Cổ phiếu giảm liên tục xuống dưới mệnh giá, 2 lần ĐHCĐ thất bại vì cổ đông không dự
Tài chính ngân hàng - Ngày đăng : 10:20, 20/06/2022
Từ 13/6 đến 17/6 và tính rộng hơn từ 7/1 đến 17/6, cổ phiếu LDG (Công ty cổ phần Đầu tư LDG) giảm gần 70% từ 27.300 đồng về 8.290 đồng/cổ phiếu.
Theo quy định, các doanh nghiệp trong thời hạn 24 giờ kể từ khi giá cổ phiếu tăng trần hoặc giảm sàn từ 5 phiên liên tiếp trở lên phải báo cáo, công bố thông tin liên quan đến công ty có ảnh hưởng đến biến động giá cổ phiếu.
LDG cho biết nhận được công văn của HOSE yêu cầu LDG giải trình về việc cổ phiếu công ty giảm sàn liên tục từ ngày 13/6 đến ngày 17/6.
Trong giải trình, LDG cho biết, công ty vẫn hoạt động bình thường, không có biến động gì xấu ảnh hưởng đến giá cổ phiếu. Đồng thời, doanh nghiệp lý giải giá cổ phiếu giả là do cung cầu của thị trường và thị hiếu của nhà đầu tư nằm ngoài tầm kiểm soát của doanh nghiệp.
Ngày 2/6, LDG tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên lần 2 nhưng không đủ điều kiện tiến hành do chỉ có cổ đông đại diện cho 30,2% tổng số cổ phiếu biểu quyết tham gia. Công ty sẽ tổ chức cuộc họp lần 3 vào ngày 30/6 tới đây.
Tương tự, CTCP Louis Capital (TGG) giải trình về giá cổ phiếu giảm sàn 5 phiên liên tiếp từ ngày 10/6 đến ngày 16/6. Mã cổ phiếu này từ 6.850 đồng/cổ phiếu xuống chỉ còn 4.790 đồng/cổ phiếu, tương đương giảm 43%.
Theo giải trình từ phía công ty, ông Ngô Thục Vũ, Tổng giám đốc TGG giải trình nguyên nhân dẫn đến cổ phiếu giảm sàn nhiều phiên do tác động từ thông tin người đứng đầu Louis Holdings đã bị bắt, gây ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động của các đơn vị thành viên và giá cổ phiếu của Công ty.
Bên cạnh đó, do biến động chung của thị trường chứng khoán trong nước, cổ phiếu công ty giảm chung với xu hướng của thị trường.
Một cổ phiếu khác trong lĩnh vực bất động sản cũng giảm giá mạnh là DIG (Tổng Công ty CP Đầu tư Phát triển Xây dựng). Tuy nhiên, DIG lại may mắn không phải giải trình trong do có một phiên 14/6 giảm 6,8% xen kẽ giữa 4 phiên sàn.
Từ 31/5 đến 16/6, DIG giảm từ vùng 60.000 đồng xuống còn khoảng 36.000 đồng/cổ phiếu. Trước đó, DIG từng có giá lên trên 120.000 đồng/cổ phiếu.
Trước diễn biến giảm giá, DIG đã có văn bản gửi Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) yêu cầu cung cấp danh sách cổ đông chốt từ ngày 31/5 đến 16/6 để cập nhật cơ cấu cổ đông.
Tháng 4, CTCP Kinh doanh địa ốc Him Lam đã bán ra tổng cộng 25,6 triệu cổ phiếu DIG, giảm sở hữu từ gần 52,7 triệu cổ phiếu xuống 24,9 triệu cổ phiếu. Him Lam không còn cổ đông lớn nên giao dịch không cần công bố thông tin.
CTCP Đầu tư phát triển Thiên Tân cũng bán 1,85 triệu cổ phiếu DIG với mục tiêu giảm tỷ lệ sở hữu. Sau giao dịch, công ty này còn sở hữu 88,5 triệu cổ phiếu DIG, tỷ lệ nắm giữ giảm từ 18,07% xuống 17,7%.
Diễn biến tiêu cực
Theo SHS, thị trường chứng khoán giảm điểm trong 3/5 phiên giao dịch với mức giảm mạnh (đều trên 1%) và hồi phục trong 2 phiên giao dịch còn lại vào thứ 3 và thứ 5 với mức hồi yếu hơn.
Kết thúc tuần giao dịch từ 13 - 17/6, VN-Index giảm 66,78 điểm xuống 1.217,3 điểm, HNX-Index giảm 26,38 điểm xuống 280,06 điểm.
Giá trị giao dịch trên HOSE tăng 6,6% so với tuần trước đó với 78.029 tỷ đồng; giá trị giao dịch trên HNX tăng 16% so với tuần trước đó với 10.253 tỷ đồng.
Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) cho biết, cùng với diễn biến tiêu cực của thị trường thế giới, VN-Index cũng đang trong diễn biến tiêu cực. Ngưỡng 1.200 điểm đã thành công giúp chỉ số 2 lần hồi phục trong tuần và trở thành ngưỡng cân bằng ngắn hạn. Nếu ngưỡng này bị xuyên thủng, đơn vị này lo ngại rủi ro VN-Index sẽ hình thành xu hướng giảm điểm tại các chu kỳ ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.
Trong khi đó, SSI cho biết, dù thị trường biến động, nhưng cổ phiếu cơ bản vẫn hút tiền. Chỉ số VN-Index hình thành nến rút chân vào cuối phiên cuối tuần (17/6) nên có thể tạo đà hồi phục vào đầu phiên tới với vùng mục tiêu gần là khu vực 1.223 - 1.230 điểm. Dù vậy, với xu hướng giảm ngắn hạn vẫn đang duy trì, VN-Index có thể sẽ phải kiểm tra lại vùng hỗ trợ mạnh 1.200 điểm sau nhịp hồi phục kể trên.
Duy Anh