Tin thế giới 17/6: Châu Âu không còn là ưu tiên của Nga; Ukraine sắp được gia nhập EU; Tàu sân bay ‘Made in China’
Đối ngoại - Ngày đăng : 20:25, 17/06/2022
Nga-Ukraine liên tục đổ lỗi nhau liên quan đến cuộc khủng hoảng lương thực. (Nguồn: TASS) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm qua một số tin quốc tế nổi bật:
Nga không còn coi châu Âu là ưu tiên
Ngày 16/6, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov khẳng định, Moscow luôn giữ liên lạc với phương Tây và phương Đông. Nhưng giờ đây, các cuộc tiếp xúc với châu Âu không còn nằm trong các ưu tiên của Nga.
Trả lời phỏng vấn kênh NTV bên lề Diễn đàn Kinh tế quốc tế St.Petersburg, ông Lavrov cho biết: “Chúng tôi đã luôn làm việc với cả phương Tây, phương Đông, phương Bắc và phương Nam. Nhưng kể từ khi phương Tây cắt đứt mọi liên lạc, chúng tôi đã làm việc một cách khách quan với phương Đông. Chúng tôi đang mở rộng liên hệ với phương Đông… trong khi xét về mặt tương đối, dĩ nhiên là châu Âu đã biến mất khỏi các ưu tiên của chúng tôi". (TASS)
Nga không cản trở xuất khẩu lương thực từ Ukraine
Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov nói rằng, Nga không cản trở xuất khẩu lương thực từ Ukraine, trong khi đó các quan chức Kiev đang ngăn chặn tàu chở hang rời cảng trên Biển Đen.
Cụ thể, ông Antonov nói: "Nga không cố gắng cản trở xuất khẩu lương thực của Ukraine. Chúng tôi hiểu rất rõ tầm quan trọng của việc nối lại nguồn cung cấp cho các quốc gia có nhu cầu. Nhưng việc các tàu chở hang không thể rời các cảng trên Biển Đen là do sự cản trở của chính quyền Kiev”.
Đại sứ Nga cũng cho biết thêm, Nga sử dụng tất cả các biện pháp cần thiết để khôi phục hàng hải tại các khu cảng này, đồng thời kêu gọi Ukraine cần nhanh chóng gỡ bỏ khoảng 420 quả mìn đặt ở các khu vực bờ biển, để tàu bè có thể đi lại an toàn. (TASS)
Nga tái khẳng định mục đích chính của chiến dịch quân sự
Ngày 17/6, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tái khẳng định mục đích của "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine vẫn là bảo vệ người dân ở khu vực Donbass - miền Đông Ukraine.
Trả lời báo giới, ông Peskov nhấn mạnh mục tiêu chính của Nga ở Ukraine là "cứu và đảm bảo" Donbass khỏi điều mà ông xem là "các cuộc tấn công tàn bạo" của lực lượng vũ trang Ukraine. Ngoài ra, đại diện Điện Kremlin thông báo Nga đang duy trì liên lạc với Thổ Nhĩ Kỳ về vấn đề xuất khẩu ngũ cốc từ Ukraine, song vẫn còn nhiều điều không chắc chắn từ phía Kiev.
Ngày 15/6, Thổ Nhĩ Kỳ cho hay "sẽ cần thời gian" để rà phá bom, mìn tại các cảng của Ukraine song cần phải thiết lập một hành lang biển an toàn ở những khu vực không có bom, mìn theo như đề xuất của LHQ. (Reuters)
Nga ngừng cấp khí đốt cho Pháp
Ngày 17/6, Tập đoàn năng lượng GRTgaz của Pháp cho biết nước này không còn tiếp nhận bất kỳ khí đốt tự nhiên nào từ Nga qua hệ thống đường ống kể từ ngày 15/6 vừa qua, sau khi tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga trong tuần này cảnh báo sẽ giảm bớt đáng kể hoạt động vận chuyển khí đốt tới châu Âu.
Gazprom tuyên bố việc giảm nguồn cung thông qua đường ống Dòng chảy phương Bắc là kết quả của hoạt động sửa chữa, song các quan chức EU tin rằng Moscow đang trừng phạt các đồng minh của Ukraine.
Về phần mình, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết việc thiếu hụt lượng khí đốt trên thị trường châu Âu cùng với công tác bảo trì tuabin khí của tuyến đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 đến Đức có thể là nguyên nhân dẫn đến việc tạm ngừng cung cấp khí đốt của Nga cho Pháp. (AFP/Reuters)
Pháp sẵn sàng đối thoại với Nga
Trả lời phỏng vấn đài truyền hình BFM ngày 17/6, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố mặc dù nước này sẽ làm mọi thứ có thể để giúp Ukraine thắng cuộc chiến với Nga, thì ông sẽ tiếp tục đối thoại với người đồng cấp Nga Vladimir Putin "bất cứ khi nào thấy hữu ích".
Cũng trong buổi phỏng vấn, Tổng thống Macron tuyên bố ông sẵn sàng đối thoại với người đồng cấp Putin, như một phần trong các nỗ lực đạt được thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc qua cảng Odessa của Ukraine, song thừa nhận có rất ít cơ hội đạt được thỏa thuận như vậy.
Nhà lãnh đạo Pháp nêu rõ: "Chúng ta cần đối thoại với Nga về vấn đề an ninh lương thực và các cuộc thảo luận này có thể được chứng minh bằng cách duy trì liên lạc trực tiếp với Tổng thư ký Liên Hợp Quốc nhằm xuất khẩu ngũ cốc qua cảng Odessa. Nhưng tôi không tin lắm vào con đường này, bởi vì tôi đã có cuộc nói chuyện vài tuần trước với Tổng thống Putin, nhưng ông ấy không muốn chấp nhận một nghị quyết của Liên hợp quốc về vấn đề này". (Reuters)
Ukraine sắp được trao quy chế ứng cử viên EU?
Ngày 17/6, Ủy ban châu Âu (EC) đã khuyến nghị Liên minh châu Âu (EU) cấp quy chế ứng cử viên gia nhập khối này cho Ukraine và Moldova, trong khi Gruzia được yêu cầu đáp ứng một số điều kiện trước khi được cấp quy chế tương tự. Chủ tịch EC Ursula von der Leyen nhấn mạnh: “Ukraine nên được chào đón với tư cách là một quốc gia ứng cử viên...".
Phản ứng trước các diễn biến mới nhất về việc Ukraine xin gia nhập EU, Điện Kremlin cho biết đang theo chặt chẽ nỗ lực của Ukraine, đặc biệt là trong bối cảnh hợp tác quốc phòng trong khối này gia tăng.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho hay vấn đề này "đòi hỏi sự chú ý cao độ của chúng tôi, bởi vì tất cả chúng tôi đều nhận thức được việc châu Âu thúc đẩy các cuộc thảo luận về chủ đề tăng cường lĩnh vực quốc phòng của EU". Ông nêu rõ: “Có rất nhiều biến đổi mà chúng tôi đang giám sát một cách thận trọng nhất". (AFP/Reuters)
Tổng thống Biden: Người dân Mỹ đã thực sự thất vọng
Trong buổi phỏng vấn ngày 16/6, Tổng thống Joe Biden thừa nhận người dân Mỹ đã 'thực sự thất vọng' khi phải đối mặt với lạm phát sau hơn hai năm chống chọi đại dịch Covid-19.
Gửi thông điệp đến người dân Mỹ, ông Biden nói "hãy tự tin, vì tôi tự tin". Ông cho biết Mỹ có vị trí tốt hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới để làm chủ đến năm 2050.
Khi được hỏi liệu Mỹ có nguy cơ rơi vào suy thoái, ông cho biết đây "không phải điều hiển nhiên". (AP)
Australia: Thái Bình Dương không cần sự trợ giúp an ninh bên ngoài
Ngày 17/6, Ngoại trưởng Australia Penny Wong tuyên bố phản đối hiệp ước an ninh mới của Trung Quốc với Quần đảo Solomon, đồng thời khẳng định khu vực Thái Bình Dương không cần sự trợ giúp từ bên ngoài để đảm bảo an ninh cho khu vực này.
Thông điệp trên được Ngoại trưởng Wong đưa ra trong chuyến thăm một ngày tới thủ đô Honiara của Quần đảo Solomon, điểm đến tiếp theo trong chuyến công du Nam Thái Bình Dương.
Bà Wong nhấn mạnh: “Quan điểm của Australia vẫn cho rằng gia đình Thái Bình Dương phải có trách nhiệm an ninh với khu vực của chúng ta và có thừa khả năng để thực hiện được điều đó”. Bà Wong cũng đánh giá cao cam kết của chính quyền Sogavare về việc không “cho phép thiết lập một căn cứ quân sự nước ngoài tại Quần đảo Solomon”.
Về phía Quần đảo Solomon, Thủ tướng Manasseh Sogavare cũng nhắc lại cam kết về việc coi Australia là “đối tác được lựa chọn đầu tiên trong lĩnh vực an ninh và phát triển”. (ABC)
Trung Quốc nói sẵn sàng cung cấp linh kiện máy bay cho Nga
Trung Quốc sẵn sàng cung cấp linh kiện máy bay cho các hãng hàng không Nga, Đại sứ Trung Quốc tại Nga Zhang Hanhui cho biết.
Cụ thể, Đại sứ Zhang khẳng định: “Chúng tôi sẵn sàng cung cấp linh kiện cho Nga, chúng tôi đang tổ chức hợp tác như vậy. Các hãng hàng không đang xử lý, họ có có những kênh nhất định, và không có hạn chế nào từ phía Trung Quốc”. (TASS)
Trung Quốc hạ thủy tàu sân bay Phúc Kiến
Cơ quan truyền thông Trung Quốc ngày 17/6 đưa tin nước này đã hạ thủy tàu sân bay thứ 3, mang tên Phúc Kiến, được thiết kế và đóng hoàn toàn trong nước.
Cũng theo cơ quan này tàu sân bay Phúc Kiến có sàn đáp máy bay đủ chiều dài với hệ thống máy phóng.
Cho đến nay, Trung Quốc đã có 3 tàu sân bay, trước đó nước này đã đưa tàu sân bay Sơn Đông vào hoạt động vào cuối năm 2019, cùng với tàu sân bay Liêu Ninh được mua lại từ Ukraine vào năm 1998 và được tái trang bị trong nước. (TASS)
Tin sét đánh với ông chủ Wikileaks
Bộ trưởng Nội vụ Anh ngày 17/6 phê chuẩn lệnh dẫn độ Julian Assange, nhà sáng lập WikiLeaks, tới Mỹ để đối mặt cáo trạng hình sự. Dù vậy, ông Assange vẫn còn quyền kháng cáo.
“Trong trường hợp này, tòa án Anh cho rằng việc dẫn độ ông Assange sẽ không gây ra sự áp bức, bất công và không phải sự lạm dụng quy trình pháp lý”, Bộ Nội vụ Anh thông báo trong một tuyên bố, theo Reuters hôm 17/6.
“Và các tòa án Anh cũng không cho rằng việc dẫn độ sẽ đi ngược lại các quyền con người, bao gồm quyền được xét xử công bằng và quyền tự do biểu đạt. Đồng thời, họ cũng cho rằng khi ở Mỹ, ông Assange sẽ được đối xử đúng mực, có cân nhắc yếu tố sức khỏe”, tuyên bố viết.
Ông Assange bị nhà chức trách Mỹ truy nã vì 18 tội danh, bao gồm tội gián điệp. Theo Washington, những tội danh này có liên quan tới việc WikiLeaks công khai lượng lớn tài liệu quân sự và điện tín mật của Mỹ, làm đe dọa tới tính mạng người khác.