Cứ mệt là truyền dịch, coi chừng rước họa

Tin Y tế - Ngày đăng : 17:45, 23/06/2022

Không ít người dân lạm dụng truyền dịch dẫn đến nhiều hậu quả xấu đáng tiếc, đặc biệt đang trong cao điểm dịch sốt xuất huyết nếu truyền dịch không đúng có thể dẫn đến tử vong…
truyen-dich-tai-nha-nhieu-moi-nguy-hiem.jpeg
Lạm dụng truyền dịch tại nhà có thể dẫn đến tử vong - Ảnh: Internet

Nguy hiểm từ truyền dịch tại nhà

Cách đây không lâu, Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận thanh niên 17 tuổi (Hà Nội) nhập viện trong tình trạng sốt, ngưng tim. Trước đó bệnh nhân được truyền dịch tại nhà mặc dù đã được chẩn đoán mắc sốt xuất huyết.

Các bác sĩ đã cấp cứu, ép tim bệnh nhân và tim đã đập trở lại, sau đó lại ngừng tim lần 2. Với nỗ lực cao nhất, các bác sĩ đã hồi sức tim cho bệnh nhân thành công và đặt ECMO (kỹ thuật tim phổi nhân tạo). Tuy nhiên, do tình trạng quá nặng, bệnh nhân đã tử vong ngày sau đó do suy đa tạng.

Hiện tình hình dịch sốt xuất huyết đang ở mức báo động, nếu không chú ý tự điều trị và truyền dịch tại nhà sẽ dẫn đến nguy hiểm tính mạng.

Nhiều người dân, đặc biệt là tại các vùng thôn quê, không ít các trường hợp cứ ốm, mệt là nhờ y tế đến nhà hoặc đến các nhà thuốc để truyền dịch với mục đích mau khỏe.

Đặc biệt, không chỉ những người mệt mỏi, nhiều người không đau ốm cũng truyền dịch, nước hoa quả để đẹp da, tăng cường sức khỏe. Việc lạm dụng dịch truyền xuất phát từ phía người bệnh.

Khi vào viện thấy bệnh nhân bên cạnh truyền dịch cũng muốn truyền vì họ quan niệm truyền dịch sẽ hết mệt, dịch truyền không hại cho sức khỏe, ai cũng có thể truyền được.

Bác sĩ Âu Thanh Tùng - Trưởng khoa Khám bệnh Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM – cho biết có một thực tế, khi bị bệnh hoặc cảm giác mệt mỏi thì người bệnh có mong muốn được truyền dịch (người dân hay gọi truyền nước biển), vì tin rằng, truyền dịch sẽ giúp cơ thể khỏe lên nhanh chóng. Thế nhưng, quan điểm này không đúng hoàn toàn.

truyen-dich-tai-nha-nhieu-moi-nguy-hiem(1).jpeg
Hậu quả khó lường khi lạm dụng truyền dịch - Ảnh: Internet

Không được tự ý truyền dịch

Bác sĩ Tùng cho biết thêm, truyền dịch là truyền dung dịch có chất hòa tan như đường, chất đạm, chất béo, một số dung dịch chứa chất điện giải như natri clorua, kali clorua, bicarbonat. Ngoài ra, còn có những chế phẩm đặc biệt như dịch truyền Albumin, dịch truyền có yếu tố đông máu, tiểu cầu… Tuy nhiên, truyền dịch phải đúng chỉ định của bác sĩ.

Bất cứ người bệnh nào khi truyền dịch đều có thể bị tai biến và biến chứng. Biến chứng nguy hiểm nhất là người bệnh bị sốc, tụt huyết áp và có thể tử vong khi truyền dịch. Lưu ý, bất cứ người bệnh nào cũng đều có thể bị sốc với bất kỳ loại dịch truyền gì.

Do đó, người dân không được tự ý truyền dịch hay nhờ người truyền dịch tại nhà mà cần phải có sự chỉ định của bác sĩ và sự theo dõi của nhân viên y tế trong quá trình truyền dịch.

PGS Nguyễn Tiến Dũng - nguyên Trưởng khoa nhi, Bệnh viện Bạch Mai – cho biết mục đích của truyền dịch là để nuôi dưỡng bệnh nhân, bù đủ lượng dịch mà cơ thể bị mất để đảm bảo thể tích tuần hoàn duy trì huyết áp và lượng nước trong các mô của cơ thể. Về nguyên tắc truyền dịch tốt cho sức khỏe nhưng không phải lúc nào cũng có thể truyền và đặc biệt là không được lạm dụng.

Truyền dịch phụ thuộc vào nhiều yếu tố như thể bệnh, dịch được truyền, liều lượng, tốc độ… với người bị mất nước, cần bù lượng dịch đã mất do mắc một số bệnh như: tiêu chảy, bị bỏng nặng, sốt cao, ăn uống kém, suy kiệt, bệnh nhân sau phẫu thuật tiêu hóa và một số trường hợp đặc biệt... cần được truyền dịch nhưng phải theo chỉ định của bác sĩ.

Khi bác sĩ quyết định việc tiêm, truyền cho bệnh nhân sẽ phải xác định được biểu hiện mệt, sốt là do bệnh gì, bệnh đó có cần phải truyền dịch không? Trường hợp bắt buộc phải truyền, bác sĩ sẽ tính toán kỹ lượng truyền chứ không thể truyền bừa bãi. Việc tự ý truyền dịch sẽ vô cùng nguy hại đến sức khỏe.

Dịch truyền cũng được coi là một loại thuốc, vì vậy liều dùng phải do bác sĩ chỉ định và cần theo dõi liên tục đề phòng các tai biến xảy ra. Một số trường hợp chống chỉ định như: suy thận cấp, suy thận mãn, suy gan, viêm gan nặng, chấn thương sọ cấp...

Khi được chỉ định truyền, cũng cần kiểm tra kỹ đề phòng rủi ro do chất lượng dịch truyền: chỉ dùng những chai thuốc trong suốt (lắc chai thuốc kiểm tra xem có vẩn hay không). Chỉ được truyền chai thuốc còn hạn dùng, thuốc đã mở nắp phải dùng ngay.

Để bảo đảm tính mạng người bệnh, nhất thiết truyền đạm phải có chỉ định của bác sĩ, truyền tại cơ sở y tế, phải có thuốc cấp cứu chống choáng, chống sốc, phải có người theo dõi kèm theo phiếu tiêm truyền để khi có tai biến xử lý được kịp thời.

ANH ĐÀO (tổng hợp)