Chuyên gia chỉ ra loạt vấn đề lớn của thị trường bất động sản TPHCM
Kinh doanh - Ngày đăng : 12:13, 23/06/2022
Theo phân tích từ báo cáo mới phát hành của bộ phận nghiên cứu Savills Việt Nam, nguồn cung mới trong 6 tháng cuối năm sẽ tiếp tục duy trì như giai đoạn nửa đầu năm nay. Đặc biệt, hoạt động siết chặt nguồn tín dụng vào bất động sản trong thời gian qua được dự báo sẽ giúp thanh lọc thị trường mạnh mẽ.
Cụ thể liên quan đến vấn đề siết tín dụng vào bất động sản, bà Võ Thị Khánh Trang, Phó Giám đốc Bộ phận nghiên cứu Savills Việt Nam, nhìn nhận ở góc độ lạc quan khi cho rằng đó là tín hiệu tích cực. Bởi điều này cho thấy thị trường đang có sự thanh lọc mạnh mẽ theo hướng phát triển bền vững và lành mạnh hơn.
Theo đó, chỉ những chủ đầu tư thật sự có nguồn lực về tài chính và phát triển bền vững thì họ sẽ tiếp tục tồn tại trên thị trường. Trong khi, chủ đầu tư phụ thuộc vào vốn vay và không có quy trình phát triển bền vững thì sẽ gặp nhiều khó khăn.
Về khía cạnh người mua nhà, bà Trang cho biết việc siết tín dụng có thể làm giảm nhóm người mua đầu cơ, lướt sóng và không có nhu cầu ở thực, từ đó giúp người mua nhà có nhu cầu thực đến gần với cơ hội sở hữu nhà hơn.
"Tuy nhiên, chủ đầu tư phải đối mặt với việc chi phí sử dụng đất và giá nguyên vật liệu tiếp tục tăng. Điều này cũng là một khó khăn cho chủ đầu tư và tác động đến giá bán cuối cùng của sản phẩm. Vì vậy, phân khúc nhà ở bình dân hay xã hội vẫn là một cánh cửa cho các chủ đầu tư có thể tham gia vào và góp phần cho sự phát triển của xã hội", bà Trang khuyến nghị.
Chuyên gia này cũng khuyến nghị các doanh nghiệp cần chủ động đa dạng hóa nguồn vốn, tiếp cận các kênh thay thế như quỹ đầu tư, M&A, liên doanh trong bối cảnh tín dụng bất động sản bị siết chặt. Việc đa dạng hóa các nguồn vốn sẽ giúp ổn định thị trường và giảm các rủi ro hệ thống.
Ngoài ra, bà Trang cũng đã chỉ ra loạt vấn đề lớn của thị trường bất động sản TPHCM như quỹ đất hạn chế, nguồn cung khá thấp, giá bán cao và quy trình cấp phép dự án còn đang bị siết chặt.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA - cũng chỉ ra rằng, thị trường bất động sản vẫn chưa phát triển ổn định, bền vững biểu hiện rất rõ nét qua 5 vấn đề tồn tại.
Thứ nhất, tình trạng "lệch pha cung - cầu" dẫn đến rất thiếu nguồn cung dự án, rất thiếu nguồn cung nhà ở, nhất là nhà ở có giá vừa túi tiền và nhà ở xã hội; thứ hai, tình trạng "lệch pha phân khúc thị trường" về phân khúc nhà ở cao cấp, như tại TPHCM thì nhà ở có giá vừa túi tiền năm 2020 chỉ chiếm 1% tổng số nhà ở và năm 2021 thì không còn loại nhà ở có giá vừa túi tiền (0%), trong khi 74% sản phẩm nhà ở thuộc phân khúc cao cấp, còn lại 26% thuộc phân khúc trung cấp;
Thứ ba, tình trạng khan hiếm nhà ở đã đẩy giá nhà tăng cao liên tục trong 5 năm qua vượt quá khả năng thu nhập của đa số người dân và đã xuất hiện tình trạng "phân lô bán nền" tràn lan, "sốt ảo" giá đất;
Thứ tư, môi trường đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản vẫn chưa thực sự minh bạch, công bằng, lành mạnh; thứ năm, có không ít doanh nghiệp bất động sản yếu kém năng lực và thiếu tính chuyên nghiệp.
"Trong đó, vấn đề nổi lên là cần phải kiểm soát và xử lý hiệu quả mối quan hệ hữu cơ giữa thị trường bất động sản và thị trường vốn để cả hai thị trường này phát triển lành mạnh, hỗ trợ lẫn nhau, do hiện nay vẫn đang tiềm ẩn một số rủi ro, nguy cơ gây bất ổn kinh tế vĩ mô", ông Châu lo ngại. Bởi lẽ theo vị này, thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, ổn định sẽ kéo theo sự phát triển của thị trường vốn và nền kinh tế; nhưng ngược lại thị trường bất động sản bất ổn sẽ kéo theo sự bất ổn của thị trường vốn và nền kinh tế.
Ông Châu chỉ ra rằng, thực trạng tình hình trên đây có nguyên nhân khách quan do dịch Covid-19, do xung đột địa chính trị hoặc do đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu; nhưng chủ yếu là do các nguyên nhân chủ quan, trước hết là "vướng mắc" về "thể chế pháp luật" và công tác "thực thi pháp luật" của một số cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.