Phép thử cho phương Tây trước tâm lý "mệt mỏi" vì chiến sự Ukraine

Đối ngoại - Ngày đăng : 16:24, 20/06/2022

Bão" trừng phạt nhằm vào Nga vì mở chiến dịch quân sự ở Ukraine được xem cũng khiến phương Tây "thấm mệt", và câu hỏi được đặt ra là họ sẽ chịu đựng tình trạng này được thêm trong bao lâu.
Phép thử cho phương Tây trước tâm lý mệt mỏi vì chiến sự Ukraine - 1

Thủ tướng Italy Mario Draghi (trái) và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khảo sát thiệt hại do chiến sự ở Irpin, Ukraine (Ảnh: AP).

Ngày 18/6, trong bài phát biểu sau chuyến thăm Ukraine, Thủ tướng Anh Boris Johnson cảnh báo về nguy cơ xuất hiện tâm lý "mệt mỏi" ở phương Tây do chiến sự Moscow - Kiev kéo dài. Ông Johnson lo ngại các nước sẽ giảm viện trợ cho Ukraine khi chính họ cũng đang phải đối mặt với các vấn đề nội bộ phức tạp mà phần lớn do các lệnh trừng phạt áp lên Nga tạo ra.

Trong những tháng qua, người dân châu Âu đã trải nghiệm giá năng lượng tăng phi mã, kéo theo lạm phát cũng tăng vọt. Các lệnh trừng phạt nhằm vào ngành năng lượng Nga khiến giá dầu và khí đốt toàn cầu tăng mạnh.

Nhưng đó chỉ là một trong những yếu tố khiến phương Tây "mệt mỏi". Chiến sự làm gián đoạn xuất khẩu lương thực từ 2 "vựa lúa mì" Nga và Ukraine ra thế giới, ẩn chứa hàng loạt nguy cơ xảy ra nạn đói ảnh hưởng tới hàng triệu người. Trong khi đó, châu Âu cũng chật vật khi tiếp nhận làn sóng di cư từ Ukraine sang.

Những tác động về kinh tế tạo nên một vấn đề về chính trị cho chính phủ các nước phương Tây: Nếu muốn Nga tổn thương vì lệnh cấm vận, các quốc gia ban hành biện pháp trừng phạt cũng phải chấp nhận "làm đau" chính mình.

"Tác động đã thực sự diễn ra. Tất nhiên, nỗi đau từ các lệnh trừng phạt ở Nga cao hơn nhiều so với phương Tây, nhưng khả năng chịu đựng của phương Tây thấp hơn", Nathalie Tocci, giám đốc Viện Các vấn đề Quốc tế của Italy, nhận định.

Chuyên gia trên cho rằng, câu hỏi được đặt ra lúc này là bên nào sẽ thắng thế giữa khả năng tiếp tục cuộc chiến của Nga hay khả năng chịu đựng "nỗi đau" về kinh tế của phương Tây.

Phép thử về sức chịu đựng

Cho tới lúc này, các lệnh cấm vận dù biến Nga trở thành quốc gia bị trừng phạt nhiều nhất thế giới, nhưng quyết tâm của Moscow chưa có dấu hiệu bị lay chuyển.

Tổng thống Nga Vladimir Putin cuối tuần qua nói rằng, các lệnh trừng phạt của phương Tây "không có khả năng thành công ngay từ đầu. Chúng ta những người mạnh mẽ và có thể đối mặt với bất cứ thách thức nào".

Trong khi đó, sau gần 4 tháng chiến sự, sự lo lắng ở Italy và các quốc gia láng giềng đã dâng cao thể hiện qua một khảo sát của Hội đồng châu Âu về quan hệ đối ngoại.

Hầu hết người được hỏi đều chỉ trích Nga về cuộc chiến, nhưng họ lại chia rẽ về chiến lược ứng phó với Moscow.

Tại Đức và Pháp, khoảng 40% ủng hộ giải pháp "hòa bình": Họ muốn cuộc chiến kết thúc càng nhanh càng tốt, dù điều đó có thể phải khiến Ukraine nhượng bộ Nga về lãnh thổ. Khoảng 20% ủng hộ giải pháp "công lý": Họ muốn Nga không đạt được mục tiêu, dù chiến sự có thể kéo dài thêm nữa.

Tại Italy, khoảng 52% ủng hộ giải pháp "hòa bình".

Chuyến thăm của các lãnh đạo châu Âu gồm Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Thủ tướng Italy Mario Draghi tới Ukraine tuần qua đã nhấn mạnh lại thông điệp sẽ hỗ trợ Ukraine.

Tuy nhiên, phát biểu của các lãnh đạo lại không nhắc tới điều mà Ukraine mong muốn nhất lúc này: Phương Tây tăng tốc chuyển vũ khí cho Kiev.

Sau đó, Nga thông báo giảm lượng khí đốt sang châu Âu vì vấn đề kỹ thuật. Một số nước EU bác bỏ lời giải thích của Nga, cho rằng đây là động thái có động cơ chính trị. Giá khí đốt tiếp tục tăng vọt, trong khi một số nước châu Âu bắt đầu khởi động lại điện than trước nguy cơ thiếu năng lượng

Giới quan sát cho rằng, động thái của Nga dường như phát đi thông điệp rằng, Moscow có thể chủ động gây ra "nỗi đau" kinh tế cho phương Tây.

Mỹ dù không bị ảnh hưởng bởi khí đốt Nga, nhưng giá dầu tăng vọt là một yếu tố đã khiến nước này hứng chịu lạm phát cao kỷ lục trong 40 năm qua. Công chúng Mỹ bắt đầu lung lay quan điểm ủng hộ Ukraine trong chiến sự với Nga - dù phản ứng là ít nghiêm trọng hơn châu Âu.

Vào tháng 4, một cuộc thăm dò của AP cho thấy đa số cử tri Mỹ nghĩ rằng Washington nên áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn đối với Nga, ngay cả khi điều đó có gây ra tổn thất kinh tế. Đến tháng 5, phần lớn đã thay đổi khi 51% cho biết ưu tiên hàng đầu nên là hạn chế thiệt hại cho nền kinh tế Mỹ.

Tháng trước, cây viết Gideon Rachman của Financial Times nhận định rằng, cuộc chiến ở Ukraine đang diễn ra trên 3 mặt trận - và phương Tây tham gia vào cả 3. Ông viết: "Mặt trận đầu tiên là chiến trường. Mặt trận thứ hai là kinh tế. Mặt trận thứ ba là ý chí".

Câu hỏi đặt ra là trong phép thử về mặt ý chí, liệu sức chịu đựng của phương Tây có thể thắng thế trước Nga hay không?

Đức Hoàng