Liên minh phòng không Trung Đông

Đối ngoại - Ngày đăng : 09:01, 28/06/2022

Mặc dù chưa chính thức thành lập, nhưng “Liên minh phòng không Trung Đông” mà Israel hé lộ mới đây đang thu hút nhiều sự chú ý. Bởi đây có thể là bước đi dẫn tới những thay đổi đáng kể cục diện và tương quan lực lượng ở Trung Đông sau nhiều biến cố.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Israel Benny Gantz mới đây tuyên bố Israel đang xây dựng một “Liên minh phòng không Trung Đông” dưới sự dẫn dắt của Mỹ trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến có chuyến công du Trung Đông vào tháng 7 tới.

Mặc dù không nêu cụ thể các nước đối tác trong liên minh, nhưng Bộ trưởng Benny Gantz cho biết chương trình hợp tác này đã được tiến hành dưới sự dẫn dắt của ông trong những năm qua. Chương trình nhằm tăng cường hợp tác giữa Israel và các nước khu vực Trung Đông.

Hãng tin Reuters dẫn lời ông Benny Gantz cho biết, chương trình này đã hoạt động và giúp ngăn chặn thành công các nỗ lực của Iran nhằm tấn công Israel và các nước khác. Nhưng chi tiết về các cuộc tấn công bị ngăn chặn cũng như cơ chế hoạt động của liên minh này không được Israel nêu cụ thể.

Một quan chức Israel giấu tên tiết lộ rằng, các nước đối tác trong liên minh đang đồng bộ hóa hệ thống phòng không thông qua liên lạc điện tử từ xa, thay vì sử dụng các phương tiện tương tự.

Iran phô diễn khả năng tên lửa đạn đạo tại một triển lãm ở Tehran (ảnh minh họa). Ảnh: AP

Trên thực tế, những thông tin về một liên minh phòng thủ chung như vậy đã sớm xuất hiện, mà gần đây nhất là một nhà ngoại giao phương Tây được Reuters dẫn lời tiết lộ rằng, Washington đang tìm cách thuyết phục các nước thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh tham gia hệ thống phòng không chung của Mỹ và Israel.

Nhóm các nước này theo lời nhà ngoại giao trên bao gồm Saudi Arabia, UAE, Bahrain, Qatar, Kuwait và Oman. Còn theo Breaking Defense, nhiều nhà quan sát cho rằng liên minh có thể sẽ bao gồm UAE, Saudi Arabia, Bahrain, Qatar, Ai Cập và có thể thêm Jordan. Trước các thông tin về việc này, các nước được đề cập chưa đưa ra phản ứng chính thức nào liên quan.

Những năm gần đây, nhất là sau khi Israel bình thường hóa quan hệ với một số nước Arab ở khu vực, quốc gia này đang gia tăng các nỗ lực thúc đẩy hợp tác quốc phòng, an ninh với các quốc gia Arab có liên kết với Mỹ và đều chung mối quan tâm liên quan tới Nhà nước Hồi giáo Iran.

Các cuộc tấn công thời gian qua mà Iran bị cáo buộc hậu thuẫn, nhằm vào cơ sở hạ tầng kinh tế ở Saudi Arabia, tàu chở dầu của Israel ở biển Arab hay căn cứ quân sự nơi lực lượng Mỹ đóng quân... phần nào chứng tỏ nỗ lực quốc tế nhằm trừng phạt Iran đều không có tác động gì đến nước này.

Theo Breaking Defense, đó cũng chính là lý do tại sao các đối tác của Mỹ ở khu vực thúc đẩy mục tiêu phát triển một hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không hỗn hợp (IAMD). Và theo giới phân tích, mặc dù ý tưởng về IAMD còn xa mới thành hiện thực, nhưng đây có thể là một tiền đề quan trọng cho một liên minh phòng không ở khu vực trong tương lai.

Israel công khai về việc thành lập liên minh xuất hiện trong bối cảnh thỏa thuận hạt nhân Iran với Nhóm P5+1 có nguy cơ không thể cứu vãn, làm gia tăng quan ngại của các quốc gia trong khu vực trước các mối đe dọa liên quan tới Nhà nước Hồi giáo Iran.

Việc Iran bị cáo buộc đứng đằng sau các nhóm vũ trang Hồi giáo gây ra các cuộc tấn công ở khu vực và số các vụ việc như vậy leo thang đáng kể từ năm 2019 càng thôi thúc Israel hiện thực hóa các mục tiêu của mình nhằm ngăn chặn các nguy cơ an ninh từ quốc gia láng giềng không đội trời chung là Iran. Và việc lôi kéo thêm các đối tác ở khu vực cùng chung mối lo là một bước đi không khó đoán định.

Động lực khác, đó là Mỹ-đồng minh hàng đầu và là điểm tựa an ninh quan trọng của Israel-đã giảm dần sự hiện diện ở Trung Đông, buộc Nhà nước Do Thái phải tìm kiếm các thỏa thuận an ninh mới cùng các đồng minh mới, nhằm bảo đảm sự sinh tồn và lợi ích quốc gia ở khu vực mà nước này bị rơi vào tình thế bị cô lập trong một thời gian dài.

Trong bối cảnh đó, chuyến công du của Tổng thống Joe Biden được dự báo là có thể tạo ra những cú hích. Có nhiều tin tức trong tuần qua dự báo khả năng về những bước đi quan trọng ở khu vực trong chuyến thăm Trung Đông của nhà lãnh đạo Mỹ từ ngày 13 đến 16-7 tới đây.

Việc Bộ trưởng Quốc phòng Israel bày tỏ hy vọng sẽ bước thêm một bước về vấn đề hợp tác khu vực trong chuyến thăm quan trọng của Tổng thống Joe Biden là dấu hiệu cho thấy đang có các chuyển động quyết liệt cho mục tiêu thành lập một liên minh phòng không ở khu vực.

Có điều không rõ thỏa thuận liên minh hiện đang ở giai đoạn nào và vai trò của Mỹ đến đâu. Chỉ biết rằng, khi có tin đồn về một liên minh như vậy ở khu vực vào đầu tháng này, một người phát ngôn của Nhà Trắng phát biểu với Breaking Defense rằng Mỹ “ủng hộ mạnh mẽ việc Israel hội nhập vào khu vực Trung Đông rộng lớn hơn và đây sẽ là chủ đề thảo luận khi Tổng thống thăm Israel”.

Điều đáng chú ý là một số quốc gia ở khu vực cũng đã lên tiếng tỏ ý ủng hộ về khả năng liên kết quốc phòng, an ninh ở khu vực. Mới đây, mặc dù không nhắc tới một liên minh phòng không, nhưng vua Abdullah II của Jordan đã nói trên CNBC rằng ông ủng hộ việc thành lập một liên minh Trung Đông tương tự như NATO.

“Tôi sẽ là một trong những người đầu tiên tán thành “NATO Trung Đông”, ông nhấn mạnh, nhưng kèm theo lưu ý “tuyên bố sứ mệnh phải rất, rất rõ ràng, nếu không sẽ gây nhầm lẫn cho mọi người”. Trong phát biểu của mình, nhà vua Jordan ám chỉ khu vực ngày càng có ý thức rằng các quốc gia đang đối mặt với những mối đe dọa chung nên cần phải hợp tác cùng nhau.

HẠNH NGUYÊN