EC khuyên người dân tiết kiệm năng lượng trong thời điểm thiếu khí đốt từ Nga
Đối ngoại - Ngày đăng : 10:58, 22/06/2022
Giá khí đốt tự nhiên tại châu Âu liên tục đạt kỷ lục mới - Ảnh: Getty Images |
Chủ tịch EC Ursula von der Leyen cho biết, Liên minh châu Âu (EU) có thể bảo tồn năng lượng để bù đắp toàn bộ lượng khí đốt của Nga được vận chuyển qua đường ống Nord Stream 1.
“Nếu chúng ta… giảm hệ thống sưởi ở châu Âu xuống 2 độ C, hoặc sử dụng điều hòa ít hơn sẽ bù đắp cho toàn bộ việc thiếu hụt nguồn cung từ đường ống dẫn khí Nord Stream", Chủ tịch EC Ursula von der Leyen nói với tờ The Irish Times,
Đề cập đến đường ống dẫn khí đốt chạy qua Biển Baltic vận chuyển năng lượng từ Nga sang Đức, Bà Ursula von der Leyen cho hay, Brussels đã lên các kế hoạch khẩn cấp để giảm thiểu tác động của từ việc gián đoạn của nguồn cung năng lượng, trong đó có tiết kiệm năng lượng và ưu tiên các nhu cầu thiết yếu.
Người đứng đầu EC thừa nhận mọi thứ vẫn đang rất khó khăn. “Vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Và tình hình rất nghiêm trọng", bà Ursula von der Leyen cho biết.
Tập đoàn nhiên liệu Gazprom của Nga đang giảm lưu lượng khí đốt qua đường ống Nord Stream 1 cho các nước châu Âu với lý do về kỹ thuật.
EU có kế hoạch loại bỏ khí đốt của Nga vào năm 2030 như một phần của các gói trừng phạt nhằm vào Moskva, liên quan đến chiến dịch quân sự ở Ukraine được phát động từ cuối tháng 2. Tuy nhiên, một số quốc gia châu Âu, trong đó có Đức, đã nhiều lần cảnh báo rằng nền kinh tế của họ sẽ bị ảnh hưởng nếu như dòng khí đốt bị ngừng ngay lập tức.
Tuần trước, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck một lần nữa kêu gọi người dân và doanh nghiệp cắt giảm sử dụng năng lượng. "Thời điểm để làm điều này đã đến. Việc cắt giảm sử dụng nhiên liệu sẽ giúp ích trong tình huống này", ông nói.
Ông Robert Habeck thông báo Đức sẽ “hồi sinh” các nhà máy nhiệt điện than để bù đắp nguồn năng lượng cần thiết để sản xuất điện. Hà Lan và Áo cũng sẽ dỡ bỏ các hạn chế đối với việc đốt than.
Ngoài ra, hãng Reuters đưa tin đất nước Italy có thể ban bố tình trạng báo động về khí đốt trong tuần này, nhằm kích hoạt các biện pháp nhằm giảm tiêu thụ khí đốt.
Được biết, nhiều nước trong EU cũng phụ thuộc quá nhiều vào nguồn cung từ Moskva. Nga đang cung cấp 40% nhu cầu khí đốt của châu Âu. Thời gian qua, Ba Lan, Bulgaria, Phần Lan và Hà Lan đã bị Nga cắt nguồn cung khí đốt do từ chối thanh toán bằng đồng rúp.