Giá cả leo thang, công nhân nghèo ngậm ngùi không dám mua sữa cho con
Chuyển động Thị trường - Ngày đăng : 07:38, 28/06/2022
Đã nhiều tháng nay, sau giờ làm mỗi ngày, chị Đàm Thanh Ngọc (36 tuổi, ở Hạ Hòa, Phú Thọ), công nhân tại khu công nghiệp Bắc Thăng Long lại phải đắn đo tính toán chi tiêu cho bữa ăn tối thế nào cho hợp lý, tiết kiệm.
“Bó rau cải xanh trước chỉ có 6.000 đồng thì nay 16.000 đồng, các loại rau khác cũng đắt hơn. Chưa kể giá nhiều nguyên liệu như dầu ăn, bột mỳ, sữa...leo thang chóng mặt. Thực phẩm thì cũng lấy lý do giá xăng tăng để tăng theo. Giá cả leo thang thế này thì ăn gì, mua gì cho rẻ là cả vấn đề phải tính toán”, chị Ngọc than.
Cầm chục trứng gà trên tay, chị nói thêm: “Trước chỉ có 25.000 - 35.000 đồng/chục, đắt lắm là 35.000 đồng mà bây giờ đã là 40.000 đồng. Cứ mỗi thứ lên giá một ít nên bữa ăn ngày càng đắt đỏ. Mà đã thành quy luật rồi, tăng thì rất nhanh, còn giảm thì rất chậm”.
Lên Hà Nội mưu sinh gần chục năm nay, hai vợ chồng chị đi làm quần quật từ sáng đến tối thế nhưng thu nhập của cả hai cũng chỉ khoảng 20 triệu đồng mỗi tháng. Chị Ngọc cho biết, với tình hình giá cả leo thang như hiện tại, chị chẳng dám mơ đến cuộc sống đầy đủ chứ đừng nói đến chuyện mua được nhà Hà Nội.
“Từ đầu năm đến nay, giá xăng tăng liên tiếp, kéo mọi hàng hóa đắt theo, trong khi lương thì chưa tăng một đồng nào. Bây giờ mua rau cũng tốn chứ đừng nói có thêm miếng thịt hay hộp sữa cho con. Đã 4 tháng nay tôi hạn chế khẩu phần sữa của con, để dành chi tiêu cho những nhu cầu thiết thực hơn”, chị Ngọc nói.
Khoảng 17h, xóm trọ ở phường Xuân La (Tây Hồ, Hà Nội) vẫn vắng vẻ vì đa số người lao động, công nhân vẫn chưa đi làm về. Chị Nguyễn Phương Hậu (28 tuổi, quê Yên Bái) mới sinh con đầu lòng nên vẫn quanh quẩn ở nhà.
Chị cùng chồng và con nhỏ tá túc trong căn phòng rộng chưa đến 15m2, lủng củng nồi xoong, xe nôi, chăn màn…
“Khổ lắm, nhất là những ngày hè nóng nực thế này càng khổ. Cũng muốn thuê chỗ tốt hơn để ở nhưng lấy đâu ra tiền”, chị Hậu tâm sự.
Dù hai vợ chồng đã đi làm được 6 năm nhưng chi tiêu dè xẻn cũng không dành dụm được là bao. Đặc biệt là giữa lúc giá cả leo thang, chị thì nghỉ chăm con nhỏ, mọi chi tiêu trong gia đình đều trông vào thu nhập chưa đầy 10 triệu đồng của chồng.
“Mấy tháng nay, cái gì cũng tăng giá, trở nên đắt đỏ. Hai vợ chồng không dám ăn uống gì sang mồm, chỉ để dành tiền mua sữa nuôi con”, chị kể.
Hai vợ chồng thường phải gọi điện về quê nhờ ông bà nội, ngoại viện trợ thêm chục trứng, con gà hay yến gạo, lúc đó bữa cơm của vợ chồng mới tươm tất hơn. Chị Hậu nói: "Cứ tình hình này, chắc em phải gửi con về quê để đi làm lại thì mới có thể trụ ở đây được”.
Tương tự, chị Trang, công nhân tại khu công nghiệp Sài Đồng B (Long Biên) cũng đã phải cắt giảm khẩu phần sữa của đứa con 6 tuổi từ 2 tháng trước.
Gia đình chị Trang gồm hai vợ chồng và một con nhỏ. Chồng chị Trang làm đầu bếp tại một nhà hàng thuộc quận Hoàng Mai, Hà Nội. Chị Trang đi làm công nhân ở khu công nghiệp, thu nhập không ổn định sau đợt nghỉ kéo dài vì đại dịch. Đứa con nhỏ được anh chị gửi về quê với ông bà, đi học luôn ở quê cho tiện.
Hàng tháng, tiền thuê nhà cùng chi phí sinh hoạt, ăn uống của cả hai vợ chồng cũng tốn khoảng 10 -15 triệu đồng. Chị dành ra khoảng 3 triệu đồng để gửi về quê cho ông bà, lấy làm khoản chi phí nuôi con nhỏ. Ngoài ra, tháng nào chị cũng mua hai thùng sữa gửi về cho con.
Tuy nhiên, từ mấy tháng nay, giá sữa bị đội lên mấy chục phần trăm nên chị đành ngậm ngùi cắt giảm khẩu phần này. Trước đó, chồng chị Trang cũng đã tìm cách tăng thu nhập với việc chuyển 3 chỗ làm mới. Nhưng cửa hàng nào cũng chỉ trả được mức lương cao nhất là 10 triệu đồng cho vai trò bếp trưởng.
“Tiền ăn của hai vợ chồng cũng bị đội lên 1-2 triệu đồng mỗi tháng. Ngoài việc thắt chặt chi tiêu gia đình, 4 tháng nay tôi buộc lòng phải cắt giảm khoản sữa của con”, chi Trang cho biết.
Vì bão giá, chị Thúy Hồng (Đống Đa, Hà Nội) một năm nay đã bỏ thói quen mua sắm ở Hà Nội, thay vào đó chị hầu như đặt mua mọi thứ ở quê để gửi lên Hà Nội cho tiết kiệm.
Tuy nhiên, vài tháng trở lại đây thực phẩm thứ gì cũng lên giá khiến chị cảm thấy lo lắng: “Gà ri lai (cả lông) mấy tháng trước giá khoảng 80.000 đồng/kg thì bây giờ 120.000 - 130.000 đồng/kg. Ngan (cả lông) cũng từ 60.000 - 65.0000 đồng/kg lên 80.000 đồng/kg. Thịt lợn ba chỉ quê cũng từ 80.000 - 90.000 đồng/kg tăng lên 100.000 - 110.000 đồng/kg”.
Theo chị Hồng, điều này đồng nghĩa với việc “bão giá” đã vượt qua thành thị tràn về từng vùng quê rồi. Cuộc sống sẽ khó khăn hơn khi lương thì không tăng thêm một đồng nào.