Hàm ý của Trung Quốc trong sắc lệnh quân sự mới

Đối ngoại - Ngày đăng : 14:58, 22/06/2022

Vừa qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã ký sắc lệnh mới, điều chỉnh các hoạt động quân sự “phi chiến tranh”. Sắc lệnh gồm 59 điều/6 chương và có hiệu lực từ ngày 15/6. Văn bản này có gì đáng chú ý?
Sắc lệnh quân sự mới của Trung Quốc sắc lệnh cũng ra đời trong bối cảnh Trung Quốc có xu hướng sử dụng nội luật để tạo củng cố cơ sở pháp lý cho các hoạt động gây tranh cãi. (Nguồn: Getty)
Sắc lệnh quân sự mới của Trung Quốc ra đời trong bối cảnh nước này có xu hướng sử dụng nội luật để tạo củng cố cơ sở pháp lý cho các hoạt động gây tranh cãi. (Nguồn: Getty)

Tập trung vào không gian ngoài nước?

Nguồn tin chính thức từ Trung Quốc chỉ đề cập sắc lệnh nhằm bảo vệ “tính mạng và tài sản người dân, duy trì chủ quyền quốc gia, an ninh, các lợi ích phát triển và ổn định - hòa bình khu vực”, không nêu thông tin chi tiết gì thêm.

Tuy nhiên, truyền thông lại cho rằng, sắc lệnh có quy định hoạt động của quân đội Trung Quốc tại nước ngoài. Theo đó, các hãng ABCSMH của Australia nhận định, văn bản sẽ cho phép quân đội Trung Quốc thực hiện “các hoạt động quân sự đặc biệt” ở nước ngoài.

Thông tin này có phần chắc chắn hơn khi Thời báoHoàn Cầu (tờ báo nhà nước Trung Quốc) cho biết, với sắc lệnh mới, Trung Quốc có thể ngăn chặn hiệu ứng lan tỏa từ các điểm nóng, bất ổn trong khu vực, bảo vệ các tuyến vận tải trọng yếu, lĩnh vực đầu tư và người dân Trung Quốc ở nước ngoài. Yếu tố “nước ngoài” được báo này nhấn rất rõ.

Một số điểm cần làm rõ

Truyền thông Trung Quốc đưa tin theo hướng trấn an.

Thời báoHoàn Cầu nhấn mạnh, đây là các hoạt động Trung Quốc đã tiến hành từ lâu (ngụ ý không có gì mới), bao gồm gìn giữ hòa bình, cứu trợ cứu nạn hay ứng phó với thiên tai...

Tân Hoa xã cũng coi sắc lệnh chỉ hệ thống lại các hoạt động, nguyên tắc chỉ huy sẵn có của quân đội.

Một số ý kiến cũng cho rằng, việc Trung Quốc tiến hành các hoạt động quân sự “phi chiến tranh” tại nước ngoài không có gì mới và có cơ sở chính đáng (nội dung chính của cuốn Protecting China’s Interest Overseas của Andrea Ghiselli).

Theo SMH, Mỹ cũng có văn bản tương tự từ năm 1993.

Tuy nhiên, sắc lệnh có thể gây quan ngại khi không nhắc đến các hoạt động nào Trung Quốc sẽ tiến hành tại nước ngoài.

Hơn nữa, văn bản trên được đưa ra trong thời điểm căng thẳng Đài Loan/Biển Đông tiếp diễn (có liên quan đến các động thái từ phía Bắc Kinh như thả mảnh vụn vào máy bay Australia, vào không phận Đài Loan (Trung Quốc), ra lệnh cấm bắt cá đơn phương hay tập kết tàu cá tại Biển Đông) và xung đột tại Ukraine kéo dài.

Mặt khác, sắc lệnh cũng ra đời trong bối cảnh Trung Quốc có xu hướng sử dụng nội luật để tạo củng cố cơ sở pháp lý cho các hoạt động gây tranh cãi, ví dụ như luật Hải cảnh hay luật An toàn hàng hải năm 2021.

Do đó, Trung Quốc cần cung cấp thông tin rõ ràng về sắc lệnh mới nếu muốn hạn chế quan ngại, đảm bảo minh bạch trong chính sách và đối thoại về chính sách trong khu vực.*


* Bài viết thể hiện quan điểm tác giả.

Đỗ Hoàng