Báo Mỹ tiết lộ về hoạt động bí mật của CIA và quân đội phương Tây ở Ukraine
Đối ngoại - Ngày đăng : 18:57, 28/06/2022
Trong cuộc xung đột Nga-Ukraine, ngoài việc đưa vũ khí đến Ukraine một cách phô trương, Mỹ các nước phương Tây còn thực hiện nhiều hoạt động bí mật một cách kín đáo. Tờ New York Times ngày 25/6 đưa tin trong một bài báo rằng mặc dù chính quyền Joe Biden đã tuyên bố rõ ràng sẽ không triển khai quân đội ở Ukraine, nhưng các nhân viên của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) vẫn đang thực hiện các nhiệm vụ bí mật liên quan đến nghiệp vụ tình báo ở Ukraine. Các cơ quan tình báo của Nga cũng biết rất rõ về sự hiện diện của họ. Đồng thời, hàng chục lính biệt kích của quân đội các nước NATO như Anh và Pháp cũng đang huấn luyện và làm cố vấn cho quân đội Ukraine, cũng như chịu trách nhiệm mở các tuyến ở mặt đất để chuyển vũ khí và vật tư viện trợ cho Ukraine.
New York Times: quan chức Mỹ tiết lộ các mạng lưới bí mật của phương Tây điều phối các chuyến hàng vận chuyển vũ khí ở Ukraine
Theo bài báo, với việc quân đội Nga tiếp tục tiến quân ở miền đông Ukraine, Ukraine ngày càng dựa vào sự trợ giúp của các đồng minh như Mỹ trên chiến trường, và một mạng lưới bí mật bao gồm các sĩ quan tình báo và biệt kích phương Tây đang hoạt động và phát huy tác dụng ở đây.
The New York Times viết về sự dính líu bí mật của Mỹ và phương Tây vào cuộc xung đột Nga-Ukraine. |
Những nhân viên phương Tây này cung cấp cho Ukraine vũ khí, thông tin tình báo và huấn luyện đào tạo rất cần thiết. Ví dụ, một số nhân viên CIA vẫn đang hoạt động ở những nơi như Kiev và kiểm soát một lượng lớn thông tin tình báo được chia sẻ giữa Mỹ và Ukraine.
Ngoài ra, mấy chục lính biệt kích từ các nước NATO khác, bao gồm Anh, Pháp, Canada và Liathunia (Litva), cũng đang làm việc tại Ukraine.
Theo ba quan chức Mỹ, mặc dù Mỹ đã rút 150 giảng viên quân sự khỏi Ukraine trước khi xung đột Nga-Ukraine bùng nổ vào tháng 2, nhưng các biệt kích của Liên minh NATO vẫn ở lại Ukraine hoặc thỉnh thoảng tiến vào Ukraine, huấn luyện đào tạo, tư vấn cho quân đội Ukraine và mở thông các tuyến đường mặt đất cho việc vận chuyển vũ khí và các vật tư khác cho Ukraine.
New York Times cho hay, chỉ ít lâu sau khi Nga có hành động quân sự chống lại Ukraine, Lữ đoàn Đặc nhiệm số 10 của Lục quân Mỹ đã âm thầm thành lập một nhóm liên minh tại Đức để điều phối viện trợ quân sự từ bên ngoài cho Ukraine. Hiện nay, nhóm điều phối này đã mở rộng lên gồm 20 quốc gia.
Bộ trưởng Lục quân Mỹ Christine E. Wormuth tiết lộ đặc nhiệm Mỹ tổ chức vận chuyển vũ khí cho Ukraine (Ảnh: USNI News). |
Bộ trưởng Lục quân Mỹ Christine E. Wormuth tháng trước tiết lộ rằng nhóm này đã giúp Ukraine quản lý luồng vũ khí và thiết bị vận chuyển trong biên giới của mình. Bà nói, người Ukraine đã vận chuyển nguồn cung cấp tránh không bị lực lượng Nga tấn công, và nhiệm vụ của nhóm này là điều phối "việc vận chuyển tất cả các loại vật tư khác nhau."
Theo các quan chức Mỹ và phương Tây khác, các biệt kích của đội này không có mặt ở tiền tuyến của cuộc xung đột Nga-Ukraine, mà ở các khu vực bên trong Ukraine cách xa chiến tuyến, cung cấp các ý kiến tư vấn thông qua liên lạc tầm xa được mã hóa.
Một số sĩ quan chỉ huy cấp thấp của Ukraine cho biết họ có thể nhận được các thông tin tình báo từ các máy tính bảng do các đồng minh phương Tây cung cấp, Các máy tính bảng này chạy ứng dụng bản đồ chiến trường mà người Ukraine sử dụng để xác định mục tiêu và tấn công quân đội Nga.
"Trong một chiến trường hỗn loạn, điều quan trọng là phải biết đối phó với ai, phải giao vũ khí cho ai. Nếu thiếu các thông tin này sẽ gây ra sự chậm trễ về thời gian" - Jason Crow, nghị sĩ Dân chủ, Ủy viên Ủy ban Quân sự và Tình báo Hạ viện Mỹ nói.
Hiệu quả thực tế không như ý muốn
Dù Mỹ có “tiếp máu” cho Ukraine một cách công khai hay ngấm ngầm, nhưng hiệu quả của nó đạt được ra sao lại là chuyện khác.
Một cựu quan chức Mỹ từng hợp tác với Ukraine cho biết, việc thiếu huấn luyện là vấn đề nghiêm trọng nhất mà quân đội Ukraine gặp phải hiện nay, lực lượng quân đội thiện chiến và được huấn luyện tốt đang bị cạn kiệt dần khi chiến sự kéo dài.
Hãng truyền thông Anh Sky News đã cử phóng viên đến phỏng vấn viên chỉ huy lực lượng đặc nhiệm Ukraine tinh nhuệ ở Severodonetsk, phóng viên này rất ấn tượng với điều mà Tổng thống Zelensky gọi là "cuộc rút lui thành công" khỏi Severodonetsk, ông quan tâm hỏi viên chỉ huy đã bị mất bao nhiêu binh sĩ.
Trước câu hỏi của phóng viên, viên chỉ huy này rất thành thật: “Quân dưới quyền của tôi đều là những người được huấn luyện bài bản, chuyên nghiệp và đã có kinh nghiệm chiến đấu, nhưng hiện tại 80% những người lính này đã bị giết hoặc bị thương nặng không thể chiến đấu được. Để bù đắp cho số quân đã mất này, chúng tôi đã được thay thế bằng một nhóm tân binh chưa qua đào tạo”. Khi được hỏi liệu có chịu được tổn thất này hay không, viên chỉ huy nói: "Tôi không biết phải trả lời câu hỏi này như thế nào, vì đó là một sự lựa chọn mà không có cách nào khác."
Lực lượng Ukraine bị thiệt hại nặng khi rút lui khỏi Severodonesk (Ảnh: QQ). |
Douglas H. Wise, một cựu quan chức CIA cấp cao, chỉ ra rằng CIA thực sự giỏi trong việc trấn áp lực lượng nổi dậy và tiến hành các hoạt động chống khủng bố, nhưng những dự án này không phù hợp với nhu cầu của chiến trường Nga-Ukraine. Những gì người Ukraine cần bây giờ là học cách sử dụng vũ khí và thiết bị, chẳng hạn như hệ thống phóng tên lửa nhiều nòng cơ động cao HIMARS. Ông nói: "Tôi không thể tưởng tượng rằng CIA sẽ dạy cho người Ukraine cách sử dụng hệ thống phóng tên lửa HIMARS như thế nào”.
Cũng có quan chức Mỹ bày tỏ hoài nghi liệu việc mạo hiểm leo thang chiến tranh để huấn luyện quân đội Ukraine có đáng hay không.
"Có đáng phải trả một cái giá như vậy cho việc tăng cường huấn luyện (quân đội Ukraine) không? Câu trả lời rất có thể là ‘không’", Douglas Wise nói.