Thủ tướng: Gỡ các 'điểm nghẽn' để phát triển Đồng bằng sông Cửu Long
Xã hội - Ngày đăng : 14:26, 21/06/2022
Sáng 21/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng nêu rõ nhiều nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ các điểm nghẽn về nhân lực và hạ tầng, đưa ĐBSCL phát triển mạnh mẽ và đột phá, người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, ĐBSCL giữ vị thế hết sức quan trọng cả về chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng, trong giao thương với các nước ASEAN và tiểu vùng sông Mekong; có nhiều tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh như: Có diện tích tự nhiên và dân số lớn; có tiềm năng về địa hình phát triển giao thông; thuận lợi phát triển nông nghiệp; đầu tư vào ĐBSCL ngày càng được quan tâm hơn...
Thủ tướng cho biết, bên cạnh những thuận lợi, ĐBSCL còn nhiều khó khăn, hạn chế như: Quy mô kinh tế nhỏ; kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, thiếu và yếu; không đồng đều về môi trường đầu tư kinh doanh; thu hút FDI còn thấp; nhân lực vẫn còn là "điểm nghẽn"...
Trước thực tế trên, Thủ tướng Chính phủ đã nêu 10 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để phát triển ĐBSCL.
Nhiệm vụ đầu tiên là tiếp tục triển khai hiệu quả chương trình phòng, chống dịch Covid-19, không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, tạo thuận lợi cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; quyết liệt triển khai chiến lược tiêm vaccine, nhất là cho trẻ em từ 5-11 tuổi, tiếp tục tiêm mũi thứ 3, thứ 4.
Thủ tướng yêu cầu tập trung xây dựng các kế hoạch và đầu tư cơ sở vật chất nhằm đầu tư toàn diện cho giáo dục, đào tạo, nâng cao dân trí; đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao; tăng cường xây dựng các trường đào tạo nghề nhằm nâng cao tay nghề cho người lao động, nhất là đội ngũ lao động kỹ thuật, công nhân lành nghề, đáp ứng nhu cầu lao động cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư; xây dựng các trường đại học có thương hiệu trong nước và khu vực.
Về triển khai quy hoạch vùng ĐBSCL, Thủ tướng nhấn mạnh các địa phương vùng ĐBSCL cần tích cực triển khai quy hoạch vùng, coi đây là nhiệm vụ trong tâm trong thời gian tới; chủ động, quyết liệt hơn nữa trong việc triển khai các nhiệm vụ, chương trình, dự án đã được xác định trong quy hoạch; khẩn trương xây dựng, hoàn thành quy hoạch của từng địa phương.
Tinh thần là quy hoạch phải đi trước một bước, tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, sát thực tế, khả thi, phát huy được tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh sẵn có của các lĩnh vực, khu vực, địa phương và tháo gỡ, hóa giải những hạn chế, yếu kém, mâu thuẫn, thách thức, khó khăn, đồng thời tạo ra động lực mới, thu hút nguồn lực mới cho phát triển. Muốn phát triển tốt thì phải có quy hoạch tốt, vì quy hoạch tốt thì mới có chương trình, dự án tốt, có chương trình, dự án tốt thì mới có nhà đầu tư tốt.
Người đứng đầu Chính phủ lưu ý về phát triển hạ tầng trong giai đoạn tới cần tập trung tháo gỡ điểm nghẽn về hạ tầng giao thông và logistic, hạ tầng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, hạ tầng giáo dục, y tế, hạ tầng chuyển đổi số, chống biến đổi khí hậu để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL.
Trong đó, các tuyến cao tốc cần đi theo hướng tuyến thẳng nhất, ngắn nhất có thể, theo tinh thần "qua sông thì bắc cầu, qua núi thì đào hầm và qua đồng ruộng thì đổ đất"; không bám theo các khu dân cư để tránh phải dành chi phí lớn cho giải phóng mặt bằng, không tác động lớn tới đời sống người dân và tạo ra không gian phát triển mới.
Các địa phương cần nâng cao tinh thần tự chủ, tự lực, tự cường; nâng cao chất lượng quản trị, năng lực điều hành; chịu trách nhiệm đối với công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư; thúc đẩy triển khai các dự án hạ tầng được giao trên địa bàn, bảo đảm tiến độ, chất lượng.
Thủ tướng chỉ rõ cần đẩy mạnh và đa dạng hóa các chuỗi cung ứng, chuỗi liên kết, chuỗi sản xuất; ứng dụng khoa học công nghệ trong công nghiệp chế biến, công nghệ bảo quản sau thu hoạch với vùng vựa nông, thủy sản lớn nhất cả nước ở vùng ĐBSCL; đẩy mạnh hợp tác công tư và giải ngân vốn đầu tư công: Các bộ, ngành, địa phương phải cụ thể hóa Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, nhất là trong đầu tư cho lĩnh vực cơ sở hạ tầng chiến lược. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; đôn đốc, kiểm tra, giám sát chặt việc thực hiện. Đa dạng hóa nguồn tài chính, đẩy mạnh hợp tác công tư…
Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo đột phá trong cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch, bình đẳng, thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư là nhiệm vụ, giải pháp được Thủ tướng chỉ ra. Ông cũng lưu ý đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực. Tận dụng sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số.
Thủ tướng bày tỏ sự quan tâm tới việc khơi dậy và phát huy cao độ các giá trị truyền thống văn hóa, lịch sử, cách mạng hào hùng của quê hương, quan tâm đến an sinh xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau, không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Quan tâm đầu tư cho giáo dục và y tế, nhất là y tế dự phòng và y tế cơ sở, các chính sách xã hội, chăm lo các đối tượng chính sách, gia đình có công với cách mạng, Mẹ Việt Nam anh hùng, người nghèo, trẻ em khó khăn, người yếu thế trong xã hội.
Thủ tướng nhấn mạnh tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, thế trận lòng dân vững chắc; chủ động ứng phó, không để bị động, bất ngờ; giữ vững an ninh biên giới, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, an ninh, an toàn, an dân. Tiếp tục đẩy mạnh hội nhập quốc tế, phát triển mạnh kinh tế đối ngoại; tăng cường hợp tác chặt chẽ với các tỉnh biên giới.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Xây dựng hệ thống cơ quan hành chính đoàn kết, thống nhất cao, liêm chính, dân chủ; hành động thiết thực, hiệu lực, hiệu quả, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể phục vụ; bảo đảm công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Nhiệm vụ cuối cùng Thủ tướng nêu ra là phải có chương trình, giải pháp cụ thể để bảo vệ môi trường; không đánh đổi môi trường để đổi lấy tăng trưởng đơn thuần; tăng cường đổi mới và ứng dụng khoa học, công nghệ; đẩy mạnh chống biến đổi khí hậu, nhất là chống sạt, lún, xâm nhập mặn, triều cường; bảo vệ nguồn nước, nguồn lợi thủy sản; thúc đẩy chuyển đổi năng lượng sạch, tập trung phát triển điện gió, điện mặt trời.
Bên cạnh đó, người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu các bộ ngành cần phải phối hợp chặt chẽ, thực hiện quyết liệt, thực chất, hiệu quả các Nghị quyết, quy hoạch, kế hoạch hành động về phát triển ĐBSCL theo thẩm quyền, nếu gặp khó khăn, vướng mắc thì cùng thảo luận, bàn bạc, tập trung giải quyết.
Các đối tác phát triển, các nhà khoa học, các nhà đầu tư trong và ngoài nước tiếp tục chung tay; các cơ quan thông tấn, báo chí: Tích cực truyền thông, quảng bá về vùng đất, con người, văn hóa, lịch sử, về tiềm năng, thế mạnh của các tỉnh, thành phố nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung. Từ đó, góp phần tích cực vào quảng bá du lịch, xúc tiến đầu tư cho vùng.