Cách Shantanu Narayen đưa Adobe từ 24 tỷ USD lên 299 tỷ USD
Cuộc sống số - Ngày đăng : 08:46, 27/06/2022
Ông Narayen là Chủ tịch kiêm CEO Adobe từ năm 2007. Ông bắt đầu sự nghiệp năm 1986 khi tham gia startup Measurex Automation Systems, chuyên sản xuất hệ thống kiểm soát máy tính cho các công ty xe hơi và điện tử. Ông làm tại đây 3 năm rồi chuyển sang Apple, nơi giữ các vị trí quản lý cấp cao từ năm 1989 tới 1995. Sau khi phục vụ gần 6 năm tại Apple, ông rời “táo khuyết” để đảm nhận chức Giám đốc sản phẩm desktop và cộng tác tại Silicon Graphics. Năm 1996, ông đồng sáng lập Pictra, startup tiên phong về chia sẻ ảnh kỹ thuật số qua Internet. Cuối cùng, định mệnh đưa ông đến với Adobe năm 1998 và dần nắm giữ các chức vụ quan trọng.
Adobe là công ty nổi tiếng với các phần mềm như Photoshop, Premiere Pro và Acrobat/PDF. Thời điểm ông nhậm chức CEO, Adobe lẽ ra chỉ cần bán các bản sao phần mềm như cũ mà tiền vẫn rủng rỉnh. Song, ông Narayen biết rằng họ có thể lớn lao hơn, vĩ đại hơn. Ông đã đúng.
Để phá vỡ những quy luật truyền thống, cần chấp nhận rủi ro để thay đổi tư duy của toàn bộ doanh nghiệp. Ông đã thách thức bộ máy quản trị vạch ra lộ trình chuyển đổi. Ông không chỉ tái tạo Adobe thành người dẫn dắt thị trường mà còn khuấy động toàn bộ ngành công nghiệp phần mềm.
Thay đổi ấy là gì? Đó chính là công ty ngừng bán các đĩa cài phần mềm, thay vào đó thu phí sử dụng bộ sản phẩm trên đám mây. Kết quả vô cùng ấn tượng khi không chỉ thay đổi cách mọi người sử dụng phần mềm, mà cả cách các doanh nghiệp phát triển chúng.
Chiến lược của ông Narayen lan tỏa ra cả ngành phần mềm nói chung. Gần như mọi hãng phần mềm, từ Autodesk tới Microsoft, đều đi theo con đường của Adobe. Ván bài mạo hiểm này thể hiện rõ niềm tin cốt lõi của CEO, “Giữ nguyên trạng không phải là chiến lược thắng lợi”. Niềm tin ấy dẫn đến nhiều quyết định tại Adobe, ông Narayen chia sẻ trên trang Investors.
“Chơi lớn” nhưng dựa trên kinh nghiệm
Chiến lược di cư “lên mây” của Adobe vô cùng táo bạo nhưng lại đem đến thắng lợi bất ngờ cho công ty lẫn nhà đầu tư. Từ khi ông Narayen trở thành CEO ngày 1/12/2007, cổ phiếu Adobe đã tăng giá hàng trăm lần, lên 630,33 USD và nâng vốn hóa lên 299,1 tỷ USD.
Nhà nghiên cứu Brent Thilll của Jefferies nhận định: “Tôi theo dõi ngành phần mềm 20 năm và quan sát tất cả người chơi. Nếu có cơ hội làm việc ở nơi nào, nó sẽ là Adobe. Vị thế, văn hóa và thị trường… tất cả đều mang tính hiện tượng”.
Theo mô hình cũ, khách hàng mua các sản phẩm của Adobe nhưng hiếm khi nâng cấp. Chi phí “lên đời” cao, không tương xứng với lợi ích của phiên bản mới là nguyên nhân của việc này. Hậu quả là sản phẩm của Adobe không còn hấp dẫn và nhen nhóm các nguy cơ mới.
Khi lựa chọn mô hình thuê bao, họ có thể nâng cấp nhanh hơn, theo dõi cách khách hàng sử dụng mỗi sản phẩm và đưa ra cải tiến trong thời gian ngắn hơn. Chu kỳ nâng cấp liên tục cũng giúp Adobe đưa vào nhiều công nghệ mới một cách nhanh chóng. Nó còn mở ra cánh cửa để khách hàng gắn bó lâu dài với Adobe.
Sự sáng suốt của ông Narayen không tự nhiên mà có. Ông góp nhặt kiến thức từ sự hiểu biết sâu sắc về ngành công nghiệp và bản thân doanh nghiệp. Từ các vị trí kinh qua như Phó Chủ tịch, Giám đốc kỹ thuật đến Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành tại Adobe hay phụ trách phát triển sản phẩm tại Apple, tất cả đều mang đến cho ông kinh nghiệm quý giá. Chúng giúp ông phát minh lại cả ngành phần mềm. “Nếu chỉ kết nối các điểm giữa những gì bạn thấy ngày nay và nơi bạn muốn đến, mục tiêu sẽ không đủ tham vọng và khát khao”, ông nói.
Luôn luôn hiếu kỳ
Quê hương Hyderabad, Ấn Độ giúp ông Narayen phát triển triết lý lãnh đạo, phong cách và sự nghiệp. “Tôi lớn lên trong gia đình xem trọng giáo dục. Khát khao kiến thức những năm đầu đời dẫn tôi đến với việc tạo lập một môi trường tại Adobe, nơi mọi người đưa ra câu hỏi phù hợp và thoải mái khám phá những điều chưa biết, nơi chúng tôi hình thành văn hóa thử nghiệm”.
Với mọi công việc, ông đều bỏ 100% công sức và tâm huyết, chỉ có như vậy, cơ hội tiến bộ mới có thể mở ra và luôn ở vị thế có lợi. “Chìa khóa thành công của tôi là đúng lúc, đúng chỗ”, ông khiêm tốn nói. Là người lãnh đạo lâu năm tại Adobe, ông hiểu rằng Adobe nổi tiếng với việc khai phá ra các thị trường mới. Chẳng hạn, Photoshop không chỉ là tên một phần mềm, mà còn biến thành một động từ gắn bó với việc chỉnh sửa ảnh.
Ông cho rằng, ai cũng có thể gây bất ngờ bằng sự thông minh của mình. Lãnh đạo phải là người đặt ra các mục tiêu truyền cảm hứng, sau đó tránh khỏi đường đi của mọi người và loại bỏ những rào cản. “Tôi luôn kinh ngạc trước những gì mọi người làm được”.
Lãnh đạo cũng chính là người phải đặt ra tầm nhìn có giá trị. Theo ông, nhân viên sẽ làm hết sức mình khi họ hiểu được công ty muốn đạt thành tựu gì và đồng điệu với sứ mệnh, giá trị của doanh nghiệp . Giá trị của Adobe là tính nguyên bản, phi thường, sáng tạo. Khi giá trị và sứ mệnh công ty khớp với giá trị và khát khao cá nhân của nhân viên, họ làm việc tốt hơn và công ty cũng tốt hơn.
Adobe luôn đầu tư vào các dự án giải quyết các nhiệm vụ khó và để thời gian chứng minh. “Chúng tôi thay đổi thế giới truyền thông bằng các sản phẩm như Photoshop. Chúng tôi làm điều tương tự với PDF và Acrobat, tạo ra tiêu chuẩn toàn cầu cho tài liệu số. Chúng tôi tin rằng đang lặp lại điều đó qua Adobe Experience Platform”.
Bước khỏi vùng an toàn
Một phần thành công của ông Narayen là nhìn thấy cơ hội lớn hơn. Ông biết rằng Adobe không chỉ có Photoshop hay PDF. Công ty có thể kích hoạt tiếp thị điện tử.
Rob Oliver, chuyên gia nghiên cứu cấp cao của Baird, nhận xét: “Khi ông ấy đảm nhận vai trò CEO năm 2007 và 5 năm tiếp theo, khi chuyển công ty sang lĩnh vực hoàn toàn mới – tiếp thị - và thay đổi hoàn toàn mô hình kinh doanh sang thuê bao, chúng là hai thay đổi lớn. Nó đi cùng với rủi ro khủng khiếp, đòi hỏi tầm nhìn và cả năng lực thực thi”.
Ông Shantanu là người tiên phong. Ông ấy đã đúng khi tiếp thị trở thành mảng kinh doanh khổng lồ. Sản phẩm “đinh” của bộ phận Digital Media là Creative Cloud – dịch vụ trả phí cho phép các thành viên sử dụng các sản phẩm sáng tạo của Adobe tích hợp với dịch vụ đám mây trên nhiều thiết bị.
Với ông Narayen, khi xét đến vấn đề lãnh đạo, khó khăn lớn nhất là làm thế nào để khai thác sứ mạnh của toàn bộ tổ chức nhằm thực thi sứ mệnh của Adobe: thay đổi thế giới trải nghiệm số.
Dù vậy, trên tất cả, ông thích tập hợp một đội có thể giải quyết các vấn đề mà người khác né tránh hay cảm thấy quá khó. Sau khi trình diễn vài sản phẩm Adobe cho các nhà phân tích vào tháng 10/2018, ông Narayen thổ lộ, sự sáng tạo trong công việc “luôn sưởi ấm trái tim tôi”. “Tôi tin rằng, cốt lõi của các công ty bền vững, tuyệt vời là bảo đảm bạn luôn phục vụ tốt khách hàng và xử lý những vấn đề hóc búa mà không ai đủ khả năng làm được”, CEO Adobe nhấn mạnh.
Du Lam