Nhà ngoại giao kỳ cựu Chas Freeman: Kỳ bầu cử Mỹ tiếp theo là giai đoạn nguy hiểm nhất với Đài Loan

Đối ngoại - Ngày đăng : 09:53, 20/06/2022

Năm 2024 và 2025 có thể là thời điểm nguy hiểm nhất đối với Đài Loan nếu như một vị Tổng thống ủng hộ hòn đảo này độc lập đắc cử hay kết quả bầu cử bị thách thức, theo nhà ngoại giao kỳ cựu Chas Freeman.

Nhà ngoại giao kỳ cựu Chas Freeman (Ảnh: Handout)

Nhà ngoại giao kỳ cựu Chas Freeman (Ảnh: Handout)

Ông Chas Freeman nói trong cuộc phỏng vấn với Week in China: “Nếu trong năm 2024, bầu cử Mỹ mang tới quyền lực cho những người cánh hữu có quan điểm ủng hộ Đài Loan độc lập – như ông Mike Pompeo trước đây – thì đó sẽ là sự thách thức trực diện đối với Bắc Kinh, và Luật Chống ly khai của nước này quy định rằng sẽ phải đáp trả bằng quân sự.”

Freeman – người làm phiên dịch viên cho Tổng thống Richard Nixon trong chuyến thăm đột phá tới Bắc Kinh năm 1972 để tạo nền tảng cho sự phục hồi quan hệ ngoại giao giữa hai bên – nói rằng giai đoạn giữa kỳ bầu cử Mỹ tháng 11/2024 và lễ tuyên thệ của tân Tổng thống mới vào tháng 1/2025 có thể là giai đoạn nguy hiểm nhất.

Ông cảnh báo rằng nếu giai đoạn chuyển tiếp này xảy ra sự hỗn loạn, hoặc nếu có một nỗ lực thách thức kết quả bầu cử tương tự như của ông Donald Trump trong sự kiện Đồi Capitol vào tháng 1 năm ngoái, đó sẽ là một khoảnh khắc “lôi cuốn” đối với bất cứ ai – chứ không chỉ Trung Quốc – đang muốn thách thức nước Mỹ.

“Câu hỏi này sẽ sẽ dành cho phía Trung Quốc…liệu họ kết luận rằng họ không thể làm việc với chính quyền tiếp theo của Mỹ, và chính quyền mới này cam kết theo đuổi các cam kết đối đầu với Bắc Kinh liên quan tới các vấn đề Đài Loan hay không?”, Freeman nói với tạp chí điện tử có trụ sở tại Hong Kong.

Ông nói rằng sẽ có nhiều sự bất trắc xuất hiện và gây ra “sức ép kinh khủng” đối với Bắc Kinh, buộc họ phải tăng tốc những kế hoạch tấn công Đài Loan, dù cho phía Trung Quốc “không hề muốn xảy ra một cuộc chiến tranh.”

“Có quan ngại rằng Bắc Kinh sẽ hoàn tất công tác chuẩn bị cho các chiến dịch quân sự mà họ đã lên kế hoạch”, ông Freeman nói. Ông thêm rằng, mặc dù bất cứ cuộc tấn công nào cũng đều khó khăn, nhưng nó “không quá khó như nhiều người tưởng tượng, bởi quân đội Trung Quốc có đủ khả năng triển khai bộ binh, lính dù và nhiều đơn vị quân sự khác theo những cách mới.”

Ông cũng nói rằng Đài Loan có thể không đủ khả năng tự vệ một cách hiệu quả giống như Ukraine đã làm trong cuộc chiến với Nga.

“Đài Loan không có một hàng phòng thủ lãnh thổ. Các lực lượng vũ trang của họ thường có xu hướng mua những loại vũ khí đắt tiền, hào nhoáng hơn là tập trung huấn luyện cho kiểu chiến tranh mà Ukraine đang thực hiện”, ông nói.

Nhà ngoại giao kỳ cựu của Mỹ - người đã bỏ ra nhiều năm sống tại Đài Loan để học tiếng – nói rằng có thể đã quá muộn để Đài Loan học cách tăng cường sức mạnh quân sự như kiểu của Ukraine.

“Họ có một quãng đường rất dài và bất cứ ai nhìn vào những vấn đề mà Đài Loan đang gặp phải – như số lượng phi công, máy bay hạn chế của hòn đảo này, hay thời lượng nhập ngũ 4 tháng là không đủ để huấn luyện đạt yêu cầu – cũng đều cảm thấy rất quan ngại”, ông nói.

“Không có lý do gì mà Trung Quốc lại áp dụng hướng tiếp cận dần dần để tạo cho Mỹ cơ hội cân nhắc lựa chọn và sau đó can thiệp…Nếu họ có động thái, động thái đó sẽ phải đưa ra một cách đột ngột, và với toàn lực, với tốc độ cực nhanh, trong đó bao gồm việc tiêu diệt các lãnh đạo ở Đài Bắc và phá hủy các cơ sở hạ tầng của Đài Loan”, ông nói thêm.

Ông cũng cảnh báo rằng những ưu tiên của Mỹ đối với Trung Quốc là sai lầm và mang tính chất đối đầu quá nhiều. Ông nói: “Ưu tiên đó nên tập trung vào sự hợp tác vào các lĩnh vực mang lại lợi ích chung. Ví dụ như biến đổi khí hậu, các vấn đề an ninh của châu Á, các cơ chế quốc tế có thể giúp tăng cường hoạt động đầu tư và thương mại.”

Ông cũng chỉ trích cả ông Mike Pompeo lẫn phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên – một trong những nhà ngoại giao “Chiến lang” nổi nhất hiện nay – nói rằng hướng tiếp cận đối đầu của họ đã gây ra “tổn thất lớn đối với hình ảnh đất nước họ”.

“Cả hai người này đều góp phần vào sự bất hòa mà nay đã tăng lên tới mức mà họ thậm chí còn nói về khả năng xảy ra một cuộc chiến”, ông nói thêm.

Zhou Chenming, một nhà nghiên cứu đến từ Viện Khoa học và Công nghệ quân sự Yuan Wang ở Bắc Kinh, nói rằng Đài Loan là một vấn đề mà Bắc Kinh thấy là không có chỗ để thỏa hiệp.

“Chỉ có vấn đề Đài Loan là có rủi ro sẽ gây ra xung đột đột quân sự giữa quân đội Trung Quốc và Mỹ”, ông nói.

Huyền Chi