Người phụ nữ suýt hoại tử khuỷu tay vì 'nghe thầy' đắp lá cây lên vết thương

Tin Y tế - Ngày đăng : 18:40, 20/06/2022

Ngại đi khám, nhiều bệnh nhân chọn cách 'nghe thầy' đắp các thứ lá cây lên vết thương dẫn đến tình trạng lở loét, nhiễm trùng gây nguy hiểm đến tính mạng.
289481078_2233627273471102_2002266442988867653_n.jpeg
Bệnh nhân suýt hoại tử vì nghe lời thầy đắp thuốc lá bó xương - Ảnh: BVCC

Nhiễm trùng vì bó xương bằng thuốc lá cây

Ngày 20/6, Bệnh viện Xuyên Á cho biết vừa tiếp nhận và điều trị cho một bệnh nhân nữ 61 tuổi, nghe theo lời khuyên của người quen, đắp thuốc lá cây lên vết thương dẫn đến nhiễm trùng khuỷu tay nặng. Bệnh nhân đến khám tại bệnh viện trong tình trạng đau nhiều, sốt nhiều ngày, khớp khuỷu trái sưng kèm những lỗ rò chảy mủ từ trong khớp.

Bệnh nhân chia sẻ khoảng 2 năm trước bắt đầu xuất hiện cơn đau vùng khớp khuỷu trái, cơn đau ban đầu nhẹ, dai dẳng, dần nặng lên.

Sau nhiều lần thăm khám bà được chẩn đoán viêm khớp khuỷu/ thoái hoá khớp khuỷu trái và uống thuốc điều trị nội khoa nhiều tháng liền, nhưng không giảm đau. Có bệnh vái tứ phương, nghe theo người quen giới thiệu, bệnh nhân tìm đến phương pháp chữa trị đắp thuốc, đắp lá cây tại một “thầy” nổi tiếng mát tay tại Tây Ninh với hy vọng chấm dứt cơn đau dai dẳng.

Sau vài tháng chữa trị, bệnh tình không những không thuyên giảm mà càng trở nặng hơn. Khuỷu trái càng lúc càng sưng to, tấy đỏ, bề mặt da xuất hiện nhiều mủ, rỉ dịch.

Tại Bệnh viện Xuyên Á, sau khi được sơ cứu vết thương, bác sĩ nhận định đây là một tình trạng nhiễm trùng nặng, bệnh nhân được chỉ định các xét nghiệm, siêu âm, X-quang cần thiết để hỗ trợ chẩn đoán và đưa ra kế hoạch điều trị phù hợp.

Kết quả cận lâm sàng cho thấy bệnh nhân có tình trạng nhiễm trùng khớp khuỷu, rò mủ ra da, vùng cơ quanh khớp bị viêm cơ hoá cốt, huỷ xương toàn bộ vùng đầu khớp, viêm xương tuỷ. Bệnh nhân được phẫu thuật bán cấp cứu trong ngày.

Ca phẫu thuật diễn ra suôn sẻ sau 30 phút, bệnh nhân được rạch thoát mủ, loại bỏ các phần hoại tử và cố định ngoài khớp khuỷu, cùng với đó lập hệ thống tưới rửa liên tục.

Sau 1 tuần điều trị theo dõi sát sức khoẻ, tình trạng nhiễm trùng trên bệnh nhân giảm dần, nước rửa từ đục chuyển thành trong, bệnh nhân ăn uống tốt dần và chấm dứt tình trạng đau nhức dai dẳng suốt 2 năm nay.

Trước đó, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận một bệnh nhi (20 tháng tuổi, ở Thanh Hóa) bị hoại tử nặng vùng đùi, bụng và bộ phận sinh dục do gia đình tự đắp thuốc lá chữa bệnh cho trẻ.

Bệnh nhi có tiền sử khỏe mạnh. Trước khi nhập viện 3 ngày, bé có mụn nhọt nhỏ ở dương vật kèm sưng đau bộ phận sinh dục.

Gia đình không đưa bé đi khám mà nghe hàng xóm mách, tự đắp lá thuốc vào chỗ nhọt cho bé. Vài giờ sau, chỗ đắp lá của bé bị sưng tím nhiều hơn, bé sốt cao liên tục và được gia đình đưa vào Bệnh viện Nhi Thanh Hóa cấp cứu.

Tại đây, bé được chẩn đoán bị sốc nhiễm khuẩn, nhiễm khuẩn huyết, hoại tử Fournier - một loại nhiễm trùng có khả năng phá hủy mô tế bào tại bộ phận sinh dục và khu vực lân cận, có tiến triển rất nhanh, tỉ lệ tử vong cao.

Sau khi nhập viện, bé đã được các bác sĩ tại Bệnh viện Nhi Thanh Hóa phẫu thuật hai lần để cắt bỏ những phần bị hoại tử. Tuy nhiên tình trạng của bé vẫn diễn biến nặng, sốc nhiễm khuẩn, vết loét hoại tử tiếp tục tiến triển nên đã được chuyển đến Bệnh viện Nhi trung ương.

Bé được phẫu thuật cắt lọc phần hoại tử và một phần vạt da (do vết loét quá rộng), chạy máy áp lực âm để hút dịch, máu, mủ khu vực nhiễm trùng, kích thích các tế bào ở vùng tổn thương phát triển. Hiện tại tình trạng nhiễm khuẩn của bé cải thiện hơn, tuy nhiên tiên lượng vẫn rất nặng.

24901941851899650410202602210111840451185611n-16354246955201910102890.jpeg
Bé trai suýt bị hoại tử bộ phận sinh dục vì cha mẹ đắp thuốc lá - Ảnh: BVCC

Chủ quan, ngại đi thăm khám

Các bác sĩ tại Bệnh viện Nhi trung ương cho biết thời gian qua, dù đã có rất nhiều cảnh báo về các biến chứng nặng nề có thể gặp phải khi đắp lá cây để xử lý vết thương, vết mụn nhọt, tuy nhiên vẫn có những gia đình do chủ quan, ngại đến cơ sở y tế nên tự ý điều trị tại nhà, dẫn đến hậu quả đáng tiếc.

Đáng nói là những loại lá cây được mọi người "mách" nhau nhưng không phải ai cũng biết rõ công dụng hay tác hại của nó, mà chỉ nghe qua lời giới thiệu của bạn bè, người thân hoặc thậm chí là các thông tin không chính thống trên mạng xã hội.

Các bác sĩ cho biết đắp lá cây vào vết thương là việc làm rất nguy hiểm, có thể khiến vết thương viêm nhiễm lan rộng hơn hoặc từ không viêm nhiễm trở nên viêm nhiễm. Nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết, gây ra viêm mủ màng tim, apxe phổi, viêm mủ màng phổi, viêm xương tủy xương, thậm chí tử vong hoặc để lại những di chứng suốt đời cho trẻ.

BS.CKI Nguyễn Duy Toàn - chuyên khoa chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Xuyên Á - cho biết hiện nay nhiều người vẫn còn rất chủ quan về vấn đề sức khoẻ của mình, hay nghe theo những phương pháp chữa mẹo, chữa dân gian… cả tin vào các quảng cáo trên internet về các phương pháp chữa bệnh không có cơ sở khoa học.

Biến chứng của các phương pháp này khó lường, từ nhiễm trùng, đến tàn phế, đôi khi vào tình trạng nguy kịch sốc nhiễm trùng nhiễm độc. Với những trường hợp gãy xương, đau nhức xương khớp, người dân không nên đắp thuốc, đắp lá, hay xoa bóp bằng các loại dầu/ rượu… mà hãy đến khám tại các cơ sở khám chữa bệnh uy tín có chuyên khoa cơ- xương- khớp để được chẩn đoán và điều trị đúng.

ANH ĐÀO