Phá đường dây lừa đảo xuyên quốc gia do nhóm người Trung Quốc cầm đầu
Pháp luật - Ngày đăng : 17:41, 17/06/2022
Ngày 17/6, Công an quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam đối với 6 người về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đồng thời tiếp tục mở rộng điều tra vụ án.
Những người bị bắt gồm: Vũ Văn Khôi (28 tuổi, trú huyện Chiêm Hóa, Tuyên Quang), Phan Trí Đạt (26 tuổi, trú huyện Xuyên Mộc, Bà Rịa - Vũng Tàu), Lê Văn Thành (26 tuổi, trú huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình), Đoàn Trần Lê Hoàng (22 tuổi, trú huyện Chiêm Hóa, Tuyên Quang), Nguyễn Ánh Hào (21 tuổi, trú huyện Ứng Hòa, Hà Nội) và Nông Văn Hưng (17 tuổi, trú huyện Cư Jut, Đắk Nông).
Trước đó, Công an quận Hoàn Kiếm phát hiện một băng nhóm hoạt động có tổ chức, do các đối tượng người Trung Quốc cầm đầu. Trụ sở của băng nhóm được đặt tại Đặc khu Mộc Bài thuộc tỉnh Bavet (Campuchia) nằm sát biên giới tỉnh Tây Ninh.
Dưới sự chỉ đạo của “Lão Đại” và các quản lý khác người Trung Quốc, 6 bị can trên giả danh Công ty TNHH Shopee đăng bài lên mạng xã hội để tuyển cộng tác viên cho công ty Shopee, rồi hướng dẫn bị hại kết bạn Zalo để trao đổi.
Ban đầu, các đối tượng yêu cầu bị hại thanh toán các đơn hàng có giá trị thấp, sau đó nhận lại tiền đã thanh toán và 10% “hoa hồng”.
Khi đã lấy được niềm tin của các nạn nhân, chúng nâng dần giá trị các đơn hàng và tìm lý do, tìm lỗi như nhắn tin sai cú pháp, chuyển chậm thời gian hệ thống yêu cầu... và đề nghị bị hại thực hiện mua đơn mới có giá trị lớn hơn thì sẽ chuyển trả lại tiền.
Sau nhiều lần thực hiện đến khi bị hại không thể còn tiền để làm nhiệm vụ, các đối tượng sẽ chặn Zalo và xóa liên lạc hòng chiếm đoạt tài sản.
Các đối tượng khai nhận, đường dây này phân thành 5 cấp hoạt động từ F1-F5. Cụ thể, F1 là đối tượng cầm đầu tổ chức người Trung Quốc, thường gọi là "Lão Đại". F2 gồm 2 đối tượng người Trung Quốc gọi là "A Trí" và "Đầu Khấc". Hai đối tượng này chịu trách nhiệm quản lý lượng tiền thu chi hàng ngày, hồ sơ cá nhân của nhân viên.
F3 gồm 3 người Trung Quốc thường gọi là "Thiên Mã" là tổ trưởng, "Oằng Phăng" và một đối tượng chưa có thông tin, chịu trách nhiệm quản lý toàn bộ số nhân viên người Việt Nam, nếu người nào vi phạm nội quy sẽ phạt tiền hoặc đưa đi chỗ khác đánh đập.
F4 là Tổ trưởng các tổ người Việt Nam gồm Đoàn Trần Lê Hoàng (tổ 1), Dũng (tổ 2, hiện chưa có thông tin cụ thể) chịu trách nhiệm giám sát các nhân viên hàng ngày báo cáo lại kết quả cho nhóm F3 "Thiên Mã".
F5 là các thành viên người Việt Nam trong 2 tổ do Đoàn Trần Lê Hoàng và Dũng quản lý. Trong đó, mỗi tổ có số lượng gồm 11-12 cặp, mỗi cặp gồm 1 tư vấn và 1 đối tượng giao nhiệm vụ được chúng gọi là "giết khách", chịu trách nhiệm tiếp nhận khách được giao, tư vấn khách và yêu cầu khách thực hiện nhiệm vụ chuyển tiền vào các tài khoản do nhóm Trung Quốc yêu cầu.
Theo cơ quan Cảnh sát điều tra, chỉ trong tháng 2/2022 đã có trên 40 bị hại trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh thành trên cả nước bị lừa với tổng số tiền trên 5 tỷ đồng.