hương khói thờ phụng một nhân vật có công lao với đất nước, nhân dân.
Your browser does not support the video tag. Bí ẩn ngôi mộ đá trong hậu cung đền thờ vị tướng đánh cướp biển
Trí Thành