Những xu hướng đang lên của ngành vận tải và logistics

Chuyển động Thị trường - Ngày đăng : 16:39, 23/06/2022

Ngành logistics đang xuất hiện những xu hướng tuy không quá mới nhưng ngày càng trở nên mạnh mẽ.
trung-tam-trung-chuyen-hang-hoa.jpg
Trung tâm trung chuyển của một hãng chuyển phát nhanh tại TP.HCM

Là chặng cuối (last mile) quan trọng trong chuỗi cung ứng, ngành chuyển phát nhanh được tiếp cận vô số cơ hội để phát triển, đồng thời kiến tạo nhiều sự đổi mới trong mô hình kinh doanh.

Sự chênh lệch trong tăng trưởng giữa các quốc gia 

Nổi bật trong vài năm gần đây là sự phổ biến của khái niệm “một thế giới hai tốc độ” (two-speed world). Đây là thuật ngữ chỉ tình trạng tăng trưởng không đồng đều giữa các nhóm quốc gia. Cụ thể, các nước phát triển có tốc độ tăng trưởng chậm trong khi các nước đang phát triển lại có mức tăng trưởng cao hơn.

Theo dự đoán, sự tăng trưởng nhanh chóng của các nền kinh tế mới nổi sẽ tiếp tục tăng dòng chảy thương mại trong và giữa châu Phi, châu Á và Mỹ Latinh. Mức tiêu thụ tại các nền kinh tế đang phát triển tăng cao sẽ kéo theo sự cải thiện đáng kể của nền sản xuất. Nhờ đó, các mắt xích trong ngành logistics cũng được hưởng lợi từ sự gia tăng số lượng hàng hóa vận chuyển.

Theo dự báo của nhiều tổ chức uy tín trên thế giới, nền kinh tế Việt Nam có khả năng phục hồi trở lại cao ở mức 6 - 6,5% vào năm 2022. Đây chính là lý do các nước đang phát triển như Việt Nam trở thành mảnh đất màu mỡ cho các doanh nghiệp chuyển phát nhanh mở rộng quy mô hoạt động.

Mua sắm trực tuyến 

Đô thị hóa cũng là một xu hướng tạo ra nhiều ảnh hưởng đến ngành chuyển phát nhanh. Làn sóng di cư quy mô lớn từ nông thôn ra các đô thị lớn đã trở lại sau thời kỳ dịch bệnh. Vào tháng 02/2022, tỉ lệ lao động trong khu chế xuất, khu công nghiệp quay lại làm việc ở TP.HCM đạt 96%, tương đương 1,9 triệu người. Điều này khiến các thành phố lớn ngày càng mở rộng và phát triển, từ đó tạo ra nhu cầu đa dạng hơn từ cư dân sinh sống.

Đáng chú ý, nhu cầu mua sắm hàng hóa trên các sàn thương mại điện tử "bùng nổ" không chỉ ở các thành phố lớn mà còn ở nông thôn. Thói quen mua sắm trực tuyến được phát triển mạnh mẽ trong tâm điểm COVID-19 và được duy trì khá bền vững ngay cả sau dịch. Sự thay đổi mạnh mẽ trong hành vi mua sắm của người tiêu dùng, chuyển dịch từ mua sắm trực tiếp sang trực tuyến, đã mang đến cho ngành chuyển phát nhanh nhiều cơ hội phát triển.

Nhận thức nâng cao của người tiêu dùng

Hệ thống giao thông hiện tại đã kéo thêm một số trở ngại trong khâu cuối vận chuyển như trình trạng khí tăng thải nhà kính, suy thoái môi trường và gây ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên, nhận thức của người tiêu dùng về các vấn đề phát triển bền vững đang dần được nâng cao và điều này lý giải vì sao xu hướng vận tải “xanh” được dự báo sẽ ngày càng phát triển tại Việt Nam trong vài năm tới.

Các quy định nghiêm ngặt, trở ngại về nguồn lực cũng đặt lên vai các công ty logistics trọng trách tìm ra giải pháp để giảm tiêu thụ năng lượng và trở nên "xanh" hơn trong mắt người tiêu dùng.

Chuyển đổi trong hành vi mua sắm

Tình trạng tắc nghẽn do cơ sở hạ tầng giao thông không đảm bảo cũng là một thách thức mà các doanh nghiệp logistics cần phải tìm phương án giải quyết. Đặc biệt đối với các đơn vị chuyển phát nhanh - người đóng vai trò hoàn thiện quy trình mua sắm, vấn đề này khiến thời gian chuyển hàng đến tay người mua bị kéo dài ngoài dự kiến. Các vấn đề liên quan đến cơ sở hạ tầng không thể khắc phục trong ngắn hạn, nên các đơn vị chuyển phát nhanh phải nhanh nhạy tìm cách rút ngắn tối đa thời gian xử lý đơn hàng.