Trò chơi mạo hiểm và câu chuyện giáo dục bản lĩnh: Trẻ phát triển toàn diện từ gian khó

Gia đình - Ngày đăng : 10:34, 15/06/2022

Khi nói về môi trường học tập và vui chơi của trẻ, nhiều phụ huynh thường không nghĩ đến việc để con mình chơi với những vật sắc nhọn hay dễ cháy.
Trẻ sẽ tự tin hơn khi tham gia trò chơi mạo hiểm. Ảnh minh họa.Trẻ sẽ tự tin hơn khi tham gia trò chơi mạo hiểm. Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu cho thấy, người lớn đang vô tình làm hại trẻ bằng cách không cho chúng vui chơi trong môi trường được cho là “nguy hiểm”.

Thông qua trò chơi mạo hiểm, trẻ sẽ phát triển tư duy cũng như nhiều kỹ năng xã hội và tương tác.

Phát triển kỹ năng

“Coi chừng nào”; “Dừng lại ngay!”; “Con không được được leo lên đó”… là những câu nói đầy lo lắng, sốt sắng của nhiều phụ huynh khi thấy con thử sức với trò chơi mới có chút mạo hiểm. “Không được làm thế!”; “Đừng sờ vào chỗ đó”; “Cẩn thận!”… được coi là những mệnh lệnh không xa lạ ở nhiều sân chơi ngoài trời.

Hiện, các thiết bị lắp đặt ở sân chơi ngoài trời dành cho trẻ em thường bao gồm hoạt động vui chơi cơ bản như: Nhún, mâm quay, xích đu, cầu trượt, nhà chơi… Một số khu vui chơi thậm chí có những bộ môn như leo núi trong nhà, đu xà… dành cho trẻ. Song, thực tế, không phải phụ huynh nào cũng yên tâm khi trẻ chơi những trò như vậy.

“Chơi rủi ro” là để chỉ các môi trường tự nhiên không được sắp đặt hay bố trí, có thể tiềm ẩn yếu tố nguy hiểm. Trò chơi bao gồm chạy nhảy trên những địa hình không bằng phẳng, chơi với độ cao hoặc tốc độ nhanh, chơi với các vật nguy hiểm (như lửa), hoặc chơi ở những nơi trẻ em có thể “biến mất” hay bị lạc. Tuy nhiên, rõ ràng là, bất kỳ ông bố, bà mẹ nào cũng sẵn sàng làm bất cứ điều gì có thể để giữ cho con được an toàn. Họ không muốn con mình bị tổn thương hoặc đi lạc, đặc biệt là khi trẻ em chưa hiểu hết ý nghĩa của lời nhắc: “Hãy cẩn thận”.

Tuy nhiên, thực tế, các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, việc bao bọc con thái quá, không cho trẻ có cơ hội mạo hiểm ngoài trời sẽ khiến giảm đi cơ hội khám phá giới hạn bản thân. Đồng thời, trẻ sẽ không học được cách đối phó với rủi ro hay vượt qua khó khăn. Từ đó, trở thành người dễ bị lo lắng, ám ảnh.

Một điều chúng ta dễ nhận ra là ngày nay, trẻ em có xu hướng dành nhiều thời gian ở trong nhà hơn. Thay vì vui chơi ngoài trời, tham gia các hoạt động ngoại khóa ở trường hay những buổi sinh hoạt thiếu nhi tại nhà văn hóa, không ít trẻ vùi mình vào đống truyện tranh, dán mắt vào màn hình tivi, máy tính bảng. Điều này vô tình tạo nên lối sống tĩnh, không tốt cho sức khỏe của trẻ.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, phụ huynh cần khuyến khích bé tham gia nhiều hơn các hoạt động ngoài trời. Như vậy, trẻ mới luôn khỏe mạnh và học hỏi được nhiều điều hay.

Bên cạnh đó, thiên nhiên được coi là một mảng nội dung vô cùng quan trọng trong giáo dục. Việc vui chơi ở không gian mở với không khí trong lành sẽ tác động lớn đến sự phát triển thể chất tinh thần của trẻ. Mặt khác, các trò chơi vận động ngoài trời còn giúp hình thành nên tính khác biệt ở mỗi trẻ. Đồng thời, phát triển các kỹ năng xã hội cùng những kỹ năng sống cần thiết.


Con trai nữ diễn viên Tăng Thanh Hà được rèn luyện qua trò chơi mạo hiểm.

Để con “được phép” bị thương

Thực tế, tâm lý sợ ngã, sợ đau hoặc bẩn thường xuất phát từ các phụ huynh, chứ không phải trẻ em. Chính vì tâm lý này, nhiều cha mẹ hạn chế phạm vi hoạt động của con trong giới hạn “an toàn”. Điều đó có nghĩa là trẻ sẽ luôn chơi trong tầm nhìn và tầm kiểm soát của cha mẹ. Hiện nay, trên thế giới, sân chơi quá an toàn được cho là không hỗ trợ nhiều cho sự phát triển của trẻ em. Thay vào đó là một khái niệm mới về sân chơi “rủi ro” và vui chơi mạo hiểm. Hình thức này mang đến cho trẻ nhiều trải nghiệm thử thách thú vị hơn.

Trong làng giải trí Việt, nữ diễn viên Tăng Thành Hà được biết đến là người có phong cách nuôi dạy con hiện đại. “Ngọc nữ màn ảnh” thường chia sẻ những hình ảnh và clip về trò chơi mạo hiểm mà Richard - con trai cô - tham gia. Loạt trò mạo hiểm mà cậu bé tham gia có thể kể đến như leo tường núi, đu dây. Đây đều là những bộ môn khó với trẻ em. Những hình ảnh và clip được chia sẻ cho thấy, Richard chơi trò mạo hiểm với động tác rất mạnh dạn, dù là trong lần đầu trải nghiệm. Bên cạnh đó, không ít cư dân mạng dành lời khen cho Richard khi cậu bé sở hữu ngoại hình khỏe khoắn, linh hoạt.

Tuy nhiên, nhiều người hâm mộ đã đặt câu hỏi rằng, tại sao Hà Tăng lại cho con mình chơi những trò “nguy hiểm” này. Thực tế, mỗi lần đi chơi của 2 con, vợ chồng Hà Tăng đều theo dõi kỹ lưỡng. Các trò chơi cũng được thiết kế phù hợp cho trẻ em với độ cao vừa phải. Thông qua các trò chơi mạo hiểm này, dân tình cũng có thể thấy vóc dáng cậu con trai Richard đã vững chắc hơn. Đồng thời, rèn luyện được tính gan dạ và dũng cảm. Mỗi khi bé hoàn thành xong thử thách, Hà Tăng không quên dành lời khen cho con: “Good job con”, “So proud of my son”...

Chuyên gia tâm lý học trẻ em Phan Linh chia sẻ: “Không thể bơi được nếu quần lót không ướt. Quần áo lê la bùn đất rồi, làm sao còn trắng được? Và nếu thực sự sống thì chắc chắn quần áo không bao giờ sạch sẽ. Nhưng nhiều người sợ thất bại và sợ gục ngã. Họ đứng một chỗ, cố gắng không di chuyển”. Là người hiện sống và làm việc tại Na Uy, chị Linh cho biết, trường mẫu giáo tại quốc gia này đã giúp chị trở thành một người mẹ “chịu được bẩn”. Đồng thời, chị cũng chấp nhận cho con mình được phép bẩn, được phép bị thương cũng như thử những trò mạo hiểm.

Bởi, Phan Linh chia sẻ, mỗi lần nhìn thấy bộ quần áo đầy cát, lỗ mũi đen sì và hai bàn tay nhem nhuốc của con sau giờ tan học, chị lại thấy vui. Mỗi khi con ngã bẩn quần áo, xước mặt và tay chân, thâm tím hai ống đồng, nữ chuyên gia đều nói: “Không sao đâu”.

“Con có thể bị ngã, bị bẩn, bị thương. Đó là những vết thương bên ngoài, rồi sẽ lành lại. Tuy nhiên, thật đáng sợ nếu một đứa trẻ chỉ dám đứng dưới nước một chỗ mà không dám di chuyển. Đó có thể là những vết thương từ bên trong, không dễ gì sửa chữa”, nữ chuyên gia cho biết.


Cha mẹ cần đồng hành và hướng dẫn khi trẻ chơi trò mạo hiểm. Ảnh minh họa.

Gắn kết nhờ trò mạo hiểm

Theo anh Nguyễn Hiếu Văn - chuyên viên tâm lý, giáo viên kỹ năng sống tại Trung tâm Rồng Việt, việc phụ huynh nào cũng lo lắng cho sự an toàn của con trẻ khi chơi các trò mạo hiểm là vô cùng bình thường. Bởi, đó là sự biểu hiện của lòng yêu thương, quan tâm của cha mẹ đối với trẻ.

“Tuy nhiên, nếu trẻ vận động, vui chơi các trò mạo hiểm nhưng vẫn đảm bảo được sự an toàn, có kiểm soát, điều đó sẽ giúp các em rất nhiều trong việc phát triển tư duy. Bởi, đối với trẻ, vận động là một trong những hoạt động chủ đạo. Thông qua việc vận động, vui chơi, trẻ sẽ thấy được các mối tương quan, cách giao tiếp. Từ đó, dần hình thành trí tưởng tượng phong phú, rèn tính kỷ luật, kiên trì, tập trung… Những yếu tố đó sẽ giúp trẻ phát triển cả mặt thể chất và tinh thần”, anh Hiếu Văn chia sẻ.

Do đó, theo nam giáo viên này, để cảm thấy yên tâm hơn khi cho trẻ tham gia các trò chơi mạo hiểm, phụ huynh cần có những trang bị về vật chất, đồ chơi an toàn cho trẻ. Bên cạnh đó, cha mẹ có thể lót thêm thảm ở khu vực bé hay chạy nhảy. Đồng thời, lưu ý mua những công cụ, đồ chơi, mô hình leo trèo, thiết bị ở những nơi uy tín, có kiểm chứng, đảm bảo chất lượng. Trong trường hợp trẻ tham gia trò chơi mạo hiểm được thiết kế tại nhà, cha mẹ có thể trang bị thêm camera để quan sát con, nếu phụ huynh vắng nhà. Bên cạnh đó, phụ huynh cũng cần trang bị các kỹ năng sơ cứu vết thương, trong trường hợp trẻ gặp thương tích.

Để bảo vệ an toàn cho trẻ, phụ huynh được khuyến khích đồng hành và hướng dẫn trẻ các cách chơi trước. Từ đó, giúp trẻ hiểu, cũng như thấy được những tình huống có thể xảy ra. Đồng thời, trẻ cũng sẽ lường trước những nguy hiểm, hậu quả nếu chơi sai cách, hoặc mất kiểm soát, không chú ý…

“Qua những hoạt động này, phụ huynh sẽ thêm gắn kết nhờ đồng hành cùng con. Nhờ đó, cha mẹ cũng sẽ biết các trẻ thích những trò chơi nào, tính cách khi con tham gia trò chơi đó ra sao. Như vậy, phụ huynh sẽ có sự điều chỉnh, cũng như đưa ra lời khuyên phù hợp cho bé. Điều đó sẽ giúp các bé chơi có kiểm soát, tăng tính kỷ luật, tinh thần trách nhiệm, cũng như sự tập trung…”, anh Hiếu Văn nhấn mạnh.

Cũng theo anh Văn, nhờ sự đồng hành của cha mẹ, trẻ sẽ có người để chia sẻ những đam mê, mong muốn của mình. Là người bạn đồng hành, cha mẹ cũng sẽ thấu hiểu con mình hơn. Từ đó, giúp trẻ phát triển toàn diện hơn cả về mặt thể chất lẫn tinh thần, thông qua trò chơi mạo hiểm.

Vân Huyền