Cổ phiếu ồ ạt giảm giá, VN-Index tụt về ngưỡng 1.200 điểm

Tài chính ngân hàng - Ngày đăng : 14:42, 15/06/2022

Đa số các cổ phiếu tiếp tục giảm mạnh, trong đó gần như toàn bộ các cổ phiếu nhóm VN-30 giảm giá, khiến chỉ số VN-Index có lúc rớt 34 điểm về dưới ngưỡng 1.200 điểm.

Áp lực bán ra cao trong bối cảnh nền kinh tế thế giới bất định đã khiến hơn 800 cổ phiếu tiếp tục giảm giá, trong đó có gần 170 mã giảm giá sàn (99 mã trên sàn HOSE, 50 mã trên sàn HNX).

Chỉ số VN-Index tính tới 14h09 giảm 34,19 điểm xuống còn 1.196,32 điểm.

Trong nhóm cổ phiếu trụ cột, Chứng khoán SSI, POW và GVR có lúc giảm sàn. Nhiều mã giảm mạnh như: Khang Điền, Bảo Việt, Petrolimex, Vàng bạc đá quý Phú Nhuận..

Tuy nhiên, sức cầu bắt đáy tăng mạnh khi VN-Index xuống dưới ngưỡng 1.200 điểm, qua đó giúp nhiều cổ phiếu hồi phục và chỉ số VN-Index lên trở lại ngưỡng 1.210 điểm vào lúc 14h20.

VN-Index giảm xuống dưới ngưỡng 1.200 điểm lúc 14h5 ngày 15/6.

Cổ phiếu Việt biến động mạnh, theo xu hướng giảm trong bối cảnh lạm phát cao và nỗi lo suy thoái khiến chứng khoán toàn cầu giảm mạnh, qua đó ảnh hưởng tới tâm lý của các nhà đầu tư trong nước. Bên cạnh đó, việc giá cả đầu vào tăng cao, trong đó có giá xăng dầu cũng khiến nhiều người lo lắng về triển vọng của các doanh nghiệp niêm yết. Giá xăng tăng gấp gần 2,7 lần trong vòng 2 năm qua, từ mức 12.000 đồng/lít lên 32.000 đồng/lit.

Nỗi lo gia tăng khi thanh khoản trên thị trường gần đây giảm trở lại, về ngưỡng 15-17 nghìn tỷ đồng.

Cổ phiếu giảm cho dù nền kinh tế Việt Nam tiếp tục duy trì đà phục hồi mạnh mẽ trong tháng 5 bất chấp tình trạng bất định toàn cầu gia tăng. Hiện, Việt Nam đối mặt với một số trở lực. Đó là lạm phát lên cao, tăng trưởng xuất khẩu và FDI đăng ký chậm lại.

Theo WB, sản xuất công nghiệp tiếp tục đà tăng trưởng vững chắc với tốc độ 10,4% (so cùng kỳ năm trước) trong khi doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng bật tăng với tốc độ tăng 4,2% (so tháng trước) và 22,6% (so cùng kỳ năm trước), cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ của tiêu dùng trong nước.

Trong báo cáo chiến lược tháng 6 mới công bố với chủ đề "Một con đường chông gai nhưng không chùn bước", Maybank Investment Bank đánh giá nền kinh tế của Việt Nam ghi nhận đà phục hồi đáng ngạc nhiên trong 5 tháng đầu năm 2022.

Chứng khoán Việt giảm sâu theo thế giới.

Theo Maybank, do Covid-19 không còn là mối quan tâm lớn của cộng đồng nhờ tỷ lệ tiêm chủng cao (lần lượt là 80% và 60% dân số đã được tiêm liều thứ hai và thứ ba), hoạt động kinh tế nội địa đã phục hồi về mức trước đại dịch. Nhu cầu tăng nhanh đã đẩy tổng doanh thu bán lẻ lên 477 nghìn tỷ đồng trong tháng 5 (tăng 21,3% so cùng kỳ). Đây cũng là mức kỷ lục của kỳ trong lịch sử. Về mặt sản xuất, khi lệnh phong tỏa của Trung Quốc đang được nới lỏng, PMI tháng 5 của Việt Nam cũng tăng lên 54,7, mức cao nhất kể từ năm 2018.

Maybank cho biết, tín dụng tăng cao cho thấy niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp ngày càng tăng. Điều này đã giúp lợi nhuận của các ngân hàng đại chúng trong quý I/2022 tăng 32% so với cùng kỳ, từ mức tăng 8,3% trong quý IV/2021. Lợi nhuận của các ngành phi ngân hàng khác cũng tăng 37,2%, giúp tổng lợi nhuận của các công ty niêm yết tăng 34% trong quý I/2022 mặc dù mức so sánh cao (+83%) trong quý I/2021.

Theo Maybank Investment Bank, nền kinh tế Việt Nam đã trở lại quỹ đạo tăng trưởng. Bất chấp áp lực do giá nhiên liệu tăng và nhu cầu mở lại, lạm phát có khả năng vẫn dưới mức mục tiêu 4% của NHNN trong năm nay mà không cần tăng lãi suất đáng kể. Hơn nữa, những biến động trên thị trường vốn thời gian qua cũng sẽ không cản trở sự phục hồi của nền kinh tế sau đại dịch.

Sự kiện đáng chú ý vào ngày 26/5/2022, S&P Global Rating đã nâng cấp xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam từ "BB" lên "BB +", cách một bậc để được coi là "Investment Grade" và cho thấy sự bền vững được cải thiện của nền kinh tế Việt Nam trong dài hạn.

Maybank Investment Bank duy trì dự báo tăng trưởng thu nhập doanh nghiệp năm 2022 của các công ty trên sàn là 25% so với cùng kỳ. Các ngành có triển vọng tốt là: bán lẻ, hậu cần hàng không, hậu cần hàng hải, bất động sản thương mại và ngân hàng (theo chủ đề mở cửa trở lại), năng lượng và hóa chất (hàng hóa đóng vai trò quan trọng).

M. Hà