Lithuania dỡ tượng đài kỷ niệm thời Liên Xô, ngăn chở hàng tới Kaliningrad, Nga nghiêm khắc cảnh báo
Đối ngoại - Ngày đăng : 06:00, 24/06/2022
Theo trang web tin tức Lithuania 15min và các phương tiện truyền thông khác của nước này đưa tin, vào ngày 22/6, Hội đồng thành phố Klaipedos đã bỏ phiếu thông qua quyết định, cho rằng nhóm tác phẩm điêu khắc ở công viên nghĩa trang là "tuyên truyền tư tưởng của Liên Xô" và "bóp méo sự thật lịch sử", cần phải phá bỏ hoàn toàn càng sớm càng tốt.
Bản tin cũng cũng cho biết, tuân thủ các quy định liên quan của Công ước Geneva, nghĩa trang của những người lính Xô Viết đã hy sinh nơi có nhóm tượng đài sẽ được bảo tồn. Các nhà chức trách cũng đề nghị tổ chức một cuộc thi thiết kế kiến trúc để khai thác lại địa điểm này sau khi phá dỡ cụm tượng đài.
Theo quyết định của Hội nghị Potsdam sau Thế chiến thứ 2, nước Đức đầu hàng đã giao lại khu vực Memel cho Liên Xô, sau đó, Chính phủ trung ương ở Moscow đã chuyển Memel từ Nga sang cho Lithuania (Litva), và đổi tên thành Klaipedos, từ đó thành phố này trở thành cảng biển duy nhất của Lithuania.
Trang 15min đưa tin về vụ việc. |
Nhóm tác phẩm điêu khắc hoành tráng kỉ niệm chiến sĩ Xô Viết này nằm trong một công viên tượng đài ở Klaipedos. Theo giới thiệu, vào tháng 1/1945, những người lính Xô Viết hy sinh trong trận chiến với quân đội Đức Quốc xã ở Klaipedos ban đầu được chôn cất tại phố S.Daukanto, tới năm 1975 hài cốt các liệt sĩ được chuyển về nghĩa trang trong công viên.
Nhóm tượng đài kỉ niệm đã được dựng trong nghĩa trang, bao gồm một đài kỉ niệm làm bằng hai tấm bê tông với một thanh kiếm lớn ở giữa. Ngoài ra còn có một tác phẩm điêu khắc bằng đồng tạc tượng ba người lính Xô Viết, kèm theo là 47 tấm đá granit trên khắc tên của 694 người lính Xô Viết đã ngã xuống nơi này.
Truyền thông Lithuania đưa tin, vào ngày kỷ niệm 81 năm ngày phát xít Đức tấn công Liên Xô (22/6), Hội đồng thành phố Klaipedos đã bỏ phiếu quyết định xóa bỏ tất cả các tác phẩm điêu khắc thời Liên Xô này. Các nghị viên thành phố cho rằng nhóm tượng đài này "tuyên truyền tư tưởng của Liên Xô”, “bóp méo sự thật lịch sử", có vị còn cho rằng những "di vật" của Liên Xô này là biểu tượng cho sự "chiếm đóng" Klaipedos.
Quần thể tượng đài sẽ bị đập bỏ (Ảnh: Guancha). |
Nghị sĩ Saul Budin đã kêu gọi các đồng nghiệp của ông ta bỏ phiếu cho quyết định, nói rằng bây giờ là "thời điểm tốt nhất để loại bỏ những bức tượng" tiếp tục gợi lên cảm giác tiêu cực bị "chiếm đóng" trong người dân địa phương và chúng cần được xóa bỏ hoàn toàn càng sớm càng tốt. Phó Thị trưởng Arunas Barbsys cũng đồng tình và nói: "'Thanh kiếm' (tác phẩm điêu khắc) này treo trên đầu cư dân Klaipedos, trong tâm trí mọi người luôn hiện lên từ ‘bị chiếm đóng’, ‘bị chiếm đóng’."
Báo chí cũng đề cập rằng chính quyền thành phố đã tiến hành một cuộc thăm dò dân chúng địa phương kéo dài một tháng trước khi quyết định bỏ phiếu với nội dung “có ủng hộ việc dỡ bỏ nhóm tượng đài kỉ niệm binh sĩ Liên Xô và xóa bỏ các biểu tượng tư tưởng của Liên Xô hay không". Theo họ, trong số 4.492 người được hỏi, có khoảng 2/3 (2.833 người) bày tỏ tán thành dỡ bỏ.
Nhóm tượng đồng ba chiến sĩ Xô Viết trong quần thể. |
Sau cuộc thảo luận kéo dài, Hội đồng thành phố Klaipedos đã bỏ phiếu vào hôm thứ Tư (22/6) để dỡ bỏ cụm tượng đài, và Thị trưởng Klaipeda Vytautas Grubliauskas kết luận rằng “đề án đã được thảo luận đầy đủ và chín chắn”.
Ngoài hai tác phẩm điêu khắc chính nêu trên, kế hoạch phá dỡ còn bao gồm một ngôi sao năm cánh màu đỏ và ngọn đuốc được khắc bằng đá granit, một tấm đồng khắc bằng tiếng Lithuania và tiếng Nga về việc giải phóng Klaipedos, cùng một tấm đá khắc ghi thông tin về những người đã chết trong trại tập trung của Đức Quốc xã.
Vitalijus Juska, người đứng đầu cơ quan bảo vệ di sản cho biết mọi người đã nhất trí loại bỏ các tác phẩm điêu khắc, nhưng đồng thời nhấn mạnh theo các yêu cầu của Công ước Geneva, sẽ bảo đảm tôn trọng những người lính được chôn cất tại đây và nghĩa trang sẽ được bảo tồn. Danh sách những người lính đã ngã xuống trên phiến đá đã được tháo dỡ sẽ được tạo lại một phần sau khi kiểm đếm lại.
Một tượng đài chiến sĩ Hồng quân Xô Viết bị bôi bẩn. |
Toàn bộ công việc phá dỡ sẽ sử dụng ngân sách thành phố cho chương trình hiện đại hóa và bảo trì cơ sở hạ tầng của thành phố, chính phủ dự kiến sẽ phân bổ 100.000 euro. Sau khi việc phá dỡ hoàn tất, chính quyền thành phố Klaipedos cũng đã đề xuất một cuộc thi thiết kế kiến trúc để tái phát triển địa điểm này.
Hãng truyền thông 15min cũng đề cập rằng quyết định của Klaipedos "liên quan trực tiếp" đến tình hình hiện tại ở Nga và Ukraine. Vào tháng 4, đã xảy ra một số vụ việc bôi bẩn và xúc phạm các tượng đài kỉ niệm những người lính Xô Viết ở các vùng Kedeniai và Anikshchiai của Lithuania.
Mối quan hệ giữa hai nước Nga và Lithuania ngày càng trở nên căng thẳng khi gần đây Lithuania phớt lờ những lời cảnh báo mạnh mẽ từ Nga và cấm những hàng hóa bị EU trừng phạt quá cảnh qua lãnh thổ nước này đến vùng Kaliningrad của Nga.
Theo Hãng thông tấn Nga Sputnik, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova ngày 22/6 cho biết, Nga sẽ đưa ra phản ứng thiết thực đối với lệnh của Lithuania cấm vận chuyển hàng hóa tới Kaliningrad “không chỉ ở cấp độ ngoại giao, mà còn được thực hiện trên thực tế”. Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh, nếu Lithuania không hủy bỏ các hạn chế này, Nga sẽ có quyền bảo vệ lợi ích quốc gia của mình.
Một tượng đài Hồng quân bị sơn cờ Ukraine để bày tỏ chống Nga. |
Đáp lại, Tổng thống Litva Gitanas Nauseda đã tuyên bố trong một cuộc trả lời phỏng vấn với CNN rằng Lithuania đã sẵn sàng chấp nhận một số hình thức trả đũa của Nga, nhưng ông không tin rằng Nga sẽ “thách thức quân sự” Lithuania, vì nước ông là một thành viên NATO.
Tuy nhiên, liệu biểu hiện của NATO có như mong muốn của Lithuania hay không vẫn còn là một dấu hỏi. Theo một bản tin trước đó của truyền thông Lithuania TV3, trong chuyến thăm của Thủ tướng Đức Olaf Scholz tới Lithuania, hai bên đã nhất trí rằng Đức sẽ triển khai một lữ đoàn chiến đấu 3.500 người của NATO tại Lithuania để tăng cường phòng thủ sườn phía đông của NATO. Tuy nhiên, tin tức mới nhất của truyền thông Anh Financial Times cho biết, Đức có kế hoạch triển khai lữ đoàn trên đất Đức và sẽ chỉ cử một nhóm nhỏ từ 50-60 người tới Lithuania. Tin tức này từng khiến dư luận trong nước Lithuania rúng động.