Giữ nguyên lãi suất điều hành để tăng cung nguồn vốn chi phí thấp
Tài chính ngân hàng - Ngày đăng : 17:53, 15/06/2022
Chia sẻ tại cuộc họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2022, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Đào Minh Tú cho biết, thời gian qua, tốc độ luân chuyển vốn của nền kinh tế đã nhanh hơn so với 2 năm trước. Tính đến ngày 9/6/2022, tín dụng tăng 8,15% so với cuối năm 2021, tăng 17,09% so với cùng kỳ năm 2021, phù hợp với diễn biến tích cực hơn của nền kinh tế. Nhờ đó, đã góp phần kích hoạt mạnh mẽ các hoạt động kinh tế, tạo đà phục hồi các chỉ số vĩ mô, từ đó giúp kinh tế dần khôi phục và tăng trưởng.
Lạm phát tại Việt Nam tính đến 20/5/2022 là 2,25%, trong đó chủ yếu là do tác động của yếu tố giá cả (giá xăng dầu) vẫn nằm thấp so với nhiều quốc gia trên thế giới. Chính vì vậy, Ngân hàng Nhà nước quyết định tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành, mặc dù chịu áp lực từ xu hướng nới lỏng tiền tệ, tăng lãi suất trên toàn cầu, nhằm tạo điều kiện để các DN tiếp cận nguồn vốn với chi phí thấp, qua đó hỗ trợ phục hồi sản xuất - kinh doanh.
Ngân hàng Nhà nước cho biết từ 2021 các nước trên thế giới đã thắt chặt chính sách tiền tệ. Theo thống kê 2021 có 113 lượt tăng lãi suất và 6 tháng 2022 có 114 lượt tăng lãi suất trên toàn cầu. Trong khi đó, vào năm 2020 và 2021 Việt Nam đã giảm mạnh lãi suất điều hành và đến nay vẫn giữ nguyên không tăng. Đấy là nỗ lực lớn để duy trì lãi suất ổn định.
Tuy nhiên, bên cạnh một số điều kiện thuận lợi, điều hành chính sách tiền tệ cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn. Trong đó, khó khăn lớn nhất là nguy cơ lạm phát đang dần hiện hữu. Các nước là đối tác lớn của Việt Nam như Mỹ trên 8%, Anh trên 9%, Thái Lan 7,1%, Hàn quốc 5,4%...Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế mở lớn với kinh ngạch xuất nhập khẩu tưng đương với 200% GDP, vì vậy khi thế giới lạm phát thì cũng bị tác động những có độ trễ.
Mặc dù vậy, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước khẳng định, tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu.
Một trong những vấn đề được nhiều người quan tâm là tăng hạn mức tín dụng cho các ngân hàng thương mại. Hiện nhiều ngân hàng đã gần hết hạn mức năm 2022. Theo Ngân hàng Nhà nước, việc áp hạn mức tín dụn cho ngân hàng thương mại được thực hiện từ năm 2011. Trước đó, khi chưa áp hạn mức, tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng thương mại rất cao, đều trên 30%/năm, thậm chí có ngân hàng tới 50%/năm, vượt rất xa năng lực quản trị, dẫn đến mất khả năng thanh toán. Trong 3 năm trở lại đây, nhu cầu tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng thương mại đều vượt 20%, dù định hướng chỉ 14%/năm. Với tốc độ tăng trưởng lớn như vậy, nếu không kiểm soát áp lực lạm phát sẽ rất lớn. Lạm phát tăng sẽ đẩy lãi suất tăng cao, không có lợi cho nền kinh tế.
Ngành ngân hàng sẽ tiếp tục cung ứng vốn cho nền kinh tế một cách hợp lý, trên tinh thần phải kiểm soát được lạm phát. Trong điều hành tín dụng, tiếp tục định hướng tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Trần Thủy