Nghị định mới về các bộ, ngành sẽ là "cuộc cách mạng" cơ cấu tổ chức

Xã hội - Ngày đăng : 16:54, 20/06/2022

Bộ Nội vụ đang tham mưu xây dựng dự thảo nghị định của 26 bộ, ngành và "làm xong sẽ là một cuộc cách mạng", theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà.

Chủ trì cuộc họp báo thường kỳ của sáng 20/6, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho hay Ban Chỉ đạo đổi mới sắp xếp các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đang xem xét, cho ý kiến đối với dự thảo nghị định mới về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của 26 bộ, ngành.

Nhấn mạnh khi làm xong các nghị định này sẽ là "một cuộc cách mạng", tuy nhiên bà Trà cho hay "rào cản lớn nhất là sự đồng thuận và nhận thức, quyết tâm thực hiện".

Thông tin thêm, ông Vũ Hải Nam, Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Biên chế (Bộ Nội vụ) cho biết, qua rà soát có 4 bộ, cơ quan ngang bộ gồm Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, được đề xuất giữ nguyên cơ cấu tổ chức.

Nghị định mới về các bộ, ngành sẽ là cuộc cách mạng cơ cấu tổ chức - 1

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà thông tin tại cuộc họp báo sáng 20/6 (Ảnh: Thanh Tuấn).

Theo Bộ trưởng Nội vụ, đến hết năm 2021, cả nước đã giảm 561 xã, 8 huyện, 2.099 phòng và tương đương phòng cấp tỉnh, cấp huyện. Việc sắp xếp đơn vị sự nghiệp thuộc các bộ, cơ quan ngang bộ sẽ tiếp tục được thực hiện theo tinh thần "những đơn vị phục vụ trực tiếp nhiệm vụ quản lý nhà nước thì giữ lại, các đơn vị khác có thể phân cấp cho địa phương hoặc chuyển sang cơ chế tự chủ".

Bộ Nội vụ đã đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ và cắt giảm các loại chứng chỉ như bỏ chứng chỉ về tin học, ngoại ngữ, các loại chứng chỉ bồi dưỡng khác… Bộ cũng chỉ chủ trì thi nâng ngạch, thăng hạng lên chuyên viên cao cấp để bảo đảm tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các bộ, ngành và địa phương trong công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức.

"6 tháng đầu năm 2022 và năm 2021 là sự nỗ lực vượt bậc của Bộ Nội vụ trên các lĩnh vực quản lý nhà nước", Bà Trà nói.

Bao giờ kiểm định chất lượng đầu vào công chức?

Trả lời thắc mắc của PV Dân trí về thời điểm bắt đầu thực hiện ông Nguyễn Tuấn Ninh, Vụ trưởng Vụ Công chức - Viên chức cho biết, thời gian qua, Bộ Nội vụ đã phối hợp với Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức 3 cuộc hội thảo tại 3 miền để góp ý dự thảo Nghị định về nội dung này.

Sau khi dự thảo hoàn thiện, Bộ sẽ gửi xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương và đăng tải công khai để người dân góp ý.

Nghị định mới về các bộ, ngành sẽ là cuộc cách mạng cơ cấu tổ chức - 2

Ông Nguyễn Tuấn Ninh, Vụ trưởng Vụ Công chức - Viên chức (Ảnh: Thanh Tuấn).

"Luật Cán bộ, công chức sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/7/2020 nên việc thống nhất kiểm định chất lượng đầu vào công chức phải được thể chế hóa bằng văn bản quy phạm pháp luật và có hiệu lực áp dụng ngay chứ không phải thí điểm nữa", ông Nguyễn Tuấn Ninh nói, cho hay Chính phủ đã yêu cầu Bộ Nội vụ khẩn trương thể chế hóa bằng nghị định. Khi nghị định nêu trên có hiệu lực, tất cả các kỳ tuyển dụng công chức trên cả nước phải được áp dụng thống nhất chứ không áp dụng quy định về tuyển dụng công chức như hiện nay.

Theo ông Ninh, dự kiến dự thảo nghị định sẽ được hoàn thiện và trình Chính phủ ban hành trong tháng 9/2022.

Thế Kha