Hà Nội nở rộ phố đi bộ - Bài 1: Đâu là bản sắc?
Dòng chảy - Ngày đăng : 17:00, 16/06/2022
Dồn dập những không gian đi bộ được khởi động ở nội, ngoại thành Hà Nội, Thủ đô vẫn tiếp nhận ồ ạt các đề xuất mở thêm những tuyến phố không xe cộ. Nhưng người ta chưa nhìn thấy những khác biệt, tạo nên bản sắc cho không gian này.
Phố đi bộ quanh Hồ Gươm thu hút khách dịp cuối tuần. Ảnh: kỳ sơn |
Lo sớm nở, tối tàn…
Phố đi bộ Trịnh Công Sơn tái khởi động tháng 5/2022 sau một thời gian chết yểu, bước đầu thu hút người dân và du khách trở lại nghe nhạc Trịnh và thả bước trên những góc đường lãng mạn. Những tiểu cảnh, con đường được bài trí và đặt tên gọi đúng với bản sắc hào hoa, lãng tử của nhạc sĩ họ Trịnh…, thể hiện mục tiêu hình thành một không gian đi bộ mang màu sắc riêng mà UBND Quận Tây Hồ đang hướng tới.
Phố đi bộ Trịnh Công Sơn tái khởi động sau một thời gian vắng khách |
Thế nhưng, nhìn vào quang cảnh đông vui tấp nập trong những ngày tái khởi động, người Hà Nội vẫn chưa quên sự thất bại của không gian đi bộ phố Trịnh Công Sơn ở giai đoạn đầu. Thậm chí, phố đi bộ Trịnh Công Sơn còn bị giới chuyên gia kiến trúc, quy hoạch và các nhà văn hóa đánh giá là một sự “thua cuộc” khi con phố sau khi ra đời đã nhanh chóng trở thành một địa chỉ nhộm nhoạm, hàng quán xô bồ. KTS Trần Huy Ánh (Hội KTS Hà Nội) từng tiếc nuối khi nói về không gian này trước đây: “Đừng giống như phố đi bộ trên Tây Hồ, vốn người ta đang đi bộ thì lại bày ra cả loạt ki ốt cho thuê, thành cái chợ làng rởm rít. Thế là thất bại thảm hại ngay…”.
Phố đi bộ Trịnh Công Sơn từng “chết” một lần. Cho nên, lần quay trở lại này, người dân và du khách cũng không quên tìm kiếm những điểm mới hứa hẹn nuôi dưỡng sự tồn tại bền vững của tuyến phố. Tuy nhiên, ngoài những chương trình nhạc Trịnh cùng một số tiểu cảnh, con đường được bài trí gắn liền với tên tuổi nhạc sĩ thì nội hàm tạo nên sự đặc sắc, khác biệt ở không gian đi bộ Trịnh Công Sơn hiện tại vẫn chưa thực sự rõ nét.
Bản đồ du lịch Thủ đô dịp này cũng sinh động hơn với sự ra mắt của không gian phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây. Là trung tâm vùng đất xứ Đoài, Sơn Tây nức tiếng với nhiều món ngon như bánh tẻ, kẹo lạc, tương nếp, mật ong, gà Mía… Việc khai thác tuyến phố đi bộ Sơn Tây không chỉ có ý nghĩa giới thiệu những giá trị của di sản Thành cổ mà còn là cơ hội quảng bá, tiêu thụ những sản vật địa phương. Trong khoảng ba tuần đầu cửa, không gian đi bộ Thành cổ Sơn Tây đã thu hút đông đảo người dân địa phương và du khách, đặc biệt đêm khai mạc còn được truyền thông mô tả với hai từ “thất thủ”. Nếu không có phố đi bộ thì có lẽ, Xứ Đoài vốn quen lặng lẽ, thâm trầm sẽ hiếm khi trở nên sôi nổi, tưng bừng đến thế.
Là tuyến phố đi bộ thứ tư của Hà Nội, Phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây được kỳ vọng sẽ phát huy lợi thế của di tích, tạo không gian văn hóa đáp ứng nhu cầu của người dân địa phương và du khách. Tuy nhiên, sau những khởi động ban đầu, vấn đề được nhìn thấy tại không gian đi bộ ở xứ Đoài cũng là chưa hình thành rõ những hoạt động mang bản sắc riêng. Đâu đó, du khách vẫn chỉ nhìn thấy một chút bóng dáng của phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm, một góc của phố đi bộ Trịnh Công Sơn... Hàng quán nhiều hơn những sinh hoạt văn hóa cộng đồng.
Người Hà Nội cần gì ở phố đi bộ?
Phố đi bộ cần bản sắc |
Ngoài hai không gian đi bộ ở Sơn Tây và phố Trịnh Công Sơn, Hà Nội cũng đang tiếp nhận nhiều đề xuất hình thành các không gian đi bộ mới: phố đi bộ quanh hồ Thiền Quang (quận Hai Bà Trưng); hồ Ngọc Khánh, hồ Trúc Bạch (quận Ba Đình); phố đi bộ Khu đô thị mới Nam đường Vành đai 3 (quận Hoàng Mai và huyện Thanh Trì)...
Sau không gian đi bộ Hồ Hoàn Kiếm, không gian đi bộ khu Phố cổ Hà Nội, việc đề xuất tràn lan những không gian mới khiến cho người dân có cảm giác “bội thực”. Và một câu hỏi được đặt ra, số lượng có song hành với chất lượng? Những không gian đi bộ hiện có đang bộc lộ nhiều điểm yếu, thậm chí có nơi còn mở ra cho có.
Việc ồ ạt mở cửa, hoặc đề xuất mở thêm những không gian đi bộ, chắc chắn đều hướng đến mục tiêu đáp ứng nhu cầu của người dân và du khách. Vậy, trên thực tế, người Hà Nội có cần nhiều con phố mà chức năng, nội hàm của nó dường như chỉ để phục vụ họ theo đúng nghĩa đen: đi bộ? Kiến trúc sư Trần Huy Ánh (Ủy viên thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội) cho rằng, người Hà Nội đang mất dần những không gian đi bộ, nhưng thực tế nhu cầu về những không gian này lại rất lớn. Theo ông Ánh, đáp ứng nhu cầu đó, cần thấy rằng mở càng nhiều phố đi bộ càng tốt. Tuy nhiên, không nên lấy danh nghĩa phố đi bộ để rồi thành... phố đi chợ, chỉ chú ý đến việc tăng không gian dịch vụ mua bán mà không quan tâm đến không gian đi bộ, rèn luyện, vận động, giải trí hấp dẫn, thú vị an toàn.
Chị Nguyễn Thu Phương (Công ty N&G, Hà Nội) cho biết, gia đình có con nhỏ nên nhu cầu về những không gian đi bộ thoải mái, không xe cộ đi lại nguy hiểm là có thật. Tuy nhiên kể từ khi không gian phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm mở cửa đến nay, việc thường xuyên cùng cả gia đình tới đây dịp cuối tuần khiến chị nhận ra sự lặp đi lặp lại, ít đổi mới, các hoạt động thực sự cuốn hút trong không gian này vẫn chẳng có nhiều. Cho dù sự xuất hiện của phố đi bộ ở trung tâm Thủ đô thời gian đầu đã được xem như một “món ăn” lạ miệng, rồi dần dần trở thành một thương hiệu điểm đến quen thuộc với du khách. Để đáp ứng sự phát triển lâu dài thì những yêu cầu phải đổi mới, hoàn thiện những tính năng tạo sức hút khó cưỡng vẫn luôn đặt ra cấp thiết.
Mở rộng hơn, tại các không gian đi bộ khác của Hà Nội, du khách cũng không được thỏa mãn những nhu cầu thiết yếu cho các sinh hoạt văn hóa, tinh thần. Không gian đi bộ khu Phố cổ Hà Nội không tạo được sức hút riêng ngoài những quầy hàng san sát, chẳng khác bất kỳ một khu chợ đêm nào khác. Không gian đi bộ phố Trịnh Công Sơn quay trở lại, người dân phần nào nhìn thấy những nỗ lực khoác áo mới từ chính quyền Quận Tây Hồ, nhưng những nét mới cũng chưa thực sự thành hình rõ rệt.
Nếu như phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây có cái lý khi xứ Đoài còn quá thiếu thốn những không gian vui chơi, giải trí dịp cuối tuần dành cho cộng đồng thì ở những không gian trong nội thành, việc mở các con đường đi bộ chỉ đơn thuần để… đi bộ, hoặc kèm theo những hạng mục, dịch vụ lèo tèo, buôn thúng bán mẹt thì chắc chắn sẽ không phát huy hiệu quả, thậm chí sớm chết yểu. Chưa kể, việc hình thành mỗi tuyến phố đi bộ còn liên quan rất nhiều đến những yếu tố hạ tầng, dân sinh khác như giao thông, ngăn đường, chặn xe khiến cuộc sống của cư dân ở khu vực đó bị đảo lộn…
Lãng phí
TS.KTS Quy hoạch đô thị ĐH Paris Pantheon Nguyễn Việt Huy thẳng thắn, câu chuyện mở hàng loạt phố đi bộ thể hiện thực trạng làm từ ngọn mà không giải quyết từ gốc. “Phố đi bộ Trịnh Công Sơn không thành công bởi người ta không tìm hiểu nhu cầu thực sự. Có thể nó đáp ứng sự hiếu kỳ nhất định nhưng sau đó sẽ chết yểu. Điều này xuất phát từ sự thiếu vắng những nghiên cứu bài bản và khoa học, không hề nghiên cứu về tính khả thi. Thực tế có những nơi cần thì không có phố đi bộ, chỗ không cần thì lại cố mở ra. Làm như vậy là hời hợt, lãng phí”.
NGUYÊN KHÁNH