Cơn "bão ngầm" trong lòng một thế hệ mồ côi sau Covid-19
Xã hội - Ngày đăng : 07:09, 29/06/2022
"Không gì diễn tả được, nó đau đớn kinh khủng" - Thắm (41 tuổi, ở quận 6, TPHCM) bật khóc khi nói về vòng tròn nhớ nhung da diết lặp đi lặp lại trong ngôi nhà chật chội đang dần được thay thế bằng 4 chiếc bài vị. Điều đó càng giúp chị chắc chắn hơn cho quyết định chạy trốn khỏi Sài Gòn.
Thế nhưng, sang tháng 11, dù đã trở về quê nhà, đoàn tụ gia đình, Thắm vẫn thừa nhận: Tất cả chỉ đang che lấp vết thương. Trong sâu thẳm của Thắm, ba mẹ, chồng và em chồng mất - đó mãi mãi là sự thật, là cú đánh chí tử vào tâm can những người còn sống.
"Đau buồn đến theo cơn, khi chị gặp hình dáng ai đó giống anh. Nhưng Minh Thư (con gái-PV) thì ngược lại, nó nhớ cha mọi lúc mọi nơi" - Thắm lần đầu chia sẻ về cô con gái lên 8 của mình.
Đến tận giờ, đã 10 tháng trôi qua, Minh Thư vẫn hay gặp cha trong mơ. Ông chạy chiếc xe đạp cong vành, đèo cô đằng trước, ông nội ngồi sau và cả ba trôi theo những cung đường dài thượt. Cô bé tỉnh dậy, mỉm cười nói trong sự lạnh buốt tim gan của Thắm.
"100 ngày mất, Thư nằng nặc đòi chị phải đốt xe hơi, nhà to, quần áo đẹp cho cha và ông bà nội có thể sống tốt ở thế giới bên kia. Nó hiểu rất rõ cái chết, hay nói về Phật, Nghiệp-Duyên,… mặc dù chị chưa bao giờ dạy con. Minh Thư khác biệt hoàn toàn với tụi con nít đồng trang lứa" - Thắm lo lắng về sự thay đổi của con gái. Nhưng chính chị cũng hoàn toàn không thể nào lý giải, đặc biệt khi Thư chưa từng có một trải nghiệm sinh li tử biệt nào trước đó.
Hơn 2.500 trẻ em nước ta, trong đó có 2.200 trẻ em ở TPHCM như Minh Thư đã mồ côi sau đợt dịch Covid-19 lần thứ 4. Bọn trẻ đang sống như thế nào? Có những trải nghiệm gì? Đối diện, chấp nhận, phản kháng hay quy hàng… ra sao trước sự mất mát đột ngột của thân nhân khi tuổi còn quá nhỏ?
Trong phần tiếp theo này, chúng tôi xin kể về thế giới đổi thay của những đứa trẻ sau Covid-19. Những chuyện buồn, vui, nước mắt, xen lẫn nụ cười từ một thế hệ mồ côi ngoài sức tưởng tượng... bên cạnh chúng ta.
Sau khi chôn cất người thân, Thắm quyết định ở lại quê. Không khí se se lạnh những ngày cận Tết và sự ấm áp từ bố mẹ khiến mẹ con chị khỏe hơn. Buổi sáng, trong cái sân vườn nhỏ, Thư vẫn chạy nhảy tung tăng, cười đùa theo đám con nít cùng xóm. Thắm thầm cảm ơn về quyết định liều lĩnh của mình!
Nhưng vài ngày sau, Thắm bảo, nỗi buồn của Thư thường đến đột ngột, bất ngờ như sóng ngầm. Có hôm, họ hàng tụ tập về nhà ngoại để chúc Tết, bỗng những bộ quần áo sặc sỡ và tiếng cười nói giòn tan làm Thư òa lên tức tưởi.
"Mẹ ơi! Mẹ! Nhà ngoại ai cũng đầy đủ, có người thân, gia đình, tại sao mình mất hết trơn vậy mẹ?" - con gái càng khóc bao nhiêu, càng cứa vào lòng Thắm bấy nhiêu ."Cha chết là chết, sao mẹ lại nói dối con cha đi làm xa?". Suốt hôm đó, Thư liên tục trách móc, đấm vào ngực chị.
Hồi ấy, để che giấu vết thương giúp con gái, Thắm quyết định nhốt Thư trên lầu. Đứng trước câu hỏi: "Ba đâu? Ông bà đâu", chị viện cớ: "Ông bà đi du lịch","Dịch nặng quá, ba phải công tác xa mới có đủ tiền nuôi mẹ con"… Nhưng ngày thứ 49, chứng kiến 4 chiếc bài vị đặt thẳng hàng ở giữa nhà, Thư khóc nấc.
"Sau đó, Thư nói rất nhiều về Nghiệp - Duyên. Có hôm, khi mẹ và chị đang nói về một người keo kiệt, lấy hết tiền boa của đứa cháu. Thư thẳng thừng đáp: "Đó là nghiệp, lấy đi sau này chắc chắn trả", khi tay vẫn nhoay nhoáy chơi đồ chơi khiến gia đình chị sửng sốt…" - Thắm nhớ.
Tâm lý thay đổi vội vàng, sâu sắc của con gái khiến Thắm thấu tận tâm can! Thế nhưng, đôi lúc chính chị phải thừa nhận, nhiều thời điểm, Thư là chỗ dựa tinh thần cho mẹ hơn là ngược lại.
Một buổi chiều, mẹ con Thắm lòng vòng trong vườn với mấy chú gà con túc tắc ăn hạt, bất giác Thư ngồi bất động rất lâu và thắc mắc: "Mẹ ơi! Gà con cũng có cha! Tại sao lại chia tách nó? Tại sao cha gà không ở lại bảo vệ con của mình?". Hồi ấy, mẹ Thắm thường nhốt đàn con vào chuồng sắt để tránh khỏi đám gà trống lớn.
Cả hôm đó, Thư buồn, nó đòi thả bằng được gà con về với cha như thể đang đòi cho chính mình. Rồi đến tối, Thư lại ấm áp lạ kỳ. Nó nằm sát Thắm, ôm chị bằng tất cả sự ấm áp mà thầm thì: "Mẹ ơi! Mẹ đừng khóc! Cha mất rồi, mẹ con mình ở lại cùng cố gắng".
Thắm khóc không thành tiếng.
"Cháu biết! Biết hết! Ba mất, mẹ mất, ông bà mất… Nhưng vẫn cố tỏ ra mình không biết" - Mai Khanh (15 tuổi, ở huyện Bình Chánh) kể với tôi về trải nghiệm mất mát 5 người thân liên tiếp trong cùng tháng.
Ngày 10/7, anh Nguyễn Thanh Sang (50 tuổi, cha Khanh) qua đời sau 3 ngày trở ốm. Chỉ 2 giờ đồng hồ sau, tiếng kèn tiễn đưa anh vẫn còn vọng trong sân nhà, người bà nuôi cha Khanh cũng đột ngột qua đời.
Ngày 11/7, bà ngoại Khanh cho kết quả dương tính, buộc đi cách ly và mất hoàn toàn liên lạc.
Tiếp theo, ông ngoại và chị Nguyễn Thị Tuyết Mai (45 tuổi, mẹ ruột của Khanh) cũng trở sốt.
Từ 1/8 đến 6/8, gia đình Mai Khanh lần lượt nhận tro cốt của tất cả thành viên vì không ai có thể quay trở về.
"Trước ngày mất, chị Mai vẫn còn gọi điện về nhà, nói rất ít và khóc do nhớ cháu. Thế mà 5 hôm sau bộ đội đã mang tro cốt về tận cửa.Tụi chịlàm mọi cách để giấu tin dữ với Khanh vì nó bị lên máu. Lúc đó, không thể đi viện, nó sẽ nguy kịch" - người dì ngồi cạnh, khóc, giải thích.
"Con biết hết, biết hết từ hôm đó. Con cố tỏ ra mình không biết thôi…" - Khanh đáp, trong sự ngạc nhiên của toàn bộ thành viên gia đình.
Khanh kể, khi lực lượng chức năng đến cửa nhà, đọc tên: "Nguyễn Thị Tuyết Mai", cô bé đã loáng thoáng nghe nhưng vẫn khước từ sự thật. Thậm chí vài ngày sau, Khanh buộc mình lao vào game, thế giới ảo trên mạng xã hội để lấp đầy khoảng trống khủng hoảng mà cô gọi là "giết chết thời gian".
Thế mà, một tuần sau, trong cuộc gọi với chị hai: "Nếu mẹ không có ở đây, em tính sống với ai?" - người chị gợi mở làm Khanh òa lên nức nở.
"Câu nói đó chạm đến tận xương tủy. Nó lớn hơn nỗi đau rất nhiều! Cháu không biết diễn tả như thế nào?" - Khanh kể với tôi và mô tả chính xác sự chia li ám ảnh bằng câu nói đầy triết lý: "Nước mắt rơi là để bớt đau buồn, nhưng thời điểm đó, cháu gần như không thể khóc, mọi thứ đã cạn, dù cháu rất yêu mẹ!".
Cơn đau, nỗi nhớ và ký ức trong Khanh dai dẳng mãi về sau. Nhưng có một điều lạ lùng, Khanh kể, mọi hình ảnh về bố mẹ với cô vẫn vô cùng chân thực, như thể họ chưa bao giờ mất.
Mỗi ngày, Khanh vẫn nhìn thấy mẹ quanh quẩn trong bếp, cười cười nói nói, nấu cơm, giặt đồ. Ba cô trở về nhà, mặc nguyên chiếc áo sơ-mi xanh, quần jean ống rộng, và ôm cô nhớ nhung da diết. Ban đêm, qua tấm vách ngăn tường, cô bé nghe tiếng ba cười tanh tách trước sự ghen tuông vô cớ của mẹ.
Và một chiều gió lộng qua cánh đồng, mẹ cô vẫn lanh lảnh gọi: "Khanh ơi! Lấy cho má cuộn chỉ mới!", khi bà đang đạp lạch cạch chiếc máy may cũ. Cô bé chồm dậy khỏi chiếc võng và chạy đi ngay.
"Cháu không biết điều đó là gì nhưng cháu không nghĩ ba mẹ mất. Cả hai chỉ đang đi du lịch. Chỉ là rất lâu và thường về nhà một cách bất thình lình" - Khanh nói về sự an ủi bản thân.
Hết tháng 8, Khanh đồng ý với gia đình về việc dọn dẹp tất cả kỷ vật của mẹ vào nhà kho. Và khoảnh khắc mọi người khuân chiếc máy may đi, Khanh rơi nước mắt.
Sau khi anh Phan Hồng Phong (45 tuổi, ở quận Bình Tân, TPHCM) mất, chị Hường (43 tuổi) hoàn toàn đầu hàng trước bi thương. Chị không còn muốn thức dậy, nhớ nhớ quên quên những chuyện cần làm, bỏ phế 2 đứa con và liên tục phải tìm thuốc thần kinh để "giá như có thể quên được mọi thứ"…
Hồi ấy, chị làm việc cả ngày cho một tiệm chăm sóc sắc đẹp. Ngày ngày, 4h30, anh Phong đều thức dậy rất sớm, chở Nhung đến trường đại học cách nhà hơn 20km. Quay về, anh tiếp tục đưa Gia Phú đi học rồi mới đến tổ dân phố… Mỗi tối, chị trở về nhà thì các con đã tắm rửa, một bàn ăn được dọn sẵn. Cảm giác dựa dẫm, dìu dắt và không phải lo lắng khi Phong là trụ cột gia đình khiến chị Hường dần dần lệ thuộc. Vì vậy, đột ngột mất anh khiến chị không tin vào thực tế, vẫy vùng trong bi thương.
"Chới với. Cô đơn. Cảm giác như chị đang mồ côi không cha không mẹ. Bước tiếp lỡ không may chị hụt chân, nên chị dừng lại, bỏ mặc mọi thứ, im lặng với tất cả mọi thứ…" - chị Hường nói về bi kịch của mình.
Mãi đến nửa tháng sau, trong lúc Gia Phú vòi món đồ chơi từ người anh họ bất thành, thằng bé bỗng chốc dữ tợn lên. Mắt Phú long sòng sọc, miệng không ngừng gào thét, bứt áo, nắm tóc và cào cấu cơ thể thành những vết đỏ dài… chị Hường mới bừng tỉnh.
Một quãng thời gian dài vật lộn với đau buồn, chị đã quên mất cách ôm ấp, vuốt ve, khen ngợi, thậm chí đã trở nên nổi cáu với con - đứa trẻ cũng đang "mồ côi" như mẹ. Chị cuống cuồng tìm kiếm sự giúp đỡ từ bác sĩ, cô giáo ở trường học của Phú… Thế nhưng, tất cả đều đã mắc kẹt trong Covid-19.
Đêm đó, chị ôm Phú vào lòng. Thằng bé cuộn tròn trong "trọng thương" khiến chị rưng rức khóc. "Chị tìm cách để sống chậm, ngồi nhiều giờ lắng nghe con. Hai tháng sau, Phú mới trầm xuống, hiền hòa trở lại. Nhờ con, chị cũng biết được mình phải sống cho cả những người còn lại" - Hường nói.
Bây giờ, Gia Phú đã hiểu tường tận về cái chết của cha. Nhưng có món ăn ngon, đồ chơi đẹp… cậu bé vẫn mang lên di ảnh ngồi chia sẻ cùng cha. Và mỗi đêm, trước giờ đi ngủ, Phú vẫn sắp riêng cái gối - chiếc mà cha cậu hay ôm khi còn sống, chừa khoảng trống cho cha nằm. Vị trí ấm áp ấy chưa bao giờ thay đổi trong lòng cậu bé.
"Em từng rất hận mẹ, mỗi lần bà ấy lên cơn đánh các em, đánh Trinh. Từng trách tại sao mình lại sinh ra trong cái gia đình này" - Dũng (23 tuổi) lặng lẽ nhớ về quá khứ chịu đòn roi của 4 anh em từ người mẹ bị chứng tâm thần phân liệt.
Cả tuổi thơ của cậu, bị đánh, chửi rủa, không có cơm ăn… đã trở thành quen thuộc. Cả gia đình Dũng chỉ có thể sống nhờ vào những tấm vé số tình thương đổi bằng chiếc chân cụt và tuổi già của ông ngoại.
Đầu tháng 8, ông Nguyễn Ngọc Ẩn (69 tuổi, ở quận 1) nằm gục trên chiếc xe lăn, trước chợ Cô Giang trong sự tìm kiếm vô vọng từ gia đình. Ông được xác định mắc Covid-19, nhưng vẫn cố gắng ra đường vì lý do đặc biệt: "Mua cho các cháu bữa ăn ngon vì 2 tháng rồi chỉ toàn cơm chan mì tôm".
"Ông nằm ngoài đường cả ngày trời, người ướt sũng, đã cứng ngắt, đầu óc chẳng còn nhớ gì nhưng vẫn không quên mua đồ ăn về cho cháu" - Dũng nói.
Thời điểm đó, 13 thành viên trong gia đình Dũng đều dương tính. Riêng ông ngoại của cậu, dù đã cố hết sức nhưng Dũng bất lực khi bao nhiêu cuộc gọi cho bệnh viện khi đó đều không có hồi âm.
"Đến ngày thứ 4, ông khỏe, không chịu ăn uống mà chỉ muốn cầm bút, viết di chúc. Qua hôm sau ông mất sớm nhưng nhà chẳng còn tiền đưa ông đi. Cả đời ông đã sống vì con, vì cháu, đến lúc chết vẫn khổ như thế" - Dũng nhớ.
Từng là trụ cột gia đình, thế nên sau khi ông mất, tất cả gánh nặng đổ dồn lên vai Dũng. Cậu kể, đó là thời điểm sự lo sợ cái bụng đói che lấp cả đau đớn. Rằng gần 10 thành viên trong căn nhà 8m2, người mẹ điên loạn không ai trông, cháu khờ khạo, chị gái thất nghiệp… đã sống mà không biết có đủ gạo đến hôm sau.
Cậu quay cuồng tìm việc, làm 2-3 nơi cùng lúc, ra đường từ 4h30 sáng và chỉ trở về sau 12h khuya, khi có 300.000 đồng trong tay.
Nhưng có một trải nghiệm mà Dũng vô cùng biết ơn! Đó là sự quý giá và tình yêu thương khi cậu đứng vào vị trí của ông săn sóc cho gia đình.
"Trước đây em từng trách sao nhà mình nghèo, có một người mẹ điên, hành hạ con không thương tiếc! Nhưng ông ngoại luôn che cho tụi em khi bị đánh, dạy tụi em cách yêu thương mẹ, chưa từng bỏ rơi một đứa nào, mặc cháu em khờ khạo, chậm phát triển… Ông đã dạy cho em biết gia đình là như thế nào…" - Dũng nói.
Đầu năm 2022, chị gái Dũng đã về nhà chồng, đứa con khờ được để lại. Vài tháng sau, người em giữa cũng đã có vợ và dọn ra ngoài. Dũng thì vẫn quyết định cả đời sống trong căn nhà của ngoại và chăm sóc mẹ.
"Hôm trước, lúc mẹ tỉnh, em trêu sẽ không có vợ! Một phần vì nhà mình còn khổ. Một phần sau khi ông mất, em thấy mình lớn hơn và em cần có trách nhiệm với gia đình này" - chàng trai có má lúm đồng tiền cười nhẹ, kể cho tôi nghe về tương lai.
Dũng, Mai Khanh, Minh Thư, Gia Phú - những đứa trẻ trong độ tuổi dựa dẫm, sau biến cố xảy ra lại bất ngờ trờ thành trụ cột tinh thần chính trong gia đình. Thậm chí, lên 10 tuổi, chúng đã hiểu sâu sắc về sự chia ly, buộc bản thân thay đổi, trưởng thành.
Người thân của Dũng, Mai Khanh, Minh Thư, Gia Phú… vẫn ngồi cạnh khi các cuộc trò chuyện này diễn ra. Và họ không ngừng khóc. Tất cả thừa nhận, dù chính quyền giúp đỡ, gia đình luôn kề cạnh, thế nhưng hành trình chữa lành vết thương Covid-19 vẫn dựa vào tinh thần tự thân là chính.
LỜI TÒA SOẠN:
Trong gần nửa năm (từ tháng 6 đến tháng 11/2021), đại dịch Covid-19 đã cướp đi sinh mạng hơn 17.000 người dân sinh sống TPHCM, khiến 2.000 trẻ em mồ côi, hàng chục nghìn hộ gia đình chịu cảnh mất đi người thân thuộc…Nhưng những con số ấy chỉ diễn tả được một phần về sự tàn khốc mà dịch Covid-19 gây ra cho thành phố đông dân nhất cả nước.
Sau 1 năm gồng mình chống đợt dịch lớn nhất, lần đầu tiên từ sau ngày thống nhất đất nước, nền kinh tế của thành phố mang tên Bác tăng trưởng âm, tạo ra những làn sóng thất nghiệp, những dòng người "tháo chạy" khỏi nơi họ từng lựa chọn để gắn bó, sinh sống, lập nghiệp. Vết cứa sâu do đại dịch chưa từng có tiền lệ gây ra khiến TPHCM chắc chắn đã và sẽ mất thêm nhiều thời gian để chữa lành.
Cũng trong cuộc chiến khốc liệt ấy, bất kỳ ai cũng không thể cầm lòng trước hình ảnh những giao dịch triệu đô mỗi ngày của Sài Gòn hoa lệ, được thay bằng những bữa cơm nghĩa tình, phiên chợ không đồng. Chúng ta cũng không thể quên hàng triệu "người hùng không tên" từ mọi miền Tổ quốc về miền Nam để chia lửa, cứu trợ, sẵn sàng hy sinh vì 2 chữ: "ĐỒNG BÀO".
Khoảng thời gian đau thương do Covid-19 đã qua đi, nhưng những câu chuyện, ký ức về nỗi đau và tình người vẫn còn mãi. Khi vết thương do đại dịch dần nguôi ngoai, cũng là lúc chúng ta - những người ở lại - cùng nhau nhớ về những ngày TPHCM trọng thương.
Một năm sau đại dịch Covid-19 hoành hành, Báo điện tử Dân trí xin được giới thiệu với Quý độc giả tuyến bài "MỘT NĂM NHÌN LẠI KÝ ỨC ĐẠI DỊCH COVID-19".
Chúng tôi xin được kể lại những câu chuyện về sự mất mát, bi thương, nhưng chứa đầy hy vọng và ẩn sâu trong đó là tình người vẫn luôn hiện hữu.
Nội dung: Huy Hậu
Ảnh: Hải Long
Video: Phương Nhi
Thiết kế: Thủy Tiên
29/06/2022