Nữ tài xế xe ôm đặc biệt nhất xóm chạy thận Hà Nội
Xã hội - Ngày đăng : 23:59, 18/06/2022
Chuyên chở những mảnh đời khổ cực
Tại xóm chạy thận nằm trong ngõ 121 Lê Thanh Nghị (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), bà Mai Thị Hường (56 tuổi, quê Thanh Hóa) mỗi ngày, bất kể nắng, mưa vẫn miệt mài đưa đón các bệnh nhân tới Bệnh viện Bạch Mai lọc máu.
Sáng một ngày tháng 6, nắng hè oi nồng từ sớm, như thường lệ, sau khi mở cửa căn phòng trọ nhỏ chưa đầy 10m2, bà Hường dắt chiếc xe cà tàng, vội vã đi mua cho chồng chiếc bánh giò buổi sớm.
Ông Nhữ Đình Mây (chồng bà Hường) 17 năm ròng rã chạy thận với lịch trình đều đặn 3 lần/tuần. Cũng từng đó thời gian, bà Hường cũng rời quê lên Hà Nội, ở bên chăm sóc cho chồng.
Lo bữa sáng cho chồng xong, bà Hường bắt đầu công việc làm tài xế xe ôm, chuyên chở những vị khách đặc biệt trong xóm chạy thận đến bệnh viện lọc máu.
Không như những tài xế khác, dù hoàn cảnh khó khăn nhưng bà Hường "xe ôm" không bao giờ lấy thêm tiền những vị khách đặc biệt của mình, đơn giản bởi họ cũng ở cảnh tận cùng của khổ cực như vợ chồng bà.
Cứ thế, với mức giá "tượng trưng" của những cuốc xe, từng bệnh nhân chạy thận cùng nữ tài xế bất đắc dĩ đồng hành trên chiếc xe máy cà tàng, len lỏi qua các con ngõ lắt léo từ xóm trọ tới Bệnh viện Bạch Mai, ngày qua ngày, tháng qua tháng.
Trao đổi với PV Dân trí, bà Hường chia sẻ việc gắn bó với nghề lái xe ôm gần 2 năm nay. Trước đây, bà Hường đi bán nước trong Bệnh viện Bạch Mai. Tuy nhiên thời gian dịch bệnh, quán nước di động của bà phải tạm dừng. Từ đó, bà chuyển sang chạy xe ôm để kiếm tiền lo cho người chồng bệnh tật, già yếu.
"Công việc của tôi thường bắt đầu từ 6h sáng mỗi ngày. Tôi chưa từng nghĩ mình lại làm nghề này. Ban đầu, tôi mang xe máy ở quê lên là để chở chồng đến bệnh viện, sau này mới nhận chở thêm mọi người để kiếm thêm thu nhập. Những người chạy thận sức khỏe yếu nên việc đi lại bị hạn chế. Tôi chở họ đến bệnh viện xong gần trưa, họ chạy thận xong lại ra đón về nhà trọ", bà Hường kể.
Mỗi ngày bà Hường chở số lượng khách quen cố định, hết tháng mỗi người trả cho 180.000 - 200.000 đồng. Với khách đi xe theo lượt, bà lấy 10.000 - 15.000 đồng. Có khách không có tiền thì chở giúp.
"Tính ra một ngày kiếm được khoảng 50.000 đồng tiền xăng hết khoảng 20.000 rồi", bà Hường cười xòa.
Với bà Hường, dù công việc thu nhập không đáng là bao nhưng bà thấy vui, nhẹ nhõm với những cuốc xe khi giúp được phần nào cho những người đồng cảnh ngộ.
Những cuốc xe đêm đặc biệt
2 năm làm nghề xe ôm, bà Hường không ít lần chở những cuốc xe vô cùng đặc biệt. Do là xóm của những người bệnh nên việc giữa đêm nhận được những cuộc gọi bất thường, vào viện gấp gáp không hề hiếm.
Dừng lại đôi chút, nữ tài xế 56 tuổi kể, rạng sáng một ngày tháng 5/2021, chiếc điện thoại của bà đổ chuông liên tục. Lồm cồm dậy nhận điện, từ đầu dây bên kia có tiếng khóc nức nở của một người đàn ông trọ cùng xóm: "Chị ơi, chị sang chở vợ tôi đi viện với. Bà ấy vừa bị ngã gãy xương".
Chẳng kịp nghĩ nhiều, bà Hường chạy vội sang căn nhà trọ gần đó. Tới nơi, trước mắt bà là hình ảnh người phụ nữ lớn tuổi đang nằm trên sàn nhà, quằn quại đau đớn.
"Lúc đó, mặc dù hoảng lắm nhưng biết rằng ở đây ngõ hẹp, có gọi xe cấp cứu cũng không thể vào được nên tôi cố gắng bình tĩnh, nẹp lại chân cho bà ấy rồi bế lên xe, chở thẳng vào viện" - bà Hường thuật lại.
Bà Hường giải thích, với người chạy thận, việc phải đi cấp cứu xảy ra như cơm bữa. Ai gọi bà cũng chở, không nỡ từ chối, nhiều khi cũng không lấy tiền xe vì biết lấy bao nhiêu cho vừa.
Những ngày giá xăng tăng cao kỷ lục, bà Hường không khỏi băn khoăn, trăn trở. Trước đây, xăng còn rẻ, mọi người đưa bao nhiêu cũng được, bà Hường nhận không thắc mắc, nhưng giờ xăng tăng giá chóng mặt, gấp rưỡi, gấp đôi nhưng nữ tài xế xe ôm vẫn chưa dám lấy thêm tiền công.
"Mọi người ở đây đều là bệnh nhân nghèo khó. Nhiều chuyến chở khách từ quận Hai Bà Trưng đến bến xe Giáp Bát (quận Hoàng Mai) khách không có tiền, chỉ đưa 20.000-30.000 đồng, tôi vẫn vui vẻ" - bà Hường nói.
Công việc này giúp bà kiếm được thêm khoảng 1.000.000-2.000.000 đồng mỗi tháng, đủ cho vợ chồng trang trải tiền thuê nhà. Còn lại tiền chữa bệnh, thuốc men phần nào được anh em trong gia đình giúp đỡ và tiền trước đây đã làm lụng tích cóp được.
Giờ xăng tăng giá, kéo theo nhiều mặt hàng, nhu yếu phẩm cũng "nhảy múa", từ ổ bánh mì tới chai nước mắm, gói mì tôm... Vợ chồng bà Hường lâu nay không dám về quê để tiết kiệm chi phí.
Nữ tài xế xe ôm chỉ mong giá cả sớm được bình ổn, tạo điều kiện để những phận người mong manh, vạ vật nơi xóm chạy thận đỡ phần nào mệt mỏi, áp lực.