Chuyên gia mách cách để học sinh không thành nạn nhân của bạo lực học đường

Xã hội - Ngày đăng : 18:08, 28/06/2022

Xem clip nữ sinh Nghệ An bị đánh hội đồng trên mạng xã hội, nhiều phụ huynh tỏ ra lo lắng trước vấn nạn bạo lực học đường diễn biến ngày càng phức tạp.

Hôm nay, mạng xã hội lan truyền đoạn clip ghi lại cảnh một nữ sinh bị đánh hội đồng ở Nghệ An. Theo clip, một số bạn nữ đã giật tóc, dùng dép đánh liên tiếp vào đầu một nữ sinh khác mặc cho em này kêu khóc, xin tha. Tệ hại hơn, 2 nữ sinh còn dùng tay lột đồ, giật đứt áo của nạn nhân trước sự chứng kiến và ghi hình của một em khác.

Clip sau khi được đăng tải lên mạng xã hội đã khiến nhiều người vô cùng phẫn nộ, mong muốn các cơ quan chức năng sớm vào cuộc xác minh, làm rõ.

Theo thông tin ban đầu, sự việc xảy ra tại khu vực nhà vệ sinh của bể bơi thuộc Khu đô thị xã Đông Sơn (Đô Lương - Nghệ An). Nguyên nhân xuất phát từ mâu thuẫn giữa 2 nữ sinh đang theo học lớp 8 và lớp 9 tại một trường THCS trên địa bàn thị trấn Đô Lương, huyện Đô Lương. Trong đó, một em trú ở xã Hồng Sơn và một em trú tại xã Đông Sơn, huyện Đô Lương. Do mâu thuẫn tại bể bơi nên học sinh ở xã Hồng Sơn đã gọi thêm bạn tham gia đánh học sinh ở xã Đông Sơn.

Theo lãnh đạo UBND xã Đông Sơn, hiện nữ học sinh bị đánh đang phải nhập viện để điều trị. Cơ quan công an cũng đang vào cuộc để xác minh, làm rõ.

Sự việc đáng buồn trên chỉ là một trong những vụ bạo lực học đường thời gian gần đây. Theo chuyên gia tâm lý Hà Thái Hương - Đại học Sư phạm Hà Nội 2 thì nhìn từ tần suất xuất hiện bạo lực học đường có thể thấy ở một góc nào đó văn hoá ứng xử của học sinh đang có những chiều hướng đáng báo động.

Nguyên nhân có thể do việc giáo dục văn hoá ứng xử trong nhà trường chưa thực sự phát huy hiệu quả và chưa đạt được kỳ vọng cũng như chưa đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển tâm lý, lứa tuổi học sinh.

Chuyên gia mách cách để học sinh không thành nạn nhân của bạo lực học đường
Học sinh Nghệ An cũng tham gia nhiều hoạt động về phòng chống bạo lực học đường.

“Một trong những giải pháp hi vọng có thể giảm thiểu tối đa nạn bạo lực học đường chính là phụ huynh cũng như nhà trường phải phối hợp để hướng dẫn cho các em những kỹ năng để ứng phó khi bị bạo lực học đường, đưa ra một số tình huống thực tiễn để các em tìm cách ứng xử, giải quyết phù hợp.

Ngoài ra, ở góc độ nhà trường có thể cung cấp thêm những quy định của pháp luật về xử phạt đối với các hành vi bạo lực cũng như chính sách của Nhà nước trong việc bảo vệ trẻ em và xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, không bạo lực để học sinh nắm được vì đa số hiện nay học sinh không hiểu về luật nên “làm càn”.

Chính vì thế, phải cho các em biết hậu quả của những việc mình sẽ gây ra để các em có thể kiềm chế và tìm cách tháo gỡ phù hợp với tình huống”, chuyên gia Hà Thái Hương nói.

Ngoài ra, cũng cần hướng dẫn học sinh kỹ năng ứng phó với hệ lụy do bạo lực học đường. Người lớn phải gần gũi, quan tâm, chia sẻ động viên trẻ biết vượt qua, bản lĩnh hơn để sống và học tập tích cực. Kỹ năng này giúp học sinh cân bằng tâm lý, tránh được trạng thái nổi loạn, ẩu đả gây bạo lực.

Học sinh cũng cần được hướng dẫn kỹ năng kiềm chế cảm xúc tiêu cực, bởi lẽ học sinh ở lứa tuổi THCS, THPT thường cảm xúc của chúng chưa ổn định, dễ bị xáo trộn, dễ bị kích động dẫn đến “làm càn” hay học sinh nếu bị rơi vào thế bị bạo lực (bị ức hiếp, tẩy chay, bị đánh đập) sẽ bế tắc, không kiểm soát được mình, dẫn tới hậu quả xấu.

Do đó, cần dạy cho trẻ các kỹ năng kiểm soát cảm xúc bằng cách biết như hít thở sâu, tìm mọi cách để “hạ hỏa”. Trong đó, người lớn nên khuyến khích trẻ tự nghĩ ra cách xử lý tình huống, nếu chưa hợp lý thì người lớn điều chỉnh, uốn nắn phù hợp và điều này có thể triển khai bằng các buổi diễn tập bằng lời nói và hành động, đóng vai theo chủ đề các cảnh bạo lực, hướng dẫn thực hành...

Cuối cùng là hướng dẫn trẻ kỹ năng xử lý bất thường khi xảy ra bạo lực học đường. Tức là khi trẻ cảm thấy mình có thể gặp nguy hiểm thì biết cầu cứu những người xung quanh để không trở thành nạn nhân của bạo lực học đường và không bao giờ để mình rơi vào nguy hiểm trong những vụ tranh luận, cãi cọ hay ẩu đả.

Trẻ cũng cần hiểu rằng nếu cần thiết hãy nhẫn nhịn để tránh bạo lực. Trẻ có thể cầu cứu bất kỳ ai là người lớn hơn có khả năng cứu giúp mình và trình bày ngắn gọn, rõ ràng vấn đề mình đang gặp phải.

Hoàng Thanh