Ukraine yêu cầu HĐBA họp khẩn, Indonesia đề xuất giải pháp đưa Moscow-Kiev trở lại chuỗi cung ứng lương thực
Đối ngoại - Ngày đăng : 16:06, 28/06/2022
Indonesia đề xuất đưa lúa mì Ukraine và phân bón Nga trở lại chuỗi cung ứng toàn cầu. (Nguồn: Adnameria) |
Phiên họp dự kiến diễn ra vào lúc 15h00 ngày 28/6 (tức 2h00 ngày 29/6 theo giờ Hà Nội).
Bức thư của ông Kyslytsya gửi Chủ tịch HĐBA nêu rõ: “Tôi trân trọng yêu cầu triệu tập phiên họp khẩn của HĐBA về duy trì hòa bình và an ninh ở Ukraine”.
Ông Kyslytsya cáo buộc Nga tăng cường số vụ tấn công tên lửa vào các mục tiêu cơ sở hạ tầng dân sự trên lãnh thổ Ukraine trong 3 ngày từ 25-27/6.
Trong khi đó, ngày 27/6, phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh nhóm Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) ở Đức, Tổng thống Indonesia Joko Widodo (Jokowi) kêu gọi đưa lúa mì của Ukraine, cũng như thực phẩm và phân bón của Nga trở lại chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tổng thống Jokowi đề xuất hai giải pháp để đạt được mục tiêu nói trên. Một là, tạo điều kiện cho việc nối lại ngay lập tức xuất khẩu lúa mì của Ukraine. Hai là, chủ động tuyên truyền đến công chúng toàn cầu rằng các sản phẩm thực phẩm và phân bón của Nga không chịu các lệnh trừng phạt.
Phát biểu tại phiên họp thứ hai trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh G7 với chủ đề an ninh lương thực và bình đẳng giới, Tổng thống Indonesia nhấn mạnh, nội dung trên cần được tuyên truyền sâu rộng nhằm mục đích “ngăn chặn những nghi ngờ kéo dài” trong công chúng quốc tế.
Theo lãnh đạo Indonesia, các hoạt động tuyên truyền chuyên sâu này cũng cần được tăng cường tới các bên liên quan như ngân hàng, bảo hiểm, và vận tải.
Lời kêu gọi của ông Jokowi được đưa ra trong bối cảnh Nga đang phải hứng chịu hàng loạt biện pháp trừng phạt kinh tế của phương Tây liên quan cuộc chiến tại Ukraine. Trong khi đó, xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine cũng là một trong những mặt hàng bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi cuộc chiến này.
Tổng thống Jokowi cũng kêu gọi các nước G7 và nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) cùng nhau vượt qua cuộc khủng hoảng lương thực vốn đe dọa đẩy người dân các nước đang phát triển rơi vào cảnh đói nghèo cùng cực.
Trích dẫn số liệu của Chương trình Lương thực thế giới (WFP), nhà lãnh đạo này cho biết, 323 triệu người có thể đối mặt với nạn đói trong năm nay.
Theo ông Jokowi, G7 và G20 có trách nhiệm lớn trong việc vượt qua cuộc khủng hoảng lương thực này, đồng thời hối thúc các nước thành viên thuộc hai nhóm kinh tế lớn hoàn thành trách nhiệm của mình “ngay bây giờ và kể từ bây giờ”.
Tổng thống Indonesia cũng lưu ý đến tác động của cuộc chiến Nga-Ukraine tới chuỗi cung ứng thực phẩm và phân bón toàn cầu. Theo đó, nếu không đảm bảo được nguồn cung phân bón, một cuộc khủng hoảng gạo có thể tác động đến 2 tỷ người, đặc biệt là ở các nước đang phát triển.