Từ dấu ấn U23 Việt Nam: Cầu thủ trẻ tìm kiếm cơ hội thế nào tại V.League?
Bóng đá Việt Nam - Ngày đăng : 12:31, 15/06/2022
Bài toán của U23 Việt Nam
Vòng chung kết U23 Châu Á là giải thành công về khía cạnh chuyên môn với U23 Việt Nam. Dựa trên thành tích, chúng ta xem như hoàn thành mục tiêu vượt qua vòng bảng. Nhưng nhìn rộng hơn, lứa cầu thủ trẻ không được kì vọng nhiều lại thi đấu tốt.
U23 Việt Nam cho thấy điểm sáng về sự tự tin, cách tổ chức lối chơi, thể lực cũng như kĩ năng cá nhân của từng cầu thủ. Ngay cả thuyền trưởng Gong Oh-kyun cũng thể hiện được phần nào năng lực của mình với cách sử dụng nhân sự có nhiều điểm nhấn. Tổng thể, U23 Việt Nam tại Uzbekistan khác rất nhiều so với "U23+3" trước đó chỉ 1 tháng.
Bài toán đặt ra bây giờ là việc phát huy năng lực của dàn cầu thủ U23 Việt Nam vừa thành công. Phát huy bằng cách nào? Đó là việc cầu thủ cần được thi đấu, cọ xát nhiều hơn ở môi trường đỉnh cao là V.League và giải hạng Nhất Quốc gia. Lứa Công Phượng, Quang Hải, Đình Trọng, Đức Huy, Văn Toàn,... chơi thăng hoa cũng nhờ họ có chỗ đứng ở cấp độ chuyên nghiệp từ rất sớm.
Dựa trên khía cạnh này, trong tay ông Gong có một vài cá nhân nổi bật như Nguyễn Văn Toản, Dụng Quang Nho, Việt Anh, Nguyễn Thanh Bình, Hoàng Anh, Quan Văn Chuẩn, Lê Văn Đô, Lê Minh Bình… Nhóm cầu thủ này có được vị trí chính thức ở đội bóng chủ quản và ra sân thường xuyên nên cho thấy sự khác biệt rất lớn về bản lĩnh thi đấu.
Nhưng không phải ai cũng may mắn như vậy. Đình Lâm, Tiến Long, Văn Trường, Văn Khang, Tuấn Hưng, Duy Cương chưa có nhiều cơ hội ra sân thi đấu cho câu lạc bộ Hà Nội, Hoàng Anh Gia Lai, Viettel hay Đà Nẵng.
Cầu thủ trẻ phải tự vươn lên
Nhiều người cho rằng cần áp dụng quy định “bắt buộc” các đội bóng tại V.League sử dụng cầu thủ trẻ ở độ tuổi U21 hoặc U23 ra sân trong mỗi trận đấu. Luồng quan điểm này nói rằng, cầu thủ trẻ không có sân chơi, không được tạo điều kiện nên chưa thể phát triển đúng với tiềm năng thể hiện ở các giải trẻ.
Tuy nhiên, việc áp dụng quy định này là thiếu thực tiễn đối với bóng đá chuyên nghiệp mà cụ thể ở đây là V.League. “Chiến trường không dành cho khách thơ”, V.League ở đây chính là mặt trận không có chỗ cho bất kì sai lầm nào.
Sử dụng cầu thủ trẻ có thể tốt cho thành tích chung của các đội tuyển quốc gia. Nhưng đội tuyển hay Liên đoàn bóng đá Việt Nam không phải đơn vị chịu trách nhiệm về thành tích ở câu lạc bộ. Chính các ông bầu, các vị chủ tịch đội bóng mới là người chịu trách nhiệm với cổ động viên của họ, của địa phương nơi đội bóng đóng quân.
Ở mùa giải 2015, bầu Đức dũng cảm gạt phân nửa cầu thủ lớn tuổi của Hoàng Anh Gia Lai để nhường chỗ cho lứa Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường,... Kết cục, đội bóng phố Núi suýt xuống hạng và gặp vô vàn khó khăn ở nhiều mùa giải liên tiếp. “Dành cả thanh xuân để trụ hạng” là cụm từ mô tả Hoàng Anh Gia Lai cho đến trước khi V.League 2021 diễn ra.
Điều này khiến bầu Đức gặp phải làn sóng chỉ trích dữ đội vì “mạnh dạn” tin vào cầu thủ trẻ. Tuy nhiên, U23 Việt Nam và tuyển Việt Nam hưởng lợi không nhỏ nhờ dàn cầu thủ này. Nhưng đây là ví dụ tiêu biểu cho việc quyền lợi, thành tích của đội bóng chuyên nghiệp và lợi ích của các đội tuyển quốc gia vẫn là đề tài nóng.
Sông Lam Nghệ An là trường hợp đặc biệt, họ bắt buộc phải dùng cầu thủ trẻ đơn giản bởi "không có tiền" giữ chân trụ cột trước nạn chảy máu lực lượng mỗi mùa giải. Đội bóng xứ Nghệ sản sinh ra cả trăm cầu thủ thi đấu ở các giải chuyên nghiệp nhưng thành tích của chính họ thì lại là dấu hỏi lớn.
Câu lạc bộ Hà Nội là đội bóng biết cách tạo điều kiện và phát huy cho cầu thủ trẻ. Việc được chơi cùng ngôi sao lớn như Văn Quyết, Thành Lương giúp Quang Hải tiến bộ rất nhanh chỉ trong 2-3 năm. Nhưng bầu Hiển không phải lúc nào cũng thành công. Không thiếu trường hợp được tạo điều kiện nhưng đã từng thất bại như Tiến Dũng, Minh Long,… để bây giờ, vì thành tích chung, họ đang dùng thủ thành tưởng đã giải nghệ như Tấn Trường.
Nhưng bầu Hiển với cách làm của riêng mang đến nhiều gợi ý cho V.League. Các đội bóng thay vì cố gắng giữ chân cầu thủ trẻ chỉ để học việc, cần mạnh dạn tạo điều kiện để cầu thủ được thử sức và thi đấu nhiều hơn ở các giải đấu trẻ. Đây là điều mà Thanh Hoá, Hoàng Anh Gia Lai, Viettel đang tích cực xây dựng nền tảng tương lai của mình theo cách này.
Hơn hết, các cầu thủ trẻ cũng cần hiểu rằng, cụm từ “cầu thủ chuyên nghiệp” đặt ra cho họ thử thách lớn. Nếu biết nắm bắt cơ hội, biết vươn lên, thành công sẽ đến từ sớm và tạo ra sức bật cho tương lai. Bằng không, chính họ và cả đội bóng chủ quản sẽ phải trả giá bằng kết quả trên sân.