Cuộc sống chật vật của người Trung Quốc khi kết quả xét nghiệm Covid-19 cứ 3 ngày lại hết hạn
Đối ngoại - Ngày đăng : 14:09, 16/06/2022
“Một miếng đậu phụ 5 ngày mới hết hạn, nhưng bạn chỉ có 3 ngày” là một trong những câu nói đùa phổ biến nhất đang lưu hành ở Trung Quốc.
Câu nói đùa này ám chỉ kết quả xét nghiệm âm tính Covid-19 của một người dân chỉ có giá trị trong 3 ngày, trong khi đây đang là giấy tờ bắt buộc để được phép sử dụng dịch vụ giao thông công cộng, hoặc bước vào các khu vực công cộng ở những thành phố lớn của Trung Quốc.
Cuộc sống sinh hoạt của người dân Trung Quốc gặp nhiều khó khăn do kết quả xét nghiệm Covid-19 cứ 3 ngày lại hết hạn. (Ảnh: Bloomberg) |
Nếu như không có bằng chứng để chứng minh có kết quả xét nghiệm PCR âm tính, người dân sẽ bị cấm tới các nhà ga tàu điện, đi xe buýt, taxi, tới các tòa nhà văn phòng, trung tâm thương mại, nhà hàng và các địa điểm công cộng khác.
Theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), cư dân sinh sống ở ít nhất 50 thành phố của Trung Quốc đang phải thực hiện làm xét nghiệm PCR cứ vài ngày một lần để có thể cầm trên tay tờ kết quả âm tính có giá trị trong vòng 48 – 72 giờ theo yêu cầu của chính quyền địa phương nhằm nhanh chóng phát hiện các ca mới mắc Covid-19 trong cộng đồng.
Đây cũng là biện pháp mới nhất được Trung Quốc ban hành nhằm ngăn chặn tốc độ lây lan nhanh chóng của biến chủng Omicron trong quá trình thi hành chiến lược "zero Covid-19" (không ca nhiễm Covid-19). Song nhiều người cho rằng, biện pháp này không những gây gián đoạn cuộc sống thường nhật của người dân, mà còn dẫn tới các vấn đề pháp lý và khiến khoản ngân sách dành cho cộng đồng càng căng thẳng.
Cô Lin Xiaoping, một nhân viên kế toán làm việc ở Thượng Hải, cho biết cô buộc nghỉ việc một ngày vào tuần trước, bởi cô không kịp làm xét nghiệm PCR.
“Tôi tới nơi lấy mẫu xét nghiệm gần nhà sau bữa ăn tối. Lúc đó có rất nhiều người đang xếp hàng và khi tới lượt tôi lấy mẫu thì cơ sở xét nghiệm đã đóng cửa. Thời tiết ngày càng nắng nóng, và thật sự bất tiện khi bạn phải đứng xếp hàng như thế vài ngày một lần”, cô Lin phàn nàn.
Hàng chục nghìn địa điểm lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 ngay trên đường phố đã được thành lập tại hàng chục thành phố lớn của Trung Quốc, kể từ sau khi chính phủ Trung Quốc tuyên bố người dân sẽ được làm xét nghiệm ở nơi chỉ cách 15 phút đi bộ từ nhà. Nhưng tại các khu vực đông dân cư như Bắc Kinh và Thượng Hải, tình trạng người dân phải xếp hàng dài chờ tới lượt lấy mẫu xét nghiệm trở thành chuyện cơm bữa.
Chính phủ Trung Quốc hy vọng hoạt động làm xét nghiệm thường xuyên sẽ nhanh chóng ngăn chặn các đợt bùng phát dịch, và tránh được tình trạng phong tỏa 2 tháng như Thượng Hải trong tháng Tư và tháng Năm.
Hiện cũng chưa có văn bản nào nhắc tới việc lấy mẫu xét nghiệm thường xuyên như trên bao giờ sẽ kết thúc.
Chính sách bình thường kiểu mới của chính phủ Trung Quốc còn đang gây khó khăn cho những người cao tuổi, bởi họ không biết cách dùng điện thoại thông minh. Trong khi thiết bị này đang được sử dụng rộng rãi để trình kết quả xét nghiệm Covid-19 khi cần, cũng như mã y tế được cập nhật sau mỗi lần làm xét nghiệm.
“Trước đây, cung đường quen thuộc của tôi là tới các công viên, đi siêu thị mua thực phẩm, đi xe buýt tới bệnh viện, còn hiện tại tôi phải ở nhà thường xuyên. Chuyện này quá phiền phức”, cụ Su Limin hơn 70 tuổi sinh sống ở Bắc Kinh chia sẻ.
Trên thực tế, việc phải lấy xét nghiệm thường xuyên còn khiến thị trường chợ đen xuất hiện dịch vụ bán giấy xét nghiệm âm tính Covid-19.
Hồi đầu tháng này, cảnh sát Thượng Hải đã bắt giữ ít nhất 6 người liên quan tới hành vi làm xét nghiệm hộ người khác, và trả tiền để người khác làm xét nghiệm thay.
Điển hình, do kết quả xét nghiệm âm tính Covid-19 chỉ có giá trị trong vòng 48 giờ, một tài xế đã đưa cho người hàng xóm thông tin cá nhân và đề nghị người này xếp hàng để làm xét nghiệm hộ nhằm tiết kiệm thời gian, chính quyền Gia Định nói trong thông cáo báo chí.
“Tôi tự tin mình sẽ không có kết quả dương tính”, nam tài xế nói với các sĩ quan cảnh sát khi bị phát hiện nhờ người khác làm xét nghiệm hộ.
Ngoài ra, một số chính quyền địa phương ở Trung Quốc còn cho thi hành các biện pháp cực đoan để đảm bảo người dân làm xét nghiệm đúng thời gian và quy định.
Chính quyền thành phố Tứ Bình thuộc tỉnh Cát Lâm đã ban hành quy định gây tranh cãi vào ngày 30/5 về việc người dân nếu không tham gia 2 lần làm xét nghiệm đại trà do chính quyền thành phố tổ chức sẽ bị phạt tù 10 ngày và nộp phạt 500 nhân dân tệ (75 USD).
Thậm chí, tên của những người vi phạm còn bị công khai trên truyền thông và khiến họ gặp khó khăn khi đi tàu hỏa hoặc làm thủ tục tại khách sạn. Thông tin này nhanh chóng vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của dư luận Trung Quốc.
Giáo sư Zhao Hong tại Trường Luật của Đại học Luật và Khoa học Chính trị Trung Quốc, nhấn mạnh những quy định như trên là trái luật.
Bà Zhao cũng bày tỏ mối lo ngại về khoản chi khổng lồ cho hoạt động lấy mẫu xét nghiệm đại trà, cùng nguồn nhân lực phục vụ cho chiến dịch lấy mẫu thường xuyên cứ vài ngày lại diễn ra một lần.
Minh Thu (lược dịch)