Điện Biên: Đồng bộ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất
Kinh doanh - Ngày đăng : 12:17, 28/06/2022
Những năm qua, việc xây dựng, triển khai và tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đã được UBND Thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên đẩy mạnh. Từ đó góp phần quan trọng trong việc quản lý, sử dụng đất đai một cách hiệu quả, đúng pháp luật. Về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, UBND thành phố thực hiện lập điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo quy định tại các Điều 35, 36, 37, 40, 42 đến 51 Luật Đất đai 2013. Chi tiết thực hiện theo quy định tại Thông tư số 29/2014/TT-BTNMT ngày 02/6/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Ông Lê Tiến Dũng, Chủ tịch UBND Thành phố Điện Biên Phủ cho biết: Thời gian qua, UBND thành phố chủ động triển khai, hướng dẫn chỉ đạo các xã, phường tăng cường công tác quản lý về đất đai. Giám sát, kiểm tra các tổ chức, cá nhân trong việc sử dụng đất, xử lý các vi phạm pháp luật về đất đai, tổ chức nhiều hội nghị đối thoại với nhân dân để kết hợp tuyên truyền pháp luật về đất đai. Do đó các tổ chức, nhân dân trên địa bàn tỉnh cơ bản đã nhận thức được nội dung của pháp luật đất đai, góp phần cùng thành phố quản lý, sử dụng đất đai, thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất theo quy định.
Cùng với đó, thực hiện đầy đủ các bước lập điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất: Điều tra thu thập thông tin, tài liệu từ cấp cơ sở và các ban ngành liên quan, phân tích, đánh giá điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội và môi trường tác động đến việc sử dụng đất; Phân tích, đánh giá tình hình quản lý, sử dụng đất đai, kết quả thực hiện và tiềm năng đất đai; Xây dựng phương án điều chỉnh quy hoạch; Xây dựng báo cáo tổng hợp và thuyết minh tổng hợp các tài liệu có liên quan. Hội thảo, lấy ý kiến góp ý của nhân dân và các đơn vị liên quan, UBND các phường (xã) về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Theo đó, công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã chỉ ra vị trí, quy mô, mục đích sử dụng đất, phục vụ cho mục tiêu quốc phòng, an ninh của tỉnh và mục tiêu phát triển của các ngành, các lĩnh vực trên địa bàn thành phố, phát huy tốt nguồn lực đất đai, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, đảm bảo Nhà nước quản lý và sử dụng đất tiết kiệm khai thác hợp lý, có hiệu quả và bền vững nguồn tài nguyên đất đai, bảo vệ môi trường, tạo nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đánh giá về những kết quả đã đạt được, bên cạnh đó vẫn còn những tồn tại vướng mắc trong quá trình thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Việc triển khai thực hiện một số công trình, dự án theo Kế hoạch sử dụng đất hàng năm chậm so với kế hoạch, nguyên nhân do nguồn ngân sách thiếu, chậm phân bổ trong khi nguồn thu của tỉnh không đảm bảo nên các công trình dự án trong kỳ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất bị cắt giảm, hoặc chậm triển khai và triển khai kéo dài nhiều năm, nhất là các dự án quy hoạch xây dựng phát triển hạ tầng, gây khó khăn trong việc hoàn chỉnh hồ sơ thủ tục về giao đất, thuê đất, ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống của người dân trong vùng quy hoạch các công trình, dự án.
Việc tuyên truyền phổ biến chính sách pháp luật về đất đai được làm thường xuyên tuy nhiên trình độ, nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật đất đai của một số người dân còn hạn chế, nhất là dân tộc thiểu số tại các vùng sâu, vùng xa. Việc triển khai thực hiện điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất của thành phố thực hiện chậm so với quy định; một số công trình, dự án theo Kế hoạch sử dụng đất hàng năm chậm so với kế hoạch. Chính sách về bồi thường hỗ trợ, tái định cư còn nhiều vướng mắc, cụ thể như về giá đất, giá tài sản vật kiến trúc để thực hiện bồi thường hỗ trợ, tái định cư.