TPHCM đề nghị Bộ Y tế xem xét thành lập quỹ mua sắm phòng dịch

Tin Y tế - Ngày đăng : 19:40, 27/06/2022

TPHCM - Chỉ trong vòng 2 tháng gần đây, số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) tăng gấp 4 lần so với tháng 1.2022. Hiện phía Nam ghi nhận 42 người đã tử vong vì SXH và nhiều bệnh viện tại TPHCM đang vừa chống dịch, vừa là hậu phương lo cho các tỉnh phía Nam.

Chống dịch SXH không chỉ là việc của ngành y tế 

Theo Sở Y tế TPHCM, chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm, toàn phía Nam có 56.000 ca với 42 ca tử vong vì SXH, nổi bật nhất là TPHCM với 18.000 ca mắc.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn làm việc với Sở Y tế TPHCM về tình hình sốt xuất huyết. Ảnh: Nguyễn Ly
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn làm việc với Sở Y tế TPHCM về tình hình sốt xuất huyết. Ảnh: Nguyễn Ly

Trước tình hình trên, PGS.TS Tăng Chí Thượng – Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, những ngày qua lãnh đạo ngành y tế thành phố liên tục bàn bạc để nhận định tình hình dịch SXH đang diễn ra. Hiện nay, khi nhắc đến bệnh SXH ai cũng nghĩ trách nhiệm thuộc về ngành y tế. Tuy nhiên, đối với bệnh mang tính chất cộng đồng này thì cần có trách nhiệm của các ban ngành, đặc biệt là địa phương cần phối hợp với ngành y tế để thực hiện tuyên truyền, phòng chống dịch SXH mới hy vọng đạt được hiệu quả phòng dịch.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hữu Hưng – Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và công tác tiêm chủng sau dịch nhiều, lực lượng y tế nghỉ việc dẫn đến công việc của các Trạm y tế quá tải. Công tác tuyên truyền phòng chống SXH được UBND TPHCM và Sở Y tế liên tục thực hiện, giám sát trực tiếp dưới y tế cơ sở. Hàng tuần, địa phương sẽ có các buổi kiểm tra liên tục để xem người dân và cán bộ chống dịch tốt không, để kịp thời nhắc nhở thậm chí là xử phạt hành chính theo nghị định đã ban hành trước đó.

Đồng thời, cũng theo Sở Y tế TP, ngành y tế vừa đề xuất thay đổi tên “Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 và phục hồi kinh tế chuyển thành Ban chỉ đạo phòng chống dịch và phục hồi kinh tế”, việc này sẽ giúp công tác phòng chống các loại dịch lưu hành được thống nhất, hiệu quả.

Cần xem xét thành lập quỹ mua sắm dự phòng để chống dịch 

Trước tình hình dịch SXH căng thẳng, các bệnh viện đang gồng mình để cứu người bệnh nhưng một số loại thuốc điều trị bệnh SXH lại không được thanh toán.

Người dân được lấy máu xét nghiệm sốt xuất huyết. Ảnh: Nguyễn Ly
Người dân được lấy máu xét nghiệm sốt xuất huyết. Ảnh: Nguyễn Ly

Theo ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu – Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, dung dịch hydroxyethyl starch (HES) được sử dụng trong điều trị SXH không nằm trong danh mục bảo hiểm y tế thanh toán vì có điện giải. Chính vì vậy, nhiều bệnh viện không thể thanh toán BHYT cho người bệnh. Đề nghị Bộ Y tế có những sửa đổi, hướng dẫn về việc này.

Cũng liên quan đến vấn đề kinh phí, ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu kiến nghị với Bộ Y tế cần có một nguồn kinh phí cho những bệnh viện tuyến cuối được Bộ Y tế giao trách nhiệm tập huấn, hỗ trợ các bệnh viện tại phía Nam về SXH như: Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng 2, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới. Bởi chi phí đi lại tập huấn, các bệnh viện đều phải tự bỏ ra nhưng không thể quyết toán.

Một trong những vấn đề nóng cũng đang được các bệnh viện quan tâm hiện nay là dịch cao phân tử Dextran. Đây là dung dịch chính yếu điều trị bệnh SXH, nhưng nguồn nhập cao phân tử Dextran gặp nhiều khó khăn và Việt Nam cũng chưa có hướng sản xuất dịch cao phân tử này.

Nguyên nhân khan hiếm hàng là trên thế giới hiện nay không sử dụng trong hồi sức và Hiệp hội Hồi sức Quốc tế chống chỉ định sử dụng dịch cao phân tử Dextran vì khiến cho tình trạng rối loạn đông máu cao.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, dịch cao phân tử Dextran lại có vai trò quan trọng là thoát huyết tương trong điều trị chống sốc sốt xuất huyết. Hiện chỉ có những nước Châu Á khí hậu nhiệt đới gió mùa ẩm mới sản xuất dịch cao phân tử Dextran để điều trị SXH.

Đứng trước những thực tế trên Sở Y tế TPHCM kiến nghị Bộ Y tế cần thiết thành lập một quỹ dự phòng để mua sắm các loại dịch quý hiếm, ví dụ là dịch cao phân tử Dextran.

Bà Trần Mai Phương – Phó Giám đốc Sở Tài chính TPHCM cho biết, sau đại dịch COVID-19 nguồn kinh phí chống dịch vẫn đang được cân đối. Việc thành lập nguồn kinh phí dự phòng sẵn là điều cần thiết. Tuy nhiên cần có ý kiến đề xuất của Bộ Y tế và UBND TPHCM, từ đó Sở Tài chính TP sẽ chủ động phối hợp với Sở Y tế TP bố trí nguồn kinh phí này. Đối với những loại danh mục y tế đặc biệt, ví dụ như dịch cao phân tử Dextran hiện nay chỉ có một đơn vị độc quyền nhập về bán thì cần có một quy chế chỉ định thầu đặc biệt, đưa ra hướng dẫn và thủ tục mua sắm đúng quy định, hợp lý.

NGUYỄN LY