Món quà EU gửi Ukraine từ Brussels: 'Niềm vui ngắn chẳng tày gang'?

Đối ngoại - Ngày đăng : 18:53, 17/06/2022

Liên minh châu Âu đang 'rục rịch' xem xét công nhận tư cách ứng cử viên gia nhập EU của Ukraine. Tuy vậy, đây dường như mới chỉ là một khởi đầu vô cùng nhỏ bé trong 'ngàn vạn bước chân' trong hành trình gian nan trở thành thành viên của EU.
Ukraine xin gia nhập: Thử thách lớn đối với EU
Ukraine gặp nhiều trở ngại để trở thành thành viên liên minh châu Âu (EU). (Ảnh: Dmyto)

Đơn xin gia nhập Liên minh châu Âu (EU) của Ukraine có thể được xúc tiến trong ngày 17/6 với khuyến nghị từ Ủy ban châu Âu (EC) - cơ quan điều hành của EU - rằng quốc gia đang bị tàn phá bởi xung đột này xứng đáng được công nhận tư cách ứng cử viên gia nhập khối 27 quốc gia châu Âu.

Sự chấp thuận của EC, mặc dù chỉ là một bước dự kiến trên lộ trình có thể mất nhiều thập kỷ để hoàn tất, sẽ phát đi một biểu tượng mạnh mẽ của tình đoàn kết với Ukraine và là bài sát hạch sâu hơn nữa đối với mặt trận thống nhất của EU chống lại Nga trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine vẫn đang tiếp diễn.

Tìm kiếm sự cân bằng đúng đắn

Ukraine đã nộp đơn xin gia nhập EU chưa đầy một tuần sau khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt vào Ukraine và thủ đô Kiev phải đối mặt với nguy cơ bị chiếm đóng cũng như chính phủ Ukraine có nguy cơ sụp đổ. Sự cấp bách của cuộc xung đột và yêu cầu của Ukraine về việc nhanh chóng xem xét cấp quy chế thành viên EU có thể làm thay đổi cách tiếp cận chậm chạp của khối trong việc mở rộng.

Việc trao cho Ukraine tư cách ứng cử viên sẽ thách thức các phương pháp thông thường của EU về việc kết nạp thêm thành viên.

Lãnh đạo các quốc gia thành viên EU dự kiến sẽ xem xét khuyến nghị của EC vào tuần tới. Các nhà lãnh đạo phải đối mặt với một hành động cân bằng tinh tế: Báo hiệu cho Ukraine rằng cánh cửa của EU đã mở ra cho nước này, đồng thời đảm bảo với các quốc gia khác cũng có mong muốn gia nhập EU rằng họ không thiên vị Kiev.

Mở rộng hay không mở rộng?

EU ra đời vào thập kỷ 50 của thế kỷ trước nhằm ngăn chặn một cuộc chiến tranh khác giữa Đức và Pháp. Sáu thành viên sáng lập gồm Bỉ, Pháp, Đức, Italy, Hà Lan và Luxembourg.

Kể từ đó, EU đã không ngừng mở rộng, đồng thời tán thành ý tưởng rằng hội nhập kinh tế và chính trị giữa các quốc gia là cách tốt nhất để thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng chung. Cách tiếp cận này đã mở đường cho sự ra đời của đồng tiền chung Euro vào năm 1999 và sự gia nhập vào năm 2004 của 10 quốc gia thành viên mới, hầu hết đến từ khu vực Đông Âu.

Đồng Euro, ban đầu được 11 quốc gia chấp nhận sử dụng làm đơn vị tiền tệ chính thức của họ, đã chứng tỏ khả năng của EU trong việc tăng cường hội nhập kinh tế và chính trị giữa các quốc gia thành viên. Đợt mở rộng được ví như vụ nổ lớn “big bang” vào 5 năm sau đó cho thấy khả năng mở rộng phạm vi hoạt động của khối.

Khi cuộc xung đột quân sự lớn nhất ở châu Âu kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai nổ ra ở biên giới phía Đông của khối, EU một lần nữa phải vật lộn với những câu hỏi dai dẳng về khả năng tiếp tục mở rộng.

Tại sao lại thiếu sự đồng thuận?

Sự đồng thuận nội bộ làm cơ sở cho cách tiếp cận hai chiều đối với sự phát triển và mở rộng của EU đã suy yếu nhiều năm trước khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự vào Ukraine.

Cuộc khủng hoảng nợ trong Khu vực đồng Euro bùng phát vào năm 2010, làn sóng di cư ồ ạt trong năm 2015 và quyết định gây sốc của Anh rời khỏi EU sau cuộc trưng cầu ý dân năm 2016, tất cả đều góp phần khiến EU lưỡng lự trong việc mở rộng khối.

Những "sóng gió" nêu trên cũng thúc đẩy sự lớn mạnh của các lực lượng chính trị hoài nghi châu Âu ở nhiều quốc gia thành viên, bao gồm cả Đức, Pháp và Italy. Một số quốc gia EU đã cáo buộc các chính phủ ở Berlin, Paris và Rome thể hiện sự ủng hộ chính trị không đầy đủ đối với Ukraine khi nước này tự bảo vệ mình trước Nga.

Chuyến thăm Kiev của Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Italy Mario Draghi và Tổng thống Romania Klaus Iohannis có thể giúp đáp trả lại những chỉ trích như vậy.

Quy chế ứng cử viên

Cuộc gặp của các nhà lãnh đạo EU với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 16/6 diễn ra đồng thời với các cuộc đàm phán hậu trường của EC về quan điểm sắp tới liên quan tới việc liệu Ukraine có xứng đáng với tư cách ứng cử viên gia nhập EU hay không.

Một nhóm các quốc gia thuộc EU trong đó có Ba Lan muốn ủng hộ tối đa cho Ukraine, trong khi những nước khác, chẳng hạn như Hà Lan, ủng hộ lập trường thận trọng hơn. Ủy ban cũng có kế hoạch đưa ra các khuyến nghị cho Gruzia và Moldova, hai quốc gia Đông Âu đã gấp rút nộp đơn xin gia nhập EU hồi tháng 3 vừa qua.

Mức độ đẩy nhanh quá trình thủ tục xem xét đơn xin gia nhập của Ukraine thể hiện sự thay đổi trong quy trình vận hành tiêu chuẩn của EU.

Ví dụ, Thổ Nhĩ Kỳ đã nộp đơn xin gia nhập từ năm 1987, nhận tư cách ứng cử viên vào năm 1999 và phải đợi đến năm 2005 để bắt đầu các cuộc đàm phán về việc chính thức gia nhập.

Chỉ một trong số hơn 30 chương đàm phán đã được hoàn tất trong nhiều năm sau đó, và toàn bộ quá trình hiện rơi vào bế tắc do các mâu thuẫn khác nhau giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ.

Các quốc gia Tây Balkan mệt mỏi vì chờ đợi

Sáu quốc gia ở Tây Balkan cũng đã phải chờ đợi lâu trên hành trình trở thành thành viên của EU. Ví dụ, Bắc Macedonia đã nộp đơn gia nhập vào năm 2004 và được cấp quy chế ứng cử viên vào năm 2005. Nhưng ngay cả sau khi chấp nhận đổi tên nước để giải quyết bất đồng dai dẳng với Hy Lạp, quốc gia thành viên EU, nước này vẫn đang chờ để bắt đầu các cuộc đàm phán về tư cách thành viên do vấp phải trở ngại vào phút chót từ Bulgaria, một quốc gia thành viên khác của EU, liên quan đến vấn đề sắc tộc và ngôn ngữ.

Việc khởi động các cuộc đàm phán gia nhập cần có sự chấp thuận của tất cả 27 quốc gia EU.

Một ứng cử viên đầy tham vọng khác ở Balkan là Serbia. Nước này đã nộp đơn xin gia nhập EU vào năm 2009, trở thành ứng cử viên vào năm 2012 và bắt đầu đàm phán gia nhập vào năm 2014. Cho đến nay, nước này mới chỉ hoàn thành hai trong số 35 chương đàm phán.

Trong bối cảnh đó, về cơ bản Ukraine đang yêu cầu EU từ bỏ chiến lược mở rộng thận trọng theo phương châm “an toàn hơn là phải hối tiếc”.

Vy Vy