Ông Nguyễn Đức Chung nói không được hưởng lợi từ Công ty Arkitic
Pháp luật - Ngày đăng : 17:42, 21/06/2022
Ngày 21/6, đại diện Viện KSND Cấp cao tại Hà Nội đề nghị tòa phúc thẩm bác kháng cáo, giữ nguyên án sơ thẩm đối với bị cáo Nguyễn Đức Chung, cựu Chủ tịch UBND TP.Hà Nội; và Nguyễn Trường Giang, cựu Giám đốc Công ty Arktic, trong vụ mua chế phẩm Redoxy-3C gây thiệt hại cho nhà nước hơn 36 tỷ đồng.
Sau khi nghe kiểm sát viên luận tội, được tự bào chữa, bị cáo Nguyễn Đức Chung tiếp tục cho rằng bản thân không có động cơ vụ lợi trong vụ án; không chỉ đạo Nguyễn Trường Giang phân phối độc quyền Redoxy-3C; không phạm tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” như án sơ thẩm đã tuyên.
Cựu Chủ tịch Hà Nội khẳng định, trước trong và sau khi đoàn đi công tác, không có chuyện bàn bạc giữa bị cáo và Giám đốc Công ty Arktic. Và lúc đó cũng chưa ai biết gì về chế phẩm Redoxy-3C.
“Việc bản án sơ thẩm quy kết bị cáo bàn bạc với Giang là không đúng... Với tư cách cá nhân, tôi ghi nhận và cảm ơn anh Giang vì đã đàm phán mua được chế phẩm Redoxy- 3C về, từ đó Công ty thoát nước mới có thể mua được chế phẩm này", lời trình bày của bị cáo Nguyễn Đức Chung.
Cựu Chủ tịch UBND TP.Hà Nội cũng phủ nhận cáo buộc đã cấu kết với bị cáo Nguyễn Trường Giang để tìm cách nhập Redoxy-3C về Việt Nam. Theo ông Chung, trước, trong và sau chuyến đi, bị cáo và những người trong đoàn công tác chưa ai biết gì về chế phẩm xử lý nước Redoxy-3C.
Ngoài ra, ông Chung cũng phủ nhận việc đã chỉ đạo Nguyễn Trường Giang tiếp cận công ty cung cấp Redoxy-3C nhằm làm đại lý độc quyền phân phối chế phẩm này tại Việt Nam. Đồng thời, bị cáo Chung khẳng định việc nhập chế phẩm này về xử lý ô nhiễm nước hồ ở Hà Nội, bản thân không được hưởng lợi gì và không có động cơ vụ lợi trong vụ án.
Liên quan đến quy kết khẳng định Công ty Arktic là công ty gia đình, bị cáo Chung cho rằng không hiểu khái niệm “công ty gia đình” từ đâu ra. Theo ông Chung, gia đình bị cáo không hề góp một đồng vốn nào vào công ty, kể cả vợ và con bị cáo.
“Gia đình tôi không được hưởng lợi gì, mong HĐXX đánh giá công tâm, công bằng... Nói Công ty Arktic là công ty gia đình, nhưng chúng tôi không hề có một đồng góp vốn nào vào công ty này. Vợ và con trai tôi không hề góp vốn vào công. Và Trong luật cũng không có khái niệm gọi là công ty gia đình”, ông Chung trình bày.
Bào chữa cho thân chủ mình, luật sư Nguyễn Huy Thiệp nêu nhiều quan điểm cho rằng việc mua bán chế phẩm Redoxy-3C không trái quy định pháp luật. Đồng thời, luật sư Thiệp cũng cho rằng gia đình ông Chung không còn liên quan đến Công ty Arktic thời điểm xảy ra vụ việc.
Tại tòa, luật sư Thiệp cho rằng kết quả điều tra đã thể hiện Công ty Arktic sau khi được thành lập thì bà Nguyễn Thị Trúc Chi Hoa (vợ bị cáo Chung) đã rút vốn, người sở hữu, điều hành là Nguyễn Trường Giang.
Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Văn Tú bào chữa cho Nguyễn Đức Chung cũng cho rằng nếu quy kết Công ty Arktic là “công ty gia đình” của thân chủ mình thì phải chứng minh được động cơ của ông Chung là gì, trong khi tên ông không được ghi vào công ty và cũng không được hưởng lợi ích gì.
Về vấn đề thiệt hại trong vụ án, luật sư Tú khẳng định, không hề có trưng cầu giám định thiệt hại. Đơn giản cơ quan tố tụng chỉ so sánh giá mua chế phẩm Redoxy-3C từ Công ty Arktic với giá nếu mua trực tiếp từ Công ty Watch Water (Đức) thì chênh nhau hơn 36 tỷ đồng.
Tuy nhiên, cách tính này lại chưa trừ đi một số chi phí có thật, còn 4 khoản chi phí hợp lý có trong hồ sơ vụ án nhưng lại không được chấp nhận.
Ngoài mong muốn được trưng cầu giám định thiệt hại vụ án, luật sư Tú còn cho rằng cần giám định cả hành vi của bị cáo Chung, bởi việc kết án thân chủ mình về tội “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” là chưa phù hợp.