Thị trường tiền mã hóa đối diện nỗi ám ảnh lịch sử
Tài chính ngân hàng - Ngày đăng : 09:34, 24/06/2022
Chỉ trong vài tuần, Sam Bankman-Fried, ông chủ sàn FTX và quỹ Alameda đã tung ra hai khoản vay khẩn cấp trị giá khoảng 735 triệu USD để cứu trợ các công ty tiền số trước bờ vực phá sản.
Financial Times cho rằng hành động của vị tỷ phú là nỗ lực để củng cố ngành công nghiệp tiền số. Cách làm của Sam Bankman-Fried thể hiện vai trò của FTX như "người cho vay cuối cùng" ở thị trường tiền mã hóa.
Phiên bản khác của khủng hoảng tài chính 2008
Một trong những nguyên tắc quan trọng nhất của tiền mã hóa là sự phi tập trung, hoạt động độc lập với các thể chế tài chính truyền thống như ngân hàng trung ương. Tuy nhiên, việc tung ra gói cứu trợ của FTX khiến sàn giao dịch này đóng vai trò không khác gì việc nhà chức trách giải cứu các ngân hàng trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008.
Việc Sam Bankman-Fried tung các khoản vay cứu trợ khiến FTX trông giống như "người cho vay cuối cùng" trên thị trường. Ảnh: Financial Times. |
“Sam (Sam Bankman-Fried) đã trở thành một ‘lender of last resort”, Anatoly Crachilov, Giám đốc Điều hành của quỹ Nickel Digital Asset Management nói với Financial Times. Thuật ngữ “lender of last resort” được dùng để chỉ phương án cho vay cuối cùng trong một hệ thống tài chính, khi tổ chức không thể tiếp cận với nguồn tiền khác.
Trên mạng xã hội, Tiến sĩ Hồ Quốc Tuấn giảng viên cao cấp Đại học Bristol (Anh) cho rằng việc một tổ chức như FTX ngày càng thể hiện tầm quan trọng trong thị trường tiền số sẽ giảm bớt tính phi tập trung của mô hình.
“Nếu đối chiếu sự kiện ‘Lehman’ với thị trường tiền số hiện tại, có thể thấy mùa đông sẽ còn kéo dài. FTX có bảng cân đối kế toán đủ để hỗ trợ các doanh nghiệp và họ có thể thu lợi về lâu dài khi hệ sinh thái tồn tại”, ông Anatoly Crachilov nói thêm.
Sự kiện Lehman được vị chuyên gia nhắc đến là vụ việc ngân hàng Lehman Brother phá sản hồi 2008, kích hoạt khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
Trên Twitter, Sam Bankman-Fried cho biết mình là người có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ những công ty tiền số đang gặp khó khăn. “Tôi nghĩ đó là điều tích cực cho hệ sinh thái và bản thân cần làm gì đó cho nó phát triển”, Sam viết.
Sàn giao dịch trở thành "người hùng"
Ngoài ra, Sam Bankman-Fried cũng không hề giấu giếm tham vọng trở thành một người quan trọng cho cả thị trường. Trả lời Bloomberg hồi cuối tháng 5, ông chủ FTX cho biết sẵn sàng chi hàng tỷ USD để thâu tóm nhiều công ty, phát triển đa dạng sản phẩm cho người dùng.
Những thương vụ lớn của FTX có thể kể đến như việc mua lại sàn giao dịch phái sinh LedgerX, sàn Liquid tại Nhật Bản hay studio trò chơi Good Luck Games.
FTX và Sam Bankman-Fried không giấu giếm ý định thâu tóm thêm nhiều công ty blockchain. Ảnh: Blockchainnews. |
Ngày 22/6, nền tảng cho vay tiền mã hóa BlockFi thông báo họ đã được FTX cho vay 250 triệu USD. Đây được xem là một khoản cứu trợ khẩn cấp khi nền tảng gặp vấn đề về thanh khoản, thiếu tài sản có sẵn để trả cho người gửi, đứng trước nguy cơ phá sản khi thị trường đi xuống.
“Việc được FTX cho vay 250 triệu USD giúp chúng tôi cân đối bảng kế toán và gia tăng sức mạnh nền tảng. Số tiền vay sẽ được cấp dưới dạng hợp đồng cho số dư khách hàng để sử dụng khi cần thiết”, Zac Prince, Giám đốc Điều hành BlockFi cho biết.
250 triệu USD cứu trợ cho BlockFi là khoản vay thứ 2 được Sam Bankman-Fried, Giám đốc Điều hành sàn giao dịch FTX tung ra chỉ trong vài tuần. Cách đây không lâu, Alameda Research đã giúp công ty môi giới giao dịch Voyager Digital thoát khỏi bờ vực sụp đổ với một khoản cứu trợ trị giá 485 triệu USD, gồm cả tiền mặt và Bitcoin.
Trước khi được cứu trợ, nền tảng BlockFi cho biết từng phải thanh lý tài sản thế chấp cho vay của một khách hàng lớn vì không đảm bảo được nghĩa vụ của mình. Tuyên bố của nền tảng không nêu đích danh “cá voi”, tuy nhiên, nhiều tin đồn cho biết đó là Three Arrows Capital, một trong những quỹ đầu tư mạo hiểm lớn nhất thị trường tiền số.
Ngoài ra, BlockFi cũng bị cuốn vào làn sóng cắt giảm nhân sự của các công ty tiền mã hóa gần đây. Cụ thể, chỉ trong vài ngày, họ phải giảm khoảng 20% số nhân viên, tương đương 170 việc làm khi thị trường đi xuống và công ty gặp khó khăn về tài chính.
Trước FTX, ông chủ Binance Changpeng Zhao (CZ) cũng dẫn đầu một vòng góp vốn, trị giá khoảng 150 triệu USD để cứu trợ khẩn cấp cho Axie Infinity sau vụ hack Ronin Network.
Dù hành động của Sam Bankman-Fried giống như một “anh hùng” trong giới tiền số. Tuy nhiên, cũng chính Alameda Research và FTX đóng vai trò quan trọng trong việc khiến Celsius, một đối thủ của BlockFi lâm nguy cách đây không lâu.
Thông tin về loại tiền số trong bài viết không phải là lời khuyên đầu tư từ Zing News. Hoạt động đầu tư tiền mã hóa chưa được pháp luật Việt Nam công nhận và bảo vệ. Các loại tiền số luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro tài chính.
(Theo Zing)