Phương Tây đau đầu với bài toán viện trợ Ukraine để đối phó Nga
Đối ngoại - Ngày đăng : 06:43, 26/06/2022
Trên Asia Times, chuyên gia quân sự Stephen Bryen nhận định, Mỹ và NATO có khả năng viện trợ cho Ukraine trong một cuộc xung đột ngắn ngày, nhưng họ dường như khó có thể kéo dài nỗ lực giúp đỡ Ukraine nếu chiến sự kéo dài.
Theo ông Bryen, lý do nằm ở chỗ nhiều quốc gia phương Tây giờ đây đã cạn khí tài quân sự trong kho và khoảng thời gian để họ lấp đầy trở lại sẽ kéo dài rất lâu.
Mỹ đã từng có tiền lệ dồn toàn bộ mọi nguồn lực để tăng tốc sản xuất vũ khí hồi Thế chiến II. Từ năm 1940 đến năm 1945, Mỹ đã cung cấp gần 2/3 tổng số vật tư chiến tranh cho các đồng minh (bao gồm cả Liên Xô và Trung Quốc) và cho các lực lượng Mỹ.
Tuy nhiên, ông Bryen cho rằng, khả năng Mỹ sẽ lặp lại kịch bản trên là khó có thể xảy ra trong thời điểm hiện tại.
Quy trình mua sắm khí tài quân sự ở Mỹ và châu Âu trong nhiều năm qua diễn ra theo từng đợt. Kinh phí được rót để mua một số lượng thiết bị quốc phòng nhất định. Khi hợp đồng được hoàn thành và không có giao dịch mua tiếp theo ngay lập tức, dây chuyền sản xuất sẽ ngừng hoạt động và các nhà cung cấp linh kiện cấp hai và cấp ba cũng ngừng sản xuất.
Điều đó có nghĩa là nếu có đơn hàng kế tiếp, mạng lưới phân phối và dây chuyền sản xuất sẽ phải bắt đầu lại từ gần như con số 0.
Tham mưu trưởng quốc phòng Anh Tony Radkin thừa nhận rằng, năng lực lấp đầy kho vũ khí của nước này sau khi viện trợ cho Ukraine đã trở thành "vấn đề nghiêm trọng", vì tốc độ sản xuất không thể theo kịp tốc độ sử dụng. Ông cảnh báo rằng, với cả những vũ khí ít tinh vi nhất, Anh có thể cũng sẽ mất vài năm để có thể sản xuất bù vào lượng đã chuyển cho Ukraine trước đó.
Mỹ cũng đối diện bài toán tương tự. Các nhà thầu Raytheon và Lockheed đang gặp khó khăn trong việc bổ sung vào kho vũ khí cho quân đội Mỹ. Mỹ đã gửi hơn 1/3 kho dự trữ tên lửa Stinger và Javelin cho Ukraine. Nếu chiến sự tiếp tục kéo dài, kịch bản Mỹ sẽ đưa một nửa kho dự trữ tới Ukraine hoàn toàn có thể xảy ra.
Việc mua bổ sung cũng đòi hỏi chi phí rất cao vì lạm phát, khủng hoảng chuỗi cung ứng toàn cầu diễn ra trong thời gian qua. Tất cả các yếu tố bất lợi hội tụ lại khiến cho quá trình lấp đầy kho vũ khí của phương Tây trở nên thách thức hơn.
Ngoài các tên lửa Stinger và Javelin, Mỹ cũng chuyển cho Ukraine lựu pháo M777 155mm, 36.000 viên đạn pháo, các hệ thống phòng thủ bờ biển Harpoon, hàng nghìn thiết bị nhìn đêm, hàng trăm UAV cảm tử Switchblade…
Thế khó của phương Tây
Thách thức đầu tiên là Mỹ và NATO đơn giản là không còn vũ khí dự trữ để theo kịp nhịp viện trợ Ukraine khi cuộc chiến kéo dài thêm, ngay cả khi họ đã bắt đầu đặt hàng các nhà thầu quân sự sản xuất thêm khí tài.
Thế nhưng, đó mới chỉ là thách thức trong lòng Ukraine. Nếu căng thẳng vượt ra ngoài biên giới Ukraine, NATO sẽ phải đối mặt với kịch bản phải bảo vệ một khu vực rất rộng lớn với kho vũ khí dự trữ suy giảm đáng kể.
Ngoài ra, diễn biến căng thẳng lúc này không chỉ tập trung ở châu Âu, mà còn ở nhiều khu vực khác trên thế giới. Mỹ không thể dồn hết khí tài vào Ukraine trong một thời gian kéo dài, vì họ vẫn còn các đơn vị triển khai trên khắp thế giới và những nhiệm vụ ở các khu vực điểm nóng khác. Gánh nặng sẽ đè lên Mỹ nếu chiến sự kéo dài, đặc biệt khi nước này cũng đang đối mặt với tình trạng lạm phát kỷ lục.
Trong khi đó, Nga tới lúc này cũng bị hao hụt kho vũ khí quân sự, nhưng các dấu hiệu trong các tuần qua cho thấy họ vẫn đang sở hữu lượng rocket, pháo binh rất lớn, đủ để áp đảo dài hạn Ukraine.
Câu hỏi đặt ra là liệu Nga hay phương Tây sẽ có đủ nguồn lực để kéo dài chiến sự ở Ukraine? Và liệu phương Tây đã phải bắt đầu nghĩ về việc sẽ phải khép lại cuộc chiến ở Ukraine để tránh kéo dài thêm gánh nặng hay chưa?