Bệnh viện thiếu thuốc, chuyên gia chỉ ra 'nút thắt' ở quy định thầu
Tin Y tế - Ngày đăng : 07:50, 18/06/2022
Vì sao nhiều nơi thiếu thuốc, thiếu vật tư?
Hiện nay để cung ứng thuốc, vật tư cho các bệnh viện có các hình thức: đấu thầu tập trung cấp quốc gia, trong đó có đàm phán giá (Bộ Y tế đấu thầu tập trung một số loại thuốc theo danh mục), đấu thầu tập trung tại địa phương (do Sở Y tế đứng ra) và đấu thầu tại bệnh viện (với những cơ sở trực thuộc Bộ Y tế được phân cấp tự chủ). Với những gói thầu trên 5 tỉ đồng do Bộ Y tế phê duyệt, dưới mức trên do bệnh viện tự quyết định nếu tự chủ tài chính.
Thời gian qua công tác đấu thầu tập trung cấp quốc gia và đàm phán giá chưa có kết quả. Vì thế, ngày 24/11/2021, đã có công văn số 580 gửi Sở Y tế các tỉnh thành phố, Y tế các Bộ, ngành và các bệnh viện/viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế về việc chủ động mua sắm theo quy định để đảm bảo cung ứng thuốc cho nhu cầu điều trị.
Tuy nhiên, tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế vẫn diễn ra tại nhiều nơi. Câu chuyện này không mới. Trước đây, tình trạng này vẫn xảy ra nhưng chỉ nhỏ lẻ, ở chỗ này, chỗ kia tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, nó lại xảy ra ở nhiều tỉnh thành, nhiều bệnh viện, kể cả các bệnh viện lớn.
Quá trình chuẩn bị đấu thầu thường kéo dài vài tháng, nếu tháng 12 hết hạn thì tháng 6-7 các đơn vị đã phải lên kế hoạch.
Các chuyên gia cho rằng thực trạng thiếu thuốc, vật tư tại các bệnh viện là ảnh hưởng dây chuyền của các khó khăn mà ngành y tế gặp phải. Trong đó có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan như đấu thầu chậm, nguồn hàng quen bị gián đoạn chưa kịp phục hồi sau Covid-19, việc nhập khẩu cũng khó khăn do thủ tục nhập cảnh và một số nước hạn chế xuất khẩu các loại thuốc men, vật tư y tế…
Theo Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi, sau đại dịch, hàng loạt các vụ thanh kiểm tra, xử lý sai phạm về y tế làm cho không chỉ người trong ngành mà bên ngoài cũng e dè, dẫn đến việc ngại mua sắm, ngại đầu tư, làm thiếu thuốc men, hóa chất, trang thiết bị y tế.
Bác sĩ Trần Văn Phúc, Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội) cũng cho rằng tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế chủ yếu là do chậm đấu thầu mua sắm. Trong khi các hành lang pháp lý chưa bao phủ hết các tình huống thì các vụ bắt bớ vì vi phạm quy định về đấu thầu đã khiến những người chuyên trách mua sắm vật tư, trang thiết bị "vừa làm vừa sợ".
Theo ông, hình thức đấu thầu tập trung đang bộc lộ những bất cập, cần phải điều chỉnh phù hợp. Chẳng hạn như giá xây dựng kế hoạch đấu thầu. Cụ thể, theo quy định tại Thông tư 01/2012/TTLT-BYT-BTC, các đơn vị xây dựng giá kế hoạch phải tham khảo giá trúng thầu trong vòng 12 tháng trước của các đơn vị do Bộ Y tế cập nhật. Để an toàn, các bệnh viện sẽ chọn giá thấp nhất.
"Nhưng có thể giá nguyên liệu đã tăng, xăng dầu tăng nên cước phí vận chuyển cũng tăng, do lạm phát nên chi phí bảo quản và phân phối cũng tăng theo. Vì thế, cơ sở y tế không thể mua được thuốc hay thiết bị máy móc với giá kế hoạch", BS Phúc phân tích.
Bên cạnh đó còn phải kể đến các bất cập trong việc triển khai các quy định không còn phù hợp trong bối cảnh hiện tại. Một số chính sách trong lĩnh vực dược đang trong quá trình sửa đổi, hoàn thiện. Việc cung ứng thuốc phục vụ công tác khám chữa bệnh chịu ảnh hưởng bởi rất nhiều yếu tố. Trong đó, vấn đề đăng ký lưu hành thuốc và đấu thầu, mua sắm thuốc có tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất, phân phối thuốc.
Cùng quan điểm này, một chuyên gia chia sẻ: "Vấn đề quan trọng nhất của thiếu thuốc là quy định thầu. Giá kế hoạch là giá trung bình của loại thuốc đó trong 12 tháng qua (ví dụ giá xăng kế hoạch của năm 2022 là trung bình giá xăng năm 2021, tức là khoảng 22 ngàn/lít ), khi đấu thầu giá thuốc trúng thầu phải dưới giá kế hoạch. Lại lấy ví dụ giá xăng kế hoạch, năm nay đơn vị nào đấu thầu xăng phải dưới 22 ngàn/lít mới được chấm trúng. Do vậy có 2 khả năng hoặc là vỡ thầu, hoặc phải chấm trúng cho loại xăng cực kỳ kém chất lượng.
Với xăng thì ít có các loại đó nhưng với thuốc thì cực kỳ nhiều loại hàm lượng như nhau nhưng chất lượng rất khác nhau. Bởi vậy các đơn vị không thể làm và duyệt được kế hoạch đấu thầu hoặc không muốn xây dựng kế hoạch thầu để chắc chắn thuốc rất kém chất lượng sẽ trúng thầu. Vì thế dẫn đến thiếu thuốc. Trước đó mọi người vẫn cố tìm cách để có được thuốc tốt, nhưng bây giờ ai cũng sợ đi tù nên càng rụt rè lo ngại ảnh hưởng đến bản thân".
Lãnh đạo một bệnh viện lớn ở Hà Nội chia sẻ, ông vốn là một người "ghê gớm", luôn đấu tranh đến cùng để có thuốc tốt nhất cho người bệnh, nhất là bệnh viện tuyến cuối điều trị các ca bệnh nặng. "Cuối cùng, dù rất đau xót, tôi vẫn phải nói anh em mua thuốc generic (thuốc tương đương sinh học) thay vì thuốc biệt dược chống thải ghép dành cho bệnh nhân ghép tạng", vị này chia sẻ.
Giải pháp tháo gỡ là gì?
Nhiều ý kiến cho rằng việc thiếu thuốc là do rất nhiều loại thuốc đặc trị, thuốc kê toa theo đơn do bảo hiểm y tế chi trả đã hết hạn đăng ký lưu hành nhưng chưa được gia hạn.
Để tháo gỡ khó khăn này, Nghị quyết 12 của UBTVQH ban hành vào ngày 30/12/2021 có quy định "Đối với giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết hiệu lực trong khoảng thời gian từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực đến trước ngày 31 tháng 12 năm 2022 mà không thể thực hiện kịp thời thủ tục gia hạn đăng ký lưu hành do ảnh hưởng của dịch Covid-19 thì được tiếp tục sử dụng đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2022 để bảo đảm phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh".
Trong thời gian qua, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế cũng đã nỗ lực giải quyết các hồ sơ giấy phép hết hạn sớm. Ngày 2/6, Cục Quản lý Dược mới ban hành công văn công bố danh mục thuốc hết hạn đăng ký trong năm 2022 được tiếp tục lưu hành tới cuối năm - đợt 1. Danh mục này cho các thuốc hết hạn từ ngày 31/12/2021 đến 30/6/2022. Tuy nhiên, số giấy đăng ký chưa được gia hạn còn tồn đọng hay chờ cơ quan quản lý ban hành danh mục là một con số không nhỏ.
Về vấn đề này, ông Vũ Tuấn Cường, Cục trưởng Cục Quản lý Dược Bộ Y tế cho biết số đăng ký thuốc không thiếu, Cục đã gia hạn xử lý được hơn 6.000 số đăng ký sắp hết hạn, số còn lại chưa hết hạn sẽ tiếp tục được gia hạn trong thời gian tới. Cục sẽ làm kịp vấn đề này và không để chậm trễ.
Về việc các đơn vị không mua sắm được thuốc, vật tư, Cục cũng đã có văn bản tham mưu gửi lãnh đạo Bộ để có chỉ đạo cho các bệnh viện. Trước đó, Cục đã gửi văn bản hỏa tốc cho các sở y tế và bệnh viện, yêu cầu báo cáo nguyên nhân thiếu thuốc, song hiện chưa nhận được báo cáo từ địa phương nào.
Về nguồn cung ứng thuốc, ông cho biết đến nay chưa có đơn vị nào báo cáo không có nguồn cung.
Đại diện Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc Quốc gia cho biết thời gian qua Trung tâm tổ chức rất nhiều cuộc họp để xúc tiến sớm vấn đề mua sắm thuốc. Trung tâm đã đánh giá xong hồ sơ dự thầu, hiện còn vướng mắc về thời điểm có hiệu lực của công văn gia hạn số đăng ký thuốc của Cục Quản lý Dược.
Đấu thầu tập trung công khai minh bạch sẽ giảm phần lớn chi phí trung gian gây tốn kém, đảm bảo cung ứng đủ cả về số lượng lẫn chất lượng thuốc và vật tư thiết bị y tế, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh. Tuy nhiên, quy định hiện nay đang có điểm còn hạn chế đó là chủ yếu cạnh tranh về giá, chất lượng bị đẩy xuống.
Theo TS Nguyễn Huy Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế vấn đề lớn mà ngành y đang lúng túng và người làm rất dễ thành vi phạm là đấu thầu trang thiết bị y tế, liên doanh liên kết, xã hội hóa, mượn máy… Nhiều cơ sở y tế không biết đâu là hành lang pháp lý đầy đủ để an toàn, yên tâm thực hiện, đâu là "lằn ranh đỏ" để người ta không thể vượt qua.
Do đó, cần phải có văn bản hướng dẫn như Nghị định Chính phủ cụ thể hóa luật Quản lý tài sản công, luật Đầu tư công, luật Đấu thầu, luật Dược… Đồng thời, cần có quy định riêng cho ngành y tế, vì đây là ngành kinh doanh có điều kiện, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân.
"Điều này sẽ giúp ngành y tế có cơ chế pháp lý công khai, minh bạch, có thể điều chỉnh mọi quan hệ xã hội nảy sinh liên quan đến vấn đề này. Đồng thời cũng tạo ra thể chế để quản lý cũng như bảo vệ các đơn vị tham gia đấu thầu, nếu không họ sẽ rất lúng túng và hoang mang", Ts Quang cho hay.
Trong năm nay, sẽ có nhiều chính sách của lĩnh vực dược được điều chỉnh, bổ sung như đổi mới thủ tục đăng ký lưu hành thuốc. Bộ Y tế sẽ ban hành Thông tư thay thế Thông tư 32/2018. Bộ Y tế cũng đang trong quá trình lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật Dược sửa đổi nhằm hoàn thiện khung pháp lý theo yêu cầu của thực tế đặt ra và tạo ra hành lang pháp lý thông thoáng hơn và giải quyết một cách triệt để nguy cơ thiếu thuốc.
Các giải pháp Bộ Y tế đã thực hiện
Chiều 17/6, Bộ Y tế chính thức có về việc thiếu thuốc, vật tư y tế. Theo đó, công tác đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế vẫn còn bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc và bất cập. Hiện có tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế ở nhiều nơi, chủ yếu là các loại thuốc, vật tư y tế thông dụng thuộc thẩm quyền mua sắm của các địa phương, đơn vị, gây ảnh hưởng đến công tác khám bệnh, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Bộ Y tế đã chủ động đôn đốc các đơn vị tăng cường năng lực, hiệu quả công tác mua sắm, đấu thầu và kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, Ngành liên quan.
Cụ thể, ngày 30/3, Bộ Y tế đã ban hành văn bản để tăng cường năng lực, hiệu quả, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong công tác mua sắm, đấu thầu tại các đơn vị thuộc và trực thuộc.
Theo đó, Bộ đề nghị các đơn vị tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo liên quan đến công tác đấu thầu, mua sắm trang thiết bị, hàng hóa, dịch vụ, thuốc, hóa chất, sinh phẩm, dụng cụ và vật tư tiêu hao…
Đồng thời, lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu cung cấp hàng hóa, dịch vụ dùng trong khám bệnh, chữa bệnh; xác định nhu cầu, dự báo chi tiết, hợp lý về danh mục, chủng loại, số lượng các loại trang thiết bị, hàng hóa, dịch vụ, thuốc, hóa chất, sinh phẩm, dụng cụ và vật tư tiêu hao dự kiến cần mua trong năm kế hoạch…
Ngày 29/4, trước nguy cơ thiếu thuốc và vật tư y tế, Bộ Y tế đã ban hành công văn số 2206 đôn đốc mua sắm, đấu thầu thuốc, vật tư y tế đáp ứng việc khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Ngày 2/6, Cục Quản lý Dược ban hành danh mục thuốc, nguyên liệu làm thuốc được gia hạn hiệu lực số đăng ký.