Pháp 'nóng' cuộc đua bầu cử Quốc hội vòng hai

Đối ngoại - Ngày đăng : 09:06, 19/06/2022

Hôm nay (19/6), Pháp bước vào vòng hai cuộc bầu cử Quốc hội khóa XVI của nền Đệ ngũ Cộng hòa trong bầu không khí "nóng", cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Pháp 'nóng' cuộc đua bầu cử Quốc hội vòng hai. (Nguồn: AA)
Theo kết quả khảo sát của Ipsos-Sopra Steria, khoảng 53% số người được hỏi tỏ ý muốn phe ủng hộ Tổng thống Emmanuel Macron chiếm đa số trong Quốc hội Pháp. (Nguồn: AA)

Chiến dịch vận động tranh cử đã kết thúc vào 24h ngày 17/6. Do 5 ứng cử viên đã trúng cử ngay vòng một, nên 572 ghế còn lại sẽ là cuộc đua của 1.148 ứng cử viên, với 43% là nữ giới.

Trong số 5 ứng cử viên trúng cử ngay tại vòng một có 4 nhân vật của cánh tả và 1 người thuộc phe ủng hộ Tổng thống Emmanuel Macron.

Khẳng định cục diện chính trường

Cuộc đua vòng hai tiếp tục chứng kiến sự có mặt 15 bộ trưởng của chính phủ mới và Thủ tướng Elisabeth Borne. Đa số ứng cử viên này đều đạt được số phiếu khá cao trong vòng một nhưng vẫn chưa đủ điều kiện để tránh được vòng hai.

Kết quả thăm dò mới nhất do Viện Ipsos-Sopra Steria thực hiện cho vòng hai cho thấy các ứng cử viên của liên đảng Ensemble! (Tập hợp) thân Tổng thống gồm các đảng Cộng hòa tiến bước, Phong trào Dân chủ và Những chân trời sẽ giành được từ 265-305 ghế.

Đối thủ chính của Ensemble! là liên đảng cánh tả NUPES gồm các đảng Nước Pháp bất khuất, đảng Xã hội, đảng Châu Âu sinh thái - Xanh và đảng Cộng sản Pháp hy vọng giành được từ 140-180 ghế.

Đứng thứ ba là Liên đảng cánh hữu Những người Cộng hòa, Liên minh các đảng viên Dân chủ và Độc lập nhận được từ 60-80 ghế. Về vị trí thứ 4 là đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia có thể giành được từ 20-50 ghế. Số ghế còn lại được giành cho những đảng phái khác, bao gồm các vùng lãnh thổ hải ngoại.

Cũng theo kết quả khảo sát của Ipsos-Sopra Steria, chỉ có khoảng 53% số người được hỏi tỏ ý muốn phe ủng hộ Tổng thống Macron chiếm đa số trong Quốc hội để tạo điều kiện cho ông tiến hành các chương trình cải cách trong nhiệm kỳ hai.

Ngược lại, 46% muốn phe cánh tả giành được đa số ghế mở đường cho thủ lĩnh Jean-Luc Mélenchon trở thành Thủ tướng và áp dụng chương trình hành động của ông.

Kết quả thăm dò dư luận diễn ra trước vòng hai bầu cử Quốc hội Pháp một lần nữa khẳng định cục diện chính trường nước này hiện nay, gồm liên minh trung hữu ủng hộ Tổng thống Emmanuel Macron, liên minh cánh tả tập hợp xung quanh đảng Nước Pháp bất khuất của ông Jean-Luc Mélenchon, và đứng thứ ba vẫn là đảng Những người Cộng hòa thuộc cánh hữu.

Đảng Tập hợp quốc gia của bà Marine Le Pen lần này có thể giành được số ghế nhiều hơn so với Quốc hội khóa trước, trong khi liên minh Ensemle! của Tổng thống Macron có nguy cơ mất đa số tuyệt đối trước sự cạnh tranh quyết liệt của NUPES.

Pháp 'nóng' cuộc đua bầu cử Quốc hội vòng hai
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thành công trong thuyết phục cử tri trao cho ông đa số hoàn toàn trong Quốc hội để tạo điều kiện thuận lợi cho những cải cách kinh tế và xã hội mà ông đã cam kết? (Nguồn: Getty Images)

'Ván bài' của đương kim Tổng thống

Vòng hai bầu cử diễn ra trong bối cảnh nước Pháp đang trải qua một đợt nóng bất thường, với các đợt sóng nhiệt diễn ra liên tiếp trong nhiều ngày.

Theo Cơ quan dự báo thời tiết Pháp, tổng cộng có 37 tỉnh thành tại nước này được đặt trong tình trạng báo động cao, trong đó có 13 địa phương được đặt trong tình trạng báo động đỏ.

Hiện tượng thời tiết khắc nghiệt đang làm ảnh hưởng đến cuộc sống của khoảng 18 triệu người dân Pháp, khiến tất cả các đảng phái đều lo ngại tỷ lệ cử tri vắng mặt sẽ càng tăng cao so với vòng một, làm ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả bầu cử.

Theo khảo sát của Ipsos-Sopra Steria, 47% số người Pháp được hỏi cho biết sẽ đi bỏ phiếu tại vòng hai, thấp hơn nửa điểm so với tỷ lệ thực tế cử tri đã đi bỏ phiếu ở vòng một.

Phát biểu trước khi lên đường thăm chính thức Romania mới đây, Tổng thống Macron đã kêu gọi cử tri Pháp "không vắng mặt, không mơ hồ, mà hãy rõ ràng" trong việc bày tỏ chính kiến.

Ông khẳng định điều đó "nằm trong lợi ích tối cao của quốc gia" và muốn thuyết phục cử tri Pháp "trao cho đất nước một đa số vững chắc" tại vòng hai cuộc bầu cử lập pháp.

Tuy nhiên, kết quả thăm dò cho thấy khả năng liên minh Ensemble! giành được đa số "vững chắc", tức là từ 289 ghế trở lên trong Quốc hội gồm 577 ghế như mong muốn của ông Macron là không chắc chắn.

Nếu sau vòng bỏ phiếu này, Ensemble! không đạt được ngưỡng 289 cho đa số tuyệt đối, ông Macron sẽ trở thành đương kim Tổng thống Pháp đầu tiên không giành được đa số tại Quốc hội kể từ cuộc cải cách bầu cử năm 2000.

Khánh Linh