Đo nồng độ cồn, dân nhậu khóc xin đừng giữ xe của vợ vì 'mai ly hôn'
Xã hội - Ngày đăng : 15:17, 22/06/2022
XEM VIDEO:
Chỉ trong những ngày đầu cao điểm kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông, lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) toàn quốc đã phát hiện, xử lý hàng nghìn trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Trong đó, có nhiều trường hợp vi phạm ở mức “kịch khung”, cao hơn nhiều lần mức tối đa được quy định tại Nghị định 100/NĐ-CP.
Khóc lóc xin lực lượng CSGT bỏ qua vi phạm
Khi Đội CSGT số 14 thực hiện nhiệm vụ kiểm tra nồng độ cồn ở nút giao Nghiêm Xuân Yêm - Nguyễn Hữu Thọ (quận Hoàng Mai), ông Đ.P.H. bị dừng xe và yêu cầu đo nồng độ cồn.
Trước yêu cầu của lực lượng chức năng, người đàn ông này nhiều lần không chấp hành và cắn ống thổi khiến cảnh sát phải thay 2 lần.
Sau gần 20 phút, ông H. mới hoàn thành việc thổi nồng độ cồn. Máy đo cho ra kết quả ở mức 0,192 mg/l khí thở. Với vi phạm này, tài xế bị phạt 2,5 triệu đồng, tước bằng lái 11 tháng, tạm giữ xe 7 ngày.
Còn tại chốt kiểm tra nồng độ cồn của Đội CSGT số 7 đặt tại ngã ba Tố Hữu – Vũ Trọng Khánh (quận Nam Từ Liêm), kết quả kiểm tra với anh N.Q.H. điều khiển xe máy BKS 29X5- 749.XX cho thấy vi phạm nồng độ cồn ở mức 0,233 mg/L khí thở.
Sau khi nghe thông báo với mức vi phạm này, tài xế sẽ bị xử phạt 2,5 triệu đồng, giam xe 7 ngày và tước bằng lái xe 11 tháng, người đàn ông này bật khóc và nài nỉ CSGT bỏ qua.
"Em đi xe máy của vợ, sáng mai chúng em ra tòa ly hôn rồi, các anh không thể giữ xe của em được", anh H. phân trần và nài nỉ CSGT.
Phải mất gần 2 tiếng thuyết phục, anh H. mới chịu rời chốt kiểm tra của lực lượng chức năng để ra về.
Xử lý người vi phạm nồng độ cồn phải mềm mỏng, khôn khéo
Đại úy Nguyễn Mạnh Tuấn, cán bộ Đội CSGT số 6 cho biết, không hiếm gặp chuyện người vi phạm nồng độ cồn bất hợp tác, nghĩ ra đủ lý do để xin bỏ qua vi phạm. Nhiều lái xe dù "tự thú" đã uống rượu, bia nhưng dứt khoát không chấp hành kiểm tra nồng độ cồn.
Thậm chí có lái xe khi bị CSGT dừng xe để kiểm tra nồng độ cồn thì cố tình trì hoãn, kéo dài thời gian để tìm sự trợ giúp của người thân.
Theo Đại úy Tuấn, trong thực hiện nhiệm vụ, cán bộ, chiến sĩ trong tổ xử lý vi phạm nồng độ cồn luôn phải mềm mỏng, giữ thái độ hòa nhã với người vi phạm. Vừa động viên, thuyết phục người vi phạm chấp hành việc kiểm tra nhưng cũng phải nói để cho họ hiểu mức độ nguy hiểm của việc điều khiển xe sau khi uống rượu, bia.
Thiếu tá Đào Việt Long, Phó trưởng Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Hà Nội cho biết, mặc dù chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng đơn vị vẫn duy trì việc kiểm tra nồng độ cồn thường xuyên, liên tục trong 2 năm qua.
“Việc tăng cường xử phạt người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn đã làm giảm thiểu số vụ tại nạn giao thông. Từ đó khuyến cáo người dân nên chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn của lực lượng chức năng”, Thiếu tá Long cho biết.
Đình Hiếu