Tranh cãi bùng nổ khi quan chức kêu gọi người dân giảm uống trà để tiết kiệm tiền

Đối ngoại - Ngày đăng : 15:00, 16/06/2022

Trước tình hình kinh tế khó khăn, quan chức Pakistan khuyên người dân giảm tiêu thụ trà nhưng lại bị chỉ trích dữ dội.

Dư luận Pakistan chỉ trích dữ dội sau phát ngôn của một Bộ trưởng nước này khi hối thúc người dân cắt giảm uống trà hay “chai” theo tiếng địa phương. Mục đích nhằm bảo vệ khoản dự trữ ngoại tệ dùng để chi trả cho hoạt động nhập khẩu lá trà về làm đồ uống cho người dân.

Pakistan hiện là quốc gia nhập khẩu trà nhiều nhất trên thế giới. Số liệu của chính phủ Pakistan cho thấy, quốc gia này đã chi hơn 515 triệu USD/năm để nhập khẩu trà mà chủ yếu là từ Kenya.

Tranh cãi bùng nổ khi quan chức kêu gọi người dân giảm uống trà để tiết kiệm tiền
Người dân Pakistan phản ứng gay gắt khi được khuyên giảm uống trà để tiết kiệm tiền. (Ảnh: barrons.com)

Tuy nhiên, Pakistan đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế lâu dài, và nguồn dự trữ ngoại tệ được dùng để chi trả nợ nần cũng ngày càng cạn kiệt.

Nhằm khắc phục tình hình kinh tế khó khăn, hồi tháng Năm, chính phủ Pakistan đã ban hành lệnh cấm nhập khẩu các mặt hàng không thiết yếu và hàng hóa xa xỉ nhằm kiểm soát lạm phát và bảo vệ nguồn dự trữ ngoại tệ. Người dân Pakistan cũng được kêu gọi thực hành lối sống tiết kiệm.

Còn trong tuyên bố hôm 14/6, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Phát triển Pakistan Ahsan Iqbal kêu gọi người dân Pakistan giảm mức tiêu thụ trà xuống còn "1 - 2 cốc mỗi ngày" nhằm giảm sức ép tài chính cho chính phủ do chính phủ vẫn đang đi vay để nhập khẩu trà.

Lâu nay, người dân Pakistan uống trà theo nhiều kiểu khác nhau từ trà đen, trà xanh, trà nóng, trà lạnh, trà ngọt hay trà mặn, nhưng loại phổ biến nhất vẫn là trà nóng cho thêm sữa.

Tuyên bố của Bộ trưởng Iqbal khiến cộng đồng mạng xã hội Pakistan lao vào chỉ trích.

“Tại sao chúng tôi phải giảm uống trà. Chúng tôi uống trà bằng tiền của chính mình, chúng tôi không uống trà bằng tiền của chính phủ”, ông Jan Muhammad (45 tuổi), tài xế xe tải cho biết ông uống từ 15 – 20 cốc trà/ngày.

“Khi chúng tôi lái xe và không còn tỉnh táo để nhìn đường, nguy cơ gây tai nạn là hiện hữu. Đó là lý do tại sao tôi phải uống 20 cốc trà”, ông Muhammad nhấn mạnh.

Tại một quán trà ở khu chợ Aabpara tại Islamabad, người bán bánh mỳ có tên Muhammad Ibrahim cho hay ông uống 12 cốc trà mỗi ngày.

“Tôi uống 3 - 4  cốc vào buổi sáng, trưa 3 cốc và tối là 3 – 4 cốc. Đó là thói quen của tôi”, ông Ibrahim nói.

Cũng tại nhà hàng này, ông Tanveer Iqbal, một Giáo sư Đại học, đồng tình với quan điểm của Bộ trưởng Iqbal về việc người dân nên cắt giảm lượng tiêu thụ trà, dù thực tế ông và 4 đứa con đang nhâm nhi cốc trà nóng trong quán.

Nhưng ông cũng băn khoăn về việc trà là thức uống được phục vụ thường xuyên trong các cuộc họp, mà đặc biệt là các cuộc họp của quan chức chính phủ.

“Làm cách nào mà chúng ta có thể giảm sử dụng trà khi trà là thức uống chính được phục vụ trong các cuộc họp chính thức”, vị Giáo sư Đại học đặt câu hỏi.

Trên lãnh thổ Pakistan, mỗi cốc “chai” được bán với giá khoảng 45 rupee Pakistan (20 cent) tại các cửa hàng.

Minh Thu (lược dịch)