Tây Ninh trở thành 'thủ đô' của ngành chế biến tinh bột khoai mì
Xã hội - Ngày đăng : 20:35, 19/06/2022
Sáng 17/6, UBND tỉnh Tây Ninh tổ chức họp báo cung cấp thông tin tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và phương hướng 6 tháng cuối năm 2022.
Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNN) tỉnh Tây Ninh cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2022, tình hình sản xuất nông nghiệp của tỉnh tương đối ổn định, các cây trồng, vật nuôi sinh trưởng, phát triển tốt.
Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm 6 tháng đầu năm 2022 trên địa bàn tỉnh đạt 156.873ha (bằng 99,8% so với cùng kỳ); số lượng đàn vật nuôi tăng so với cùng kỳ nhất là đàn gia cầm tăng 22,4% (đạt 8,9 triệu con) và đàn heo tăng 10,9% (đạt trên 219 ngàn con).
Theo ông Xuân, Tây Ninh đang là "thủ đô" của ngành chế biến tinh bột khoai mì. Hiện người dân đang chuyển dần qua nông nghiệp có chứng nhận, tìm ra những giống khoai mì ít bệnh tật và đạt năng suất cao.
"Thời gian qua, năng suất khoai mì đạt 33 tấn/ha, biến Tây Ninh thành tỉnh có năng suất lớn nhất cả nước. Ngoài ra còn nhập khẩu 3 - 4 triệu tấn khoai mì tươi từ Campuchia, Bình Phước để chế biến tinh bột khoai mì", ông Xuân nói.
Ông Xuân cho biết thêm, từng là tỉnh chậm về chăn nuôi nay Tây Ninh đã vươn lên mạnh mẽ. Trên địa bàn tỉnh hiện có 634 trang trại gia súc với tổng đàn 194.716 con và 102 trang trại gia cầm với tổng đàn 6,1 triệu con.
"Nhờ đi sau nên các trang trại của tỉnh đều áp dụng công nghệ cao trong sản xuất như hệ thống thức ăn tự động, dùng công nghệ thông tin quản lý đàn và dịch bệnh... Những sản phẩm từ chăn nuôi có liên kết với những công ty lớn và có khả năng xuất khẩu, trong đó gà đông lạnh đủ tiêu chuẩn qua những thị trường các nước", ông Xuân cho hay.
Giám đốc Sở NN&PTNN Tây Ninh đánh giá, việc ứng dụng tiến bộ, khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh từng bước hình thành nền nông nghiệp xanh, sạch và có bước chuyển biến đáng kể, góp phần gia tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất đáp ứng yêu cầu thay đổi, đa dạng của thị trường.
Tuy nhiên, việc phát triển sản xuất nông nghiệp xanh, sạch vẫn còn ở quy mô nhỏ, lẻ, chưa tương xứng với tiềm năng. Việc duy trì sản xuất theo tiêu chuẩn nông nghiệp tốt vẫn còn nhiều khó khăn do thị trường tiêu thụ không ổn định. Vì vậy, thời gian tới ngành sẽ thực hiện hỗ trợ áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP.