"Hạt ngọc trời" trên dãy Trường Sơn
Ẩm thực - Ngày đăng : 09:21, 26/06/2022
“Hạt ngọc của trời”
Theo các cụ cao niên ở xã Trọng Hóa kể, cây lúa nếp than đã được bà con người Khùa, Mày ở xã Trọng Hóa mang từ Lào về và đưa vào trồng từ thời xa xưa. Cây lúa này được bà con trồng trên rẫy, có hạt màu nâu đen. Khi tách vỏ có gạo đen cườm, nấu lên giữ nguyên màu nhưng hương vị và độ mềm dẻo thì không có loại gạo nào sánh bằng. Với đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Trọng Hóa, họ tâm niệm rằng, nếp than như “hạt ngọc của trời” nên rất trân quý, chỉ dùng nấu cơm, ngâm rượu trong các dịp lễ, tết hay đón tiếp khách quý.
Giống lúa nếp than rẫy gieo hạt từ tháng 4 đến cuối tháng 11 mới cho thu hoạch. Dù trồng ở núi cao quanh năm sương phủ, đến mùa nắng hạn, đất đai nứt nẻ nhưng cây lúa vẫn sinh sôi, phát triển, mang lại cuộc sống ấm no cho người dân. Để trồng lúa nếp than trên rẫy, người dân ở xã Trọng Hóa phải làm đất, gieo giống. Khi cây lúa mọc cao khoảng 20cm thì làm cỏ một lần rồi chờ đến thu hoạch.
Lúa nếp than xã Trọng Hóa chín, chắc mẩy.
Ông Hồ Hùng, ở bản Ông Tú nhớ lại: “Có những năm mưa thuận gió hòa, cây lúa nếp than phát triển rất tốt, cho năng suất khá cao. Nhiều vụ, bà con thu hoạch được 3-4 tạ lúa nếp than là chuyện bình thường”. Hạt lúa nếp than được bà con chế biến thành những món cơm nếp hoặc gói bánh trong những dịp lễ, tết. Hạt gạo đặc biệt này còn là phương thuốc của người Khùa, Mày ở xã Trọng Hóa dùng chữa bệnh đường ruột, trẻ nhỏ mới ốm dậy hay phụ nữ sau khi sinh, làm rượu cần ủ men lá tiếp đãi khách quý”.
Tuy rất có giá trị trong đời sống, tâm linh của người Khùa, Mày nhưng việc trồng lúa nếp than thường cho năng suất thấp, bấp bênh vì bị hạn hán, thú rừng phá, lũ lụt, sạt lở đất, lúa trổ bông lúc mưa lớn... Có những năm, bà con bị mất trắng nên cây lúa nếp than cũng bị mai một dần trong đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số trên dãy Trường Sơn.
Hướng đi mới cho lúa nếp than
Với quyết tâm đưa cây lúa nếp than hồi sinh trở lại trên mảnh đất biên cương, tạo hướng đi mới cho bà con, vụ hè-thu năm 2021, Đảng ủy, UBND xã Trọng Hóa đã bàn bạc và quyết định đưa giống lúa nếp than về trồng thí nghiệm trên diện tích gần 500m2 ruộng nước tại bản Dộ-Tà Vờng. Để trồng được nếp than, UBND xã Trọng Hóa đã cử những cán bộ trẻ, có kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực nông nghiệp đến xã Ngân Thủy (Lệ Thủy), địa phương trồng nhiều lúa nếp than ở ruộng nước, để học tập và mua giống về trồng.
Ông Phạm Văn Bắc, nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Trọng Hóa cho hay: “Qua tìm hiểu, chúng tôi thấy đất đai, khí hậu ở xã Ngân Thủy (Lệ Thủy) khá giống với xã Trọng Hóa (Minh Hóa). Những ngày học trồng lúa nếp than, chúng tôi được cán bộ, bà con xã Ngân Thủy giúp đỡ rất nhiệt tình. Sau khi học xong, xã còn tặng chúng tôi 10 cân lúa nếp than về làm giống”.
Niềm vui của người dân Trọng Hóa khi được mùa lúa nếp than.
Ông Hồ Khiên, Trưởng bản Dộ-Tà Vờng, người có kinh nghiệm trồng lúa nước được chọn làm mô hình điểm. “Lúc mới trồng lúa nếp than tôi cũng lo lắm! Nhưng qua một thời gian trồng, chăm sóc, dưới sự hướng dẫn của cán bộ xã, cây lúa nếp than đã phát triển tốt, bộ rễ khỏe nên cây cứng và đẻ nhánh nhiều hơn. Ngoài ra, tôi còn ủ phân xanh để bón cho lúa lúc gieo, đẻ nhánh nên cây lúa cho những bông nếp đầy, hạt chắc mẩy. Năng suất của lúa nếp than tuy không cao bằng các giống lúa khác nhưng giá bán cao gấp ba, gấp bốn lần lúa thường”, ông Hồ Khiên kể.
Vụ mùa đó, Hồ Khiên đã thu về gần 1,5 tạ thóc nếp than. Sau đó, ông sàng, phơi, giã lấy những hạt gạo đẹp nhất nấu lên mừng cơm mới, dâng lên trời đất, thần linh và mời dân bản đến chung vui. Trong lễ mừng cơm mới, ông còn làm cả bình rượu cần nếp than ủ với men lá rừng khiến bà con ai cũng ngợi khen. Thấy Hồ Khiên trồng thành công lúa nếp than, nhiều hộ dân trong xã cũng đến học tập, trồng theo.
Ông Hồ Xuân, ở bản La Trọng 1, xã Trọng Hóa đã “trúng” nếp than ngay trong vụ đầu tiên. Đó là vụ đông-xuân vừa rồi, ông vào Dộ-Tà Vờng học và được Hồ Khiên truyền “bí kíp” trồng lúa. Với 10kg giống, ông Xuân trồng trên thửa ruộng khoảng 400m2. Qua 4 tháng trồng, chăm sóc theo hướng hữu cơ (không bón phân hóa học, không thuốc trừ sâu mà chỉ ủ phân chuồng, ủ phân lá đem bón ruộng) đã mang lại cho ông khoảng 1,5 tạ thóc tươi.
Ông Xuân khoe: “Lúa nếp than cũng khá dễ trồng, phù hợp với đất đai, khí hậu nên phát triển tốt lắm. Cơm nếp than vừa dẻo thơm, vừa sạch sẽ. Tuy nhiên, vụ này tôi chưa bán, để dành cho bà con trong xã đến đổi về nhân giống cho vụ sau nữa”. Hiện gạo nếp than trên thị trường được bán với giá 50 nghìn đồng/kg, thóc bán với giá 35 nghìn đồng/kg.
Ông Hồ Phin, Chủ tịch UBND xã Trọng Hóa cho biết: “Trong thời gian tới, UBND xã sẽ chỉ đạo cho bà con mở rộng thêm diện tích trồng lúa nếp than lên khoảng 3ha. Trong tương lai, xã Trọng Hóa sẽ phát triển du lịch cộng đồng, trải nghiệm thì các sản phẩm từ lúa nếp than cùng với những món ăn mang tính truyền thống của người Khùa, Mày sẽ được khuyến khích phát triển để phục vụ khách du lịch, tạo ra hướng đi mới giúp cho bà con vươn lên thoát nghèo”…
Ông Cao Ngọc Điền, Trưởng phòng Dân tộc huyện Minh Hóa cho biết: “Hiện diện tích trồng lúa nước tại 4 xã biên giới của huyện khá lớn. Nếu mô hình ở xã Trọng Hóa phát huy hiệu quả, phòng sẽ tham mưu cho UBND huyện có chính sách để hỗ trợ cho bà con các xã biên giới mở rộng diện tích lúa nếp than, tạo thành hàng hóa phục cho thị trường”... |