Người dân thế giới mất hơn 2 năm tuổi thọ vì ô nhiễm không khí
Thiên nhiên - Môi trường - Ngày đăng : 09:30, 16/06/2022
Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh ô nhiễm bụi mịn mà chủ yếu do hoạt động đốt nhiên liệu hóa thạch đang làm giảm tuổi thọ của người dân trên toàn thế giới là hơn 2 năm.
Tại Nam Á, trung bình một người có thể sống thọ hơn 5 năm nếu như mức độ hạt bụi mịn đáp ứng được các tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Đây là thông tin trong bản báo cáo của Viện Chính sách Năng lượng thuộc Đại học Chicago, Mỹ.
Tình trạng ô nhiễm không khí làm giảm tuổi thọ của người dân trên khắp thế giới. (Ảnh: AP) |
Tại hai bang của Ấn Độ là Uttar Pradesh và Bihar, nơi sinh sống của 300 triệu người, căn bệnh ung thư phổi và tim mạch do ô nhiễm bụi mịn PM2.5 gây ra đã làm giảm tuổi thọ 8 năm của người dân. Tình trạng này ở thủ đô New Delhi là 10 năm.
Bụi mịn PM2.5 có kích thước nhỏ hơn hoặc bằng 2,5 micron và chỉ gần bằng đường kính sợi tóc của con người. Khi hít phải, bụi mịn sẽ đi sâu vào phổi và đi vào máu. Vào năm 2013, Liên Hợp Quốc (LHQ) đã liệt bụi mịn PM2.5 là tác nhân gây căn bệnh ung thư.
Cũng theo WHO, mật độ bụi mịn PM2.5 trong không khí không nên quá 15 microgam/m3 trong cả ngày, hoặc 5 mcg/m3 tính trung bình trong cả năm.
“Không khí trong sạch sẽ giúp người dân trên khắp thế giới sống lâu hơn vài năm. Giải thiểu không khí ô nhiễm trên toàn cầu một cách lâu dài để đáp ứng những hướng dẫn mà WHO đã ban hành sẽ giúp tăng trung bình tuổi thọ thêm 2,2 năm”, bà Crista Hasenkopf, trưởng nhóm nghiên cứu và các cộng sự chia sẻ trong báo cáo có tên “Air Quality Life Index”.
Theo báo cáo, phần lớn các khu vực đông dân cư trên thế giới đều không đáp ứng được tiêu chuẩn về chất lượng không khí mà WHO đề ra. Nhưng khu vực châu Á là đặc biệt nghiêm trọng với Bangladesh vượt 15 lần mức độ cho phép, Ấn Độ là 10 lần, Nepal và Pakistan là 9 lần.
Trung và Tây Phi cùng với đa phần các nước ở Đông Nam Á và nhiều khu vực ở Trung Mỹ cũng đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí khiến tuổi thọ người dân bị giảm. Những khu vực này có mức độ ô nhiễm vượt qua mức trung bình toàn cầu.
Theo những dữ liệu cập nhật mới nhất, ô nhiễm bụi mịn PM2.5 trong năm 2020 không có sự thay đổi đáng kể so với năm trước, dù nền kinh tế thế giới sụt giảm và lượng khí phát thải CO2 cũng giảm mạnh do các nước thi hành lệnh phong tỏa để kiểm soát dịch bệnh Covid-19.
“Tại Nam Á, ô nhiễm không khí thực tế còn gia tăng trong năm đầu tiên dịch bệnh xuất hiện”, các tác giả nhấn mạnh.
Song một quốc gia ghi nhận sự thay đổi tích cực lớn là Trung Quốc. Cụ thể, tại đất nước tỷ dân, ô nhiễm bụi mịn PM2.5 đã giảm gần 40% kể từ năm 2013 - 2020, giúp tăng thêm 2 năm tuổi thọ. Song thực tế, dù những biến chuyển tích cực về chất lượng không khí, tuổi thọ trung bình của người dân Trung Quốc hiện vẫn bị giảm hơn 2,6 năm.
Minh Thu (lược dịch)