Để sớm hoàn thành 2 “siêu dự án” đường vành đai tại Hà Nội và TP.HCM

Xã hội - Ngày đăng : 08:25, 23/06/2022

Rút kinh nghiệm từ các dự án trước, giải phóng mặt bằng được lập thành dự án riêng, kiên quyết loại nhà thầu không đủ năng lực tham gia...là những yếu tố căn bản để đường Vành đai 4 Hà Nội và Vành đai 3 TP.HCM đảm bảo tiến độ, đem lại hiệu quả.

Sau khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 Thủ đô Hà Nội và đường vành đai 3 TP.HCM, nhiều ý kiến cho rằng việc triển khai phải khoa học, bài bản thì 2 dự án mới đảm bảo chất lượng và hoàn thành đúng tiến độ.

Dự án vành đai 4 Hà Nội dài 112,8km, chia thành 7 dự án thành phần. Sơ bộ nhu cầu sử dụng đất của dự án khoảng 1.341 ha, trong đó đất trồng lúa khoảng 816 ha, đất nông nghiệp khác khoảng 258 ha, đất dân cư khoảng 58 ha và đất khác khoảng 209 ha. Cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa để thực hiện dự án. Giải phóng mặt bằng toàn tuyến một lần theo quy mô quy hoạch.

Tổng mức đầu tư của dự án khoảng 85.813 tỷ đồng. Trong đó, nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 là 41.860 tỷ đồng; nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2026 - 2030 là 14.506 tỷ đồng; vốn do nhà đầu tư thu xếp là 29.447 tỷ đồng.

Tiến độ thực hiện chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án từ năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027.

Đường vành đai 3 Hà Nội đã quá tải, do vậy việc sớm có đường Vành đai 4 là mong muốn của người dân vùng Thủ đô

Dự án thành phần 3 (dự án PPP) loại hợp đồng Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao (BOT), được áp dụng cơ chế bảo đảm đầu tư, cơ chế chia sẻ phần giảm doanh thu theo quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

Quốc hội giao UBND TP Hà Nội chịu trách nhiệm là cơ quan đầu mối tổ chức thực hiện dự án.

Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM dài khoảng 76,34 km đường vành đai 3, chia thành 8 dự án thành phần theo hình thức đầu tư công.

Sơ bộ nhu cầu sử dụng đất của dự án khoảng 642,7ha, trong đó đất trồng lúa khoảng 70,24ha, đất nông nghiệp khác khoảng 103,52ha, đất rừng sản xuất khoảng 16,82ha, đất dân cư khoảng 64,1ha, đất trồng cây lâu năm khoảng 229,62ha, đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp 11,2ha và đất khác khoảng 147,2ha.

Giải phóng mặt bằng toàn tuyến một lần theo quy mô quy hoạch, trừ đoạn Tân Vạn - Bình Chuẩn đã đầu tư.

Việc 2 “siêu dự án” đường vành đai được Quốc hội thông qua đã đáp ứng được mong mỏi của nhân dân về sự cần thiết phải có 2 con đường vành đai.

Dự án đường Vành đai 3 và Vành đai 4 có vai trò rất quan trọng với hai vùng kinh tế trọng điểm của cả nước. Đường Vành đai 3 nằm trong khu vực kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ (hiện đang đóng góp tới 40% GDP và trên 40% tổng thu ngân sách) nên khi dự án được đầu tư xây dựng, hoàn thành sẽ góp phần thúc đẩy kết nối vùng kinh tế trọng điểm đóng góp nhiều hơn cho cả nước về GDP và thu ngân sách, phát huy lợi thế tiềm năng trong vùng.

Trong khi Vành đai 4 là 1 trong những trục đường quan trọng để giải tỏa ách tắc của hệ thống giao thông đường bộ vùng thủ đô hiện nay, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của cả vùng…

Chuyên gia giao thông Bùi Danh Liên cho rằng, đường Vành đai  3 và Vành đai 4 là mong muốn không chỉ của người dân 2 TP Hà Nội và TP.HCM mà còn là mong muốn của người dân cả nước khi  khi tuyến đường hoàn thành sẽ kết nối giữa các vùng với 2 trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước.

Vấn đề đặt ra là khi chủ trương được thông qua, cơ quan chức năng và các địa phương triển khai như thế nào để sớm triển khai đầu tư, hoàn thành đưa dự án vào khai thác.

Phải đảm bảo bố trí vốn đầu tư và mặt bằng sạch

Ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Phó tổng cục trưởng Đường bộ Việt Nam cho rằng, việc 2 “siêu dự án’ được Quốc hội thông qua cho thấy vai trò quan trọng của dự án đối với 2 vùng kinh tế lớn nhất cả nước. Tuy nhiên, để dự án sớm được triển khai xây dựng thì trước tiên phải bố trí đủ nguồn vốn, không để xảy ra tình trạng thiếu vốn làm ảnh hưởng tới tiến độ triển khai.

Trên thực tế 2 dự án khi được Quốc hội thông qua đã được bố trí từ nguồn vốn trung hạn, nhưng việc bố trí, giải ngân cần có cơ chế linh hoạt tránh tình trạng ‘tắc’ vốn làm chậm tiến độ.

“Ngoài vốn ngân sách, các địa phương có dự án đi qua có thể tận dụng giá trị địa tô hai bên đường để có thêm nguồn vốn cho dự án. Chính phủ nên cho địa phương cơ chế đặc thù để có thể có thêm dòng tiền đầu tư cho dự án”, ông Thanh nói.

PGS.TS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam cho rằng, cùng với việc bố trí đủ nguồn vốn thì GPMB là khâu rất quan trọng đến việc dự án có đảm bảo tiến độ hay không.

Tại 2 dự án Vành đai 3 và Vành đai 4 công tác GPMB đã được Quốc hội đồng ý cho tách thành một dự án độc lập và giao các tỉnh, TP phải làm. Tuy nhiên đây là hai dự án đi qua các địa bàn có mật độ dân cư lớn, tốc độ đô thị hoá nhanh nên việc triển khai không tránh khỏi những vướng mắc cần phải giải quyết kịp thời.

Trong đó, việc quan trọng là cần sớm thống nhất nguyên tắc cơ bản về xác định giá đền bù ở các địa phương để đảm bảo tính thống nhất, vì hiện nay đã có sự chênh lệch rất lớn giữa các địa phương trong việc đền bù.

“Việc xác định đơn giá bồi thường, hỗ trợ tái định cư không loại trừ gây ra tình trạng so bì giá đền bù, khiếu kiện, đặc biệt đối với các khu vực giáp ranh giữa các địa phương. Do vậy Chính phủ cần lưu ý vấn đề này và cụ thể hóa trách nhiệm đầu mối của Hà Nội và TP.HCM để việc giải phóng mặt bằng được thông suốt, hiệu quả”, ông Chủng lưu ý.

Ngoài bố đủ trí đủ vốn và đảm bảo mặt bằng sạch, ông Chủng cho rằng, khi triển khai hai dự án đường Vành đai cần quan tâm đến giải quyết bài toán quy mô kỹ thuật. Trong đó, các con số dự báo về lượng xe yêu cầu cần phải sát với tình hình phát triển kinh tế-xã hội, tránh tình trạng làm xong đường thì đã chậm hơn so với tốc độ phát triển. Việc này cần được nghiên cứu kỹ để làm cơ sở dự báo cho quy mô và phân kỳ đầu tư dự án.

Ngoài ra, công tác thiết kế cũng phải đảm bảo tính kết nối giữa các vùng trong từng địa phương và địa phương với với tổng thể vùng kinh tế trọng điểm của cả nước.

Đối với thành phần dự án đường cao tốc Vành đai 3, Vành đai 4 được đầu tư theo hình thức PPP, ông Chủng lưu ý cần phải  lựa chọn được nhà đầu tư có năng lực về tài chính cũng như kinh nghiệm thi công. Kiên quyết loại bỏ nhà đầu tư yếu kém, làm ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng công trình.

“Thực tế những dự án kêu gọi đầu tư theo hình thức BOT thường đem lại hiệu quả tiến độ nhanh hơn đầu tư công, tổng mức đầu tư không vượt, trong khi chất lượng công trình cũng được kiểm soát chặt chẽ. Tuy nhiên phải thực sự chọn được nhà đầu tư có năng lực”, ông Chủng nói.


Gia Văn