Ký cam kết nếu không tiêm vaccine COVID-19 mũi 3, 4: Cần quy định cụ thể
Tin Y tế - Ngày đăng : 15:47, 27/06/2022
Người dân ngại tiêm vaccine COVID-19 mũi 4
Hiện nay, TPHCM triển khai đợt cao điểm tiêm vaccine phòng COVID-19. Tuy nhiên, theo ghi nhận, công tác tiêm mũi 3, 4 ở thành phố đang chậm. Tình hình dịch bệnh đã lắng xuống, người dân cơ bản đã tiêm đủ 2 - 3 mũi và nhiều người đã mắc bệnh nên có tâm lý không còn hào hứng với việc tiêm mũi 4.
Đã tiêm 3 mũi vaccine phòng COVID-19 và có 1 lần mắc COVID-19, chị Lê Thị Anh (TP.Thủ Đức, TPHCM) chưa muốn tiêm vaccine mũi 4.
"Do còn trẻ và không có các bệnh lý nền, các triệu chứng lúc mắc COVID-19 giống như cảm thông thường, chỉ khác là rát cổ và mất vị giác nhiều hơn. Trong tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, tạm thời tôi chưa muốn tiêm vaccine mũi 4" – chị Lê Thị Anh chia sẻ.
Trong thời gian qua, TPHCM cũng đã triển khai tiêm chủng an toàn. Ngành y tế thành phố cũng kêu gọi mỗi người dân, gia đình cùng hưởng ứng việc tiêm nhắc lại. Trong tháng cao điểm tiêm vaccine phòng COVID-19, TPHCM đã triển khai đồng loạt các điểm tiêm hằng ngày trên địa bàn thành phố để phục vụ tiêm chủng cho người dân.
Cần có quy định cụ thể về việc ký cam kết nếu không tiêm vaccine mũi 3, 4
Mới đây, UBND Thành phố yêu cầu các địa phương tăng cường công tác truyền thông về tiêm vaccine và phòng chống dịch, người dân không đồng ý tiêm phải ký giấy cam kết và chịu trách nhiệm nếu để lây lan dịch bệnh, đồng thời báo cáo số lượng người dân không đồng ý tiêm ngay sau khi đợt cao điểm kết thúc.
Về việc ký giấy cam kết, nhiều người dân cho rằng nên có hướng dẫn cụ thể.
"Việc tiêm vaccine mũi 4 sẽ cần thiết đối với những người cao tuổi hoặc người có bệnh nền vì dịch COVID-19 vẫn lưu hành. Về lâu dài, sự miễn dịch ở những đối tượng này có thể suy giảm.
Tôi đồng ý với việc ký cam kết nếu không tiêm vaccine COVID-19 mũi 3, 4. Tuy nhiên, cần có hướng dẫn cụ thể về đối tượng, cách tiến hành và xử lý để người dân nắm bắt" – chị Thu Hiền (TP.Thủ Đức, TPHCM) cho hay.
Cùng quan điểm với chị Hiền, chị Nguyễn Huyền (quận Bình Thạnh, TPHCM) cho rằng ngành y tế phải đưa ra quy định cụ thể và tính pháp lý của việc ký cam kết chịu trách nhiệm nếu để dịch lây lan.
“Dân số ở thành phố rất đông. Vì vậy, nếu phải ký cam kết nếu không tiêm vaccine mũi 3, 4 có bản cam kết chịu trách nhiệm thì viết như thế nào, tính pháp lý ra sao? Những vấn đề này chưa rõ ràng, nếu triển khai sẽ gây khó khăn cho người dân” – chị Huyền cho biết.
Hiện, các địa phương ở thành phố đang tích cực lập danh sách người dân có chỉ định tiêm vaccine COVID-19 mà không đồng ý để tổng hợp báo cáo UBND Thành phố. Theo ghi nhận, một số địa phương cũng chưa nhận được quy định cụ thể về cách thức thực hiện bản cam kết nếu không tiêm vaccine COVID-19 mũi 3, 4.
Để hoàn tất việc tiêm chủng cho người dân, UBND Thành phố đã yêu cầu UBND các quận huyện và TP.Thủ Đức chỉ đạo trung tâm y tế trên địa bàn khẩn trương tiếp nhận hết vaccine đã được phân bổ, đảm bảo trên 90% dân số trên địa bàn được tiêm mũi 3 và các đối tượng phù hợp tiêm mũi 4 được tiêm đầy đủ theo đúng quy định.
Theo bà Lê Hồng Nga - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC), việc tiêm chủng mũi nhắc lại là rất cần thiết và có ý nghĩa đặc biệt trong bối cảnh hiện nay đất nước đang bước vào giai đoạn bình thường mới, dần dần từng bước khôi phục lại các sinh hoạt xã hội, sản xuất.
Do đó, việc này sẽ giúp tăng cường hoặc khôi phục khả năng bảo vệ bởi những liều tiêm cơ bản trước đây sau một thời gian sẽ dẫn đến kháng thể giảm dần.
Tiêm liều nhắc lại đúng lịch giúp tăng cường khả năng bảo vệ hơn, hạn chế tình trạng chuyển nặng với từng cá nhân. Khi từng cá nhân được bảo vệ thì cộng đồng được bảo vệ.