Vì sao số người uống rượu đi xe đạp bị bắt vào ban đêm đang gia tăng ở Seoul?

Đối ngoại - Ngày đăng : 14:09, 20/06/2022

Cuộc chiến taxi ban đêm” khiến ngày càng nhiều người dân ở thủ đô Seoul bị cảnh sát bắt vì uống rượu nhưng vẫn đạp xe về nhà.

Số lượng người dân ở thủ đô Seoul của Hàn Quốc bị cảnh sát bắt giữ vì có nồng độ cồn trong cơ thể vượt ngưỡng cho phép theo luật an toàn giao thông nhưng vẫn đạp xe về nhà vào ban đêm đang ngày càng gia tăng. Một phần nguyên nhân dẫn tới tình trạng này xuất phát từ “cuộc chiến taxi ban đêm” hay nói cách khác là sự thiếu hụt trầm trọng taxi hoạt động về đêm ở khu vực thủ đô của Hàn Quốc.

Theo Korea Times, dữ liệu gần đây của cảnh sát Hàn Quốc cho thấy số vụ uống rượu bia nhưng vẫn đạp xe xảy ra ở Seoul từ ngày 18/4 – 16/5 là 72 vụ, tăng 41% so với con số 51 vụ trong khoảng thời gian từ 20/3 – 17/4.

Vì sao số người uống rượu đi xe đạp bị bắt vào ban đêm đang gia tăng ở Seoul?
Gia tăng số người uống rượu nhưng vẫn đi xe đạp bị cảnh sát bắt ở Seoul. (Ảnh minh họa)

Kể từ ngày 18/4, khi chính phủ Hàn Quốc cho xóa bỏ các biện pháp giãn cách xã hội liên quan tới giới hạn quy mô tụ tập cá nhân và giờ hoạt động của các quán bar và nhà hàng, nhiều người rơi vào cảnh khó có thể kiếm được một chiếc taxi để về nhà trong giờ cao điểm vào ban đêm. Do đó, họ không còn cách nào khác là tự đạp xe về nhà.

Theo Luật Giao thông Đường bộ của Hàn Quốc, đạp xe đạp nhưng trong người có nồng độ cồn là bất hợp pháp. Kể từ tháng 9/2018, những người tham gia giao thông bị phát hiện đạp xe đạp hoặc điều khiển các phương tiện khác mà nồng độ cồn trong máu (BAC) từ 0,03% trở lên có thể bị phạt hành chính 30.000 won.

Hiện tại, cảnh sát Seoul ghi nhận sau khi uống rượu bia, ngày càng nhiều người dân thủ đô sử dụng Ttareungyi, dịch vụ chia sẻ xe đạp công cộng ở nội đô.

Chính quyền thủ đô Seoul cho biết những người sử dụng Ttareungyi, nhưng bị bắt vì uống rượu bia vẫn đạp xe sẽ bị cấm sử dụng dịch vụ trong một năm. Nhưng chính quyền thành phố thừa nhận họ khó có thể phát hiện được các trường hợp vi phạm vì thiếu thông tin liên kết.

“Chúng tôi từng yêu cầu các cơ quan hành pháp chuyển thông tin về những người dùng Ttareungyi dù đã uống rượu bia, nhưng họ không hồi đáp”, một quan chức tại thủ đô Seoul cho hay.

Trên thực tế, tình trạng khó bắt taxi vào ban đêm đã xảy ra trước khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện ở Hàn Quốc, và vấn nạn này càng trở lại nghiêm trọng hơn sau khi các quy định phòng dịch được gỡ bỏ để người dân trở lại cuộc sống bình thường.

Khi các nhà hàng và quán bar được phép mở lại và hoạt động tới tận đêm khuya, chuyện gọi taxi chính là thử thách với những người hay đi về đêm muộn.

Hàn Quốc là quốc gia có số lượng taxi nhiều nhất trên thế giới khi tính theo đầu người. Hiện tại, số lượng taxi đăng ký ở Hàn Quốc là gần 250.000, tương đương cứ 206 người có 1 chiếc taxi phục vụ.

Nhưng tại sao nhiều người lại không thể bắt được taxi về nhà vào ban đêm? Nguyên nhân là do cước taxi thấp, trong khi số lượng lao động nhiều khiến ngày càng nhiều tài xế nghỉ lái. Thêm vào đó, Hàn Quốc ghi nhận tình trạng số lượng taxi chạy không có khách trên đường rất đông, nhưng vào ban đêm lại không có.

Hàn Quốc là một trong những quốc gia có phí taxi rẻ nhất trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), bởi chính phủ Hàn Quốc xem taxi là một dạng giao thông công cộng nên thi hành các biện pháp nhằm kiểm soát giá dịch vụ.

Kết quả là các tài xế trẻ chuyển nghề sang làm những công việc khác như vận chuyển hàng hóa và giao đồ ăn, còn các công ty điều hành taxi gặp khó để giữ chân tài xế. Ngoài ra, những tài xế tuổi cao thường không thích làm đêm. Trong khi, hơn 1/2 tài xế taxi ở Seoul hiện trên 65 tuổi.

Một trong những giải pháp khả thi nhất được đề xuất để khuyến khích tài xế taxi đi làm ban đêm là triển khai “hệ thống phí taxi linh hoạt”. Theo đó, trong khung giờ hoạt động từ đêm tới 4h sáng, tài xế sẽ được trả thêm tiền và đây sẽ là động lực để họ đi làm.

Minh Thu (lược dịch)