"Mật ngọt” việc nhẹ lương cao: Cạm bẫy lừa đảo xuyên biên giới
Xã hội - Ngày đăng : 23:00, 23/06/2022
Có dấu hiệu hình sự trong vụ việc
Theo lời kể của thiếu nữ Nguyễn Thị Thu Ngọc (16 tuổi) - người bị mất liên lạc khi vào TPHCM tìm việc và sau đó bị đưa vượt biên sang Campuchia (hiện đã trở về nhà), vào hôm 5.6, khi từ thị xã Sông Cầu (Phú Yên) vào đến TPHCM tìm việc, Ngọc được một phụ nữ đến đón tại bến xe ở số 537 Phạm Văn Đồng (quận Bình Thạnh, TPHCM) rồi chở về một căn nhà, nơi có khoảng 5 người con gái khác cũng giống như Ngọc.
Ngày hôm sau, có khoảng 3 người chở Ngọc cùng các cô gái còn lại lên Tây Ninh rồi sang Campuchia. Khi đến bên kia biên giới, cả nhóm được đưa vào một phòng riêng, có người canh gác ngày đêm. Trong quãng thời gian này, Ngọc có gọi điện về gia đình. Gia đình Ngọc cũng thông tin rằng họ nhận được một số cuộc điện thoại yêu cầu đòi tiền chuộc 70 triệu đồng để nhận lại con.
Với các tình tiết như vượt biên trái phép, bắt cóc hay tống tiền trong câu chuyện được Ngọc tường thuật lại, luật sư Nguyễn Văn Hậu - Ủy viên thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam nhận định sau khi Ngọc trở về, trên cơ sở tố giác của cô gái, cơ quan chức năng sẽ làm việc cùng những người liên quan để xác minh, tìm ra manh mối làm rõ sự việc. Với các tình tiết như vượt biên trái phép, bắt cóc hay tống tiền, luật sư Hậu nhận định vụ việc có thể có dấu hiệu hình sự.
"Việc đưa người sang Campuchia có thể phân chia làm nhiều giai đoạn, đầu tiên là lôi kéo hoặc bắt giữ người Việt Nam đưa ra nước ngoài, tiếp theo là quá trình vận chuyển từ Việt Nam sang Campuchia và giao cho đối tượng ở phía Campuchia. Đối với tất cả hành vi phạm tội nào thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam đều sẽ bị xử phạt theo luật pháp của Việt Nam", luật sư Hậu phân tích.
Theo luật sư Hậu, với những người tổ chức cho Ngọc và những người khác khác vượt biên trái phép sang Campuchia, họ có thể bị xử lý về tội Tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh trái phép theo Điều 348 Bộ luật Hình sự 2015. Theo đó, người nào vì vụ lợi mà tổ chức hoặc môi giới cho người khác xuất cảnh trái phép sẽ bị xử lý về tội danh này.
Với trường hợp thực hiện hành vi với từ 5 đến 10 người, người phạm tội sẽ bị xử lý theo khoản 2, Điều 348 Bộ luật này với khung hình phạt 5-10 năm tù. Bên cạnh đó, nếu đủ căn cứ chứng minh những người đó tổ chức cho Ngọc vượt biên trái phép nhằm yếu tố vụ lợi, họ có thể bị xử lý hình sự về tội danh này.
"Việc nhẹ lương cao" trên mạng đa số là lừa đảo
Mới đây, Lao Động cũng thông tin về vụ việc do tin theo quảng cáo, mời chào "việc làm nhẹ, lương cao", liên tiếp 2 thanh thiếu niên ở Phú Yên bị lừa đưa sang Campuchia rồi đòi tiền chuộc. Rất may, cả 2 đã được giải cứu thành công, nhưng đây là lời cảnh báo đối với nhiều người.
Chuyên gia an ninh mạng Ngô Minh Hiếu (Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia), cho biết về vấn đề này ông cũng từng cảnh báo rất nhiều lần trước đó khi có rất nhiều hội nhóm trên mạng, đặc biệt trên Facebook và Telegram, thường quảng cáo những việc làm với mức lương cao ở Campuchia, Dubai và một số nước gần Việt Nam.
Ông Hiếu cho hay khi vào những hội nhóm này, kẻ gian sẽ lừa sang Campuchia và bán cho các công ty chuyên lừa đảo trực tuyến.
"Sau khi truy vết ra thì đa số những vụ lừa đảo do tội phạm từ phía Campuchia rất nhiều. Tội phạm trực tuyến rất nhiều vì họ có thể ẩn danh, sử dụng danh tính giả mạo, tạo những sàn đa cấp, cộng tác viên lừa đảo...", ông Hiếu cho hay
Lòng tham, cộng với sự thiếu nhận thức khi tham gia những hoạt động trên mạng xã hội sẽ khiến nhiều người dễ dàng trở thành con mồi của những kẻ lừa đảo. "Với những bạn trẻ, phụ huynh nên khuyên con tuyệt đối cảnh giác với người lạ và những hội nhóm dụ dỗ đi làm việc nhẹ lương cao trên mạng", ông Hiếu lưu ý.