WHO xem xét tuyên bố đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp toàn cầu

Tin Y tế - Ngày đăng : 14:15, 15/06/2022

Tổ chức Y tế Thế giới cho biết điều này sẽ được quyết định sau khi WHO tổ chức cuộc họp khẩn trong tuần này.

Theo CNN, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) sẽ triệu tập cuộc họp khẩn để đánh giá liệu đợt bùng phát đậu mùa khỉ hiện tại có phải là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu (PHEIC) hay không. Thông tin này được Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết tại cuộc họp báo ở Geneva ngày 14/6.

Tình huống bất thường


Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết: “Tôi cho rằng rõ ràng đang có tình huống bất thường, ngay cả virus cũng đang hoạt động khác thường so với cách nó từng hoạt động trong quá khứ. Nhưng không chỉ vậy, nó còn ảnh hưởng ngày càng nhiều quốc gia hơn. Chúng tôi cho rằng căn bệnh này cần có một số phản ứng phối hợp vì sự lan rộng về địa lý".

WHO định nghĩa tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu (PHEIC): "Một sự kiện bất thường được xác định là có thể tạo thành nguy cơ sức khỏe cộng đồng cho các quốc gia khác do sự lây lan dịch bệnh quốc tế và có khả năng cần phải có một phản ứng quốc tế phối hợp".

dau-mua-khi-1.jpg

WHO đang xem xét tuyên bố đậu mùa khỉ là đại dịch toàn cầu. Ảnh: CDC.

WHO cho hay cách gọi này cho thấy đang có tình huống "nghiêm trọng, đột ngột, bất thường hoặc không mong muốn; có ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng bên ngoài biên giới quốc gia của quốc gia bị ảnh hưởng; có thể yêu cầu hành động quốc tế ngay lập tức".

Định nghĩa này xuất phát từ Quy định Y tế Quốc tế, ra đời năm 2005 và đại diện cho thỏa thuận pháp lý liên quan 196 quốc gia, với mục đích giúp cộng đồng quốc tế phòng ngừa và ứng phó với các rủi ro sức khỏe cộng đồng có khả năng lây lan trên toàn cầu.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) mô tả các quy định này là "thỏa thuận ràng buộc pháp lý của 196 quốc gia nhằm xây dựng khả năng phát hiện và báo cáo các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng tiềm ẩn trên toàn thế giới". Quy ước này yêu cầu tất cả quốc gia phải có khả năng phát hiện, đánh giá, báo cáo và đáp lại lời kêu gọi về các sự kiện sức khỏe cộng đồng.

Trước đây trong lịch sử, WHO mới chỉ 6 lần tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc tế, bao gồm các trường hợp: đối phó với dịch cúm năm 2009, bệnh bại liệt bùng phát trở lại vào năm 2014, dịch Ebola ở Tây Phi cùng năm 2014, dịch virus Zika năm 2016 và dịch Ebola bùng phát ở Cộng hòa Dân chủ Congo năm 2019.

Trong đó, hai tình trạng khẩn cấp quốc tế vẫn chưa kết thúc là bại liệt (bắt đầu vào năm 2014) và Covid-19 (bắt đầu vào năm 2020).

WHO xem xét việc thay đổi tên gọi đậu mùa khỉ


Trong cuộc họp, ông Tedros cũng cho biết: “WHO đang làm việc với các đối tác và chuyên gia trên thế giới để thay đổi tên gọi của virus đậu mùa khỉ, nhóm virus và căn bệnh mà nó gây ra. Chúng tôi sẽ thông báo về những cái tên mới trong thời gian sớm nhất".

Theo người đứng đầu WHO, cơ quan này đã ghi nhận 1.600 ca mắc đậu mùa khỉ và gần 1.500 trường hợp nghi ngờ ở 39 quốc gia. Trong đó, 7 quốc gia đã phát hiện bệnh đậu mùa khỉ trong nhiều năm. 32 quốc gia còn lại là các nước mới bị ảnh hưởng.

Đặc biệt, 78 ca tử vong đã được báo cáo trong năm nay từ các quốc gia bị ảnh hưởng trước đó. Riêng đợt bùng phát bên ngoài châu Phi, không ca tử vong nào được ghi nhận. WHO đang tìm cách xác minh các báo cáo từ Brazil về một ca tử vong liên quan bệnh đậu mùa khỉ. Theo CDC, tính đến ngày 13/6, Mỹ đã có 65 ca mắc đậu mùa khỉ.

Mục tiêu của WHO là hỗ trợ các quốc gia ngăn chặn sự lây truyền và bùng phát bằng những công cụ y tế công cộng. Giám đốc WHO nhấn mạnh điều cần thiết là phải nâng cao nhận thức về rủi ro và hành động để giảm lây truyền ở những nhóm có nguy cơ cao nhất.

dau-mua-khi-2.jpg

Vaccine đậu mùa khỉ đang được săn lùng trên thế giới. Ảnh: Freepik.

WHO không khuyến nghị tiêm phòng đại trà chống lại bệnh đậu mùa khỉ, nhưng tổ chức này đã công bố hướng dẫn tạm thời về việc sử dụng vaccine phòng bệnh đậu mùa cho khỉ vào ngày 14/6.

“Vaccine đậu mùa được kỳ vọng cung cấp một số biện pháp bảo vệ chống lại bệnh đậu mùa ở khỉ, tuy nhiên, rất ít dữ liệu lâm sàng và nguồn cung vẫn còn hạn chế. Bất kỳ quyết định nào về việc có sử dụng vaccine hay không nên được đưa ra bởi cá nhân có thể gặp rủi ro, nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe dựa trên đánh giá về rủi ro, lợi ích về từng trường hợp cụ thể", ông Tedros Adhanom Ghebreyesus nói.

Người đứng đầu WHO cũng lưu ý rằng vaccine cần phải được cung cấp công bằng ở bất kỳ nơi nào cần. WHO đang làm việc với các quốc gia thành viên, đối tác để phát triển một cơ chế tiếp cận công bằng với vaccine và phương pháp điều trị.